Xúc tiến thương mại: Đổi mới phương thức, nâng hiệu quả vai trò "cầu nối"

01:04, 23/04/2021

Xúc tiến thương mại (XTTM) không chỉ là giải pháp hiệu quả hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường mà còn giúp DN nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường, giúp sản phẩm đi xa hơn. Để bắt kịp xu thế thị trường, các hoạt động XTTM cũng dần được nâng cấp, mới mẻ, chủ động, thay đổi linh hoạt hơn.

 

Tham gia các chương trình kết nối cung cầu, hội chợ, phiên chợ giúp cơ sở, DN mở rộng thị trường.
Tham gia các chương trình kết nối cung cầu, hội chợ, phiên chợ giúp cơ sở, DN mở rộng thị trường.

Xúc tiến thương mại (XTTM) không chỉ là giải pháp hiệu quả hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường mà còn giúp DN nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường, giúp sản phẩm đi xa hơn. Để bắt kịp xu thế thị trường, các hoạt động XTTM cũng dần được nâng cấp, mới mẻ, chủ động, thay đổi linh hoạt hơn.

Trực tiếp song song trực tuyến

Nhiều DN cho rằng, XTTM đã đóng góp phần không nhỏ vào thành quả của các cơ sở DN trong việc gia tăng doanh số bán hàng, giúp thương hiệu và hình ảnh của DN được nhiều người biết đến hơn, tạo điều kiện thúc đẩy việc kinh doanh tốt nhất. Thời gian qua, hoạt động XTTM của tỉnh cũng đã giúp cơ sở, DN từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, nhất là những cơ sở, DN nhỏ, ít lợi thế về khâu marketing.

Ông Hồ Trung Nghĩa- Giám đốc Trung tâm XTTM (Sở Công thương)- cho hay: Các chính sách hỗ trợ DN cho hoạt động XTTM được duy trì và thực hiện nghiêm túc, chú trọng khai thác thị trường nội địa qua các hoạt động tổ chức kết nối cung cầu, tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, chương trình XTTM được thay đổi trong quá trình triển khai thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của DN cũng như yêu cầu của thị trường.

Theo đó, không chỉ đơn giản là tổ chức hội chợ hay tham gia các hội chợ các tỉnh- thành khác mà hoạt động XTTM cũng được thực hiện mới mẻ, linh hoạt, chủ động hơn. Đó là khai thác, đẩy mạnh thương mại điện tử- phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện nay, giúp DN vừa có thể quảng cáo trực tiếp vừa thêm kênh trực tuyến.

“Cụ thể, trung tâm đã lựa chọn các hội chợ có quy mô lớn phù hợp với đối tượng DN. Qua đó, DN, hợp tác xã trong tỉnh tìm được đối tác là nhà phân phối, đại lý để đưa hàng hóa gần hơn với người tiêu dùng ở các vùng miền. Đồng thời giúp DN nắm thị hiếu để có định hướng thay đổi sản xuất hàng hóa phù hợp với đặc điểm từng thị trường, người tiêu dùng ngày càng biết đến sản phẩm của DN, tin dùng và lựa chọn sử dụng lâu dài”- ông Hồ Trung Nghĩa cho biết thêm.

Bên cạnh đó, DN trong tỉnh đã có những cuộc tiếp xúc trực tiếp với các đối tác là nhà phân phối, hệ thống siêu thị trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin về đơn vị. Ngoài kết nối trực tiếp, cũng tạo điều kiện cho DN kết nối trực tuyến với các nhà phân phối tại Trung Quốc, Úc…

Trực tiếp tham gia nhiều buổi trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại Phú Quốc- Kiên Giang, chị Phạm Thị Phượng- Chủ cơ sở sản xuất mứt vỏ bưởi Vân Phượng (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh)- cho hay: “Trước đây, tôi ngại đi tham gia các hoạt động kết nối cung cầu, vì là cơ sở nhỏ, kỹ năng quảng cáo còn hạn chế nên chủ yếu là gửi sản phẩm để nhờ giới thiệu, trưng bày. Dần dần, qua nhiều lần được vận động tham gia, tôi nhận thấy hiệu quả thiết thực, giúp cơ sở tìm được đối tác mới ở các vùng miền khác mà còn được học hỏi kinh nghiệm, vừa quảng bá sản phẩm mới. Đặc biệt là tìm hiểu nhu cầu của thị trường để có thể cải thiện sản phẩm, phù hợp với từng địa phương hơn. Nên tôi mạnh dạn tham gia, nâng cao khả năng giao tiếp với đối tác”.

Để là cầu nối hiệu quả, vững chắc

Tuy nhiên, dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song, theo ông Hồ Trung Nghĩa, DN trong tỉnh phần lớn là DN nhỏ, thiếu chủ động thay đổi tư duy kinh doanh, tiếp cận thị trường do đó sức cạnh tranh còn hạn chế. Đội ngũ nhân sự của DN làm công tác XTTM, thị trường chưa chuyên nghiệp, chưa chủ động nắm bắt cơ hội mang lại khi tham gia các chương trình kết nối.

Năng lực cạnh tranh, bao bì mẫu mã sản phẩm, thiếu nhiều thông tin về chất lượng sản phẩm... nên chưa đáp ứng yêu cầu của nhà phân phối. Đó là chưa kể, một số DN có sản phẩm mới tham gia chương trình XTTM nhưng chủ yếu để học hỏi kinh nghiệm, “đi cho biết”.

Các sản phẩm Vĩnh Long được nhiều người biết đến hơn qua các buổi kết nối cung cầu, trưng bày, giới thiệu hàng hóa.
Các sản phẩm Vĩnh Long được nhiều người biết đến hơn qua các buổi kết nối cung cầu, trưng bày, giới thiệu hàng hóa.

Để hoạt động XTTM đạt hiệu quả, Giám đốc Sở Công thương- Phạm Tứ Phương cho biết sẽ tổ chức thực hiện chương trình XTTM năm 2021 phù hợp với các kịch bản phòng chống dịch COVID-19; tăng cường hoạt động kết nối cung cầu tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa của địa phương tại các hệ thống phân phối, nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ DN, nhất là các DN, cơ sở kinh doanh ở nông thôn, đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh; tiếp tục nghiên cứu nâng cấp Sàn giao dịch TMĐT của ngành công thương; hỗ trợ các DN thực hiện chuyển đổi số.

Đồng thời, tạo điều kiện cho DN thực hiện các hoạt động nghiên cứu thị trường, để có chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp, khi Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực. Trong đó, chú trọng tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong tỉnh.

Song song đó, đòi hỏi các cơ sở, DN chủ động hơn nữa, cần phát huy tinh thần đồng hành cùng phát triển, chủ động hơn trong tìm kiếm cơ hội và nắm bắt thị trường. Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, XTTM trên môi trường thương mại điện tử, kết hợp linh hoạt hình thức trực tuyến và trực tiếp để tiếp cận đối tác hiệu quả.

Bài, ảnh: TRÀ MY

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh