Kỷ niệm 70 năm thành lập ngành ngân hàng (NH) Việt Nam (6/5/1951-6/5/2021), ngành NH Vĩnh Long đã trải qua 46 năm xây dựng và phát triển, Báo Vĩnh Long trân trọng giới thiệu bài viết của ông Lý Nhật Trường- Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long, với nhiều thành tựu rất quan trọng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
NHNN chi nhánh Vĩnh Long đón nhận Huân chương Lao động hạng II, năm 2010. Ảnh: NHNN chi nhánh Vĩnh Long |
Kỷ niệm 70 năm thành lập ngành ngân hàng (NH) Việt Nam (6/5/1951-6/5/2021), ngành NH Vĩnh Long đã trải qua 46 năm xây dựng và phát triển, Báo Vĩnh Long trân trọng giới thiệu bài viết của ông Lý Nhật Trường- Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long, với nhiều thành tựu rất quan trọng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Những chặng đường phát triển
Trong 46 năm qua, ngành NH tỉnh trải qua nhiều giai đoạn phát triển.
Những năm đầu sau giải phóng và thời kỳ khôi phục kinh tế- xã hội chủ nghĩa (1975-1985), tuy còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhất định trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, mạng lưới hoạt động còn hạn chế, song hoạt động NH cũng đã có những đóng góp khá quan trọng. Đã huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân để tạo nguồn vốn đáp ứng các nhu cầu vốn thúc đẩy sản xuất phát triển kinh tế- xã hội. Đáng chú ý là thực hiện thành công việc tiếp quản và thanh lý các NH của chế độ cũ vào tháng 5/1975, xây dựng hệ thống mạng lưới NH đến các huyện để tổ chức hoạt động theo quy định. Năm 1985, số dư huy động đạt 152 triệu đồng, gấp 40,9 lần so với năm 1976; doanh số cho vay đạt 3.724 triệu đồng, gấp 39,6 lần; dư nợ cho vay đạt 579 triệu đồng, gấp 30,5 lần.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ, ngành NH tổ chức triển khai thực hiện thành công 3 lần đổi tiền vào ngày 22/9/1975 (đổi tiền chế độ cũ sang tiền mới miền Nam), đổi tiền ngày 2/5/1978 (nhằm thống nhất đồng tiền chung cả nước) và đổi tiền ngày 14/9/1985 (nhằm để điều chỉnh, ổn định sức mua của đồng tiền).
Tiếp theo, những năm đầu sau đổi mới (1986-1991), thực hiện chủ trương của Đảng, ngành NH chuyển đổi từ 1 cấp sang NH 2 cấp để phù hợp với công cuộc đổi mới của đất nước. Sau khi tái lập tỉnh Vĩnh Long, ngành NH bước qua giai đoạn sắp xếp lại “Ổn định hoạt động tạo đà cho sự phát triển” (1992-2000). Các pháp lệnh tiếp tục được nâng cấp, phát triển thành Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng vào năm 1997, khi đó hệ thống NH đã có sự đổi mới mạnh mẽ và toàn diện, hoạt động theo mô hình 2 cấp ngày càng hoàn thiện. Mạng lưới NHTM từng bước được triển khai rộng khắp trên địa bàn Vĩnh Long.
Giai đoạn 2001- 2011, hệ thống tổ chức tín dụng phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, đóng vai trò là đòn bẩy hữu hiệu trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Năm 2011, số dư huy động đạt 11.224 tỷ đồng, gấp 16,7 lần so với năm 2000 và 296,2 lần so với năm 1992. Dư nợ cho vay đạt 13.417 tỷ đồng, gấp 7,3 lần so với năm 2000 và 125 lần so với năm 1992. Bên cạnh, các dịch vụ thanh toán, dịch vụ NH hiện đại được quan tâm phát triển, trong đó hệ thống ATM, POS phát triển mạnh, các dịch vụ trả lương qua tài khoản NH tăng… giúp giao dịch NH ngày càng nhanh chóng và tiện lợi hơn cho khách hàng.
Từ năm 2012 đến nay, ngành NH thực hiện cơ cấu lại hoạt động của tổ chức tín dụng để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Sau thời gian phát triển nhanh, các tổ chức tín dụng trong nước đã bắt đầu bộc lộ nhiều yếu kém, rủi ro, thanh khoản gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh, hiệu quả hoạt động giảm sút cùng các vấn đề sở hữu chéo, thiếu minh bạch, năng lực quản trị… Vì vậy, trong giai đoạn này cùng với chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế cũng đã tiến hành ngay hoạt động cơ cấu lại hệ thống NH để ngăn chặn rủi ro và sự đổ vỡ của các tổ chức tín dụng.
Ngành NH tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, đã kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 vào năm 2017 nhằm đảm bảo khung pháp lý để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, tham mưu ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng nhằm để hỗ trợ công tác xử lý nợ xấu…
Trong tỉnh, mạng lưới NH tiến hành sắp xếp lại hợp lý, hiệu quả hơn, chú trọng chuyển các điểm giao dịch từ TP Vĩnh Long về địa bàn các huyện. Đến nay, toàn tỉnh có 22 chi nhánh NHTM, 1 chi nhánh NH Chính sách xã hội và 5 quỹ tín dụng nhân dân với 115 điểm giao dịch, trong đó có 79 điểm giao dịch tại địa bàn nông thôn, chiếm 69,23%/tổng số điểm giao dịch toàn tỉnh.
Thực hiện các cơ chế điều hành lãi suất linh hoạt phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, các biện pháp hành chính từng bước được thu hẹp, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường, nhất là lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh hiện còn khoảng 6-7%/năm, giảm một nửa so với năm 2011.
Thành tựu quan trọng của ngành NH Vĩnh Long
Hơn 46 năm xây dựng và phát triển, ngành NH Vĩnh Long đã có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước và xóa đói, giảm nghèo.
Hệ thống NH đã vượt qua nhiều khó khăn phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng phục vụ đắc lực các chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, hỗ trợ và thúc đẩy kinh tế phát triển. Thực hiện chuyển đổi thành công từ hệ thống NH 1 cấp sang 2 cấp nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển ngày càng lớn mạnh của hệ thống NH trên địa bàn.
Ngành NH luôn chủ động trong việc triển khai các chính sách tín dụng, các giải pháp tiền tệ NH thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long. Tín dụng NH ngày càng đóng vai trò quan trọng, thực hiện các chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo. Sản phẩm NH ngày càng đa dạng, hiện đại, tiện ích từng bước theo chuẩn mực quốc tế đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng theo cơ chế thị trường. Đặc biệt là sự ủng hộ, lòng tin của người dân vào hệ thống NH ngày càng cao, đây là nền tảng quan trọng để ngành phát triển trong thời gian tới.
Song song với việc triển khai nhiệm vụ kinh doanh, ngành NH luôn có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, đồng hành cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt các chương trình an sinh, xã hội như: xây dựng nhà ở cho người nghèo, trường học, xây dựng cầu, đường nông thôn, tặng học bổng, tặng quà cho gia đình nghèo, chính sách… Tổng số tiền đóng góp giai đoạn 2010- 2020 đạt 298 tỷ đồng.
Tóm lại, 46 năm qua, ngành NH Vĩnh Long đã tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của ngành và từng bước khẳng định được vai trò quan trọng của ngành NH cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Vĩnh Long nói riêng.
Đến nay, số dư huy động đạt 42.224 tỷ đồng, gấp 3,76 lần so với năm 2011. Dư nợ cho vay đạt 35.628 tỷ đồng, gấp 2,8 lần. Các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, NH điện tử trên nền tảng công nghệ hiện đại và dịch vụ NH mới phát triển mạnh, các quy trình thủ tục thực hiện các dịch vụ NH ngày càng đơn giản… đáp ứng các dịch vụ ngày càng đa dạng và tiện lợi cho khách hàng. Đây là một thành công của ngành NH để thích ứng và từng bước vượt qua đại dịch COVID-19 và được xem là cột mốc thay đổi quan trọng trong phương thức giao dịch NH. |
LÝ NHẬT TRƯỜNG
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin