Nhà đô thị, sao cho đồng bộ...

05:04, 28/04/2021

Mỗi khi một con đường mới hình thành cũng là lúc những căn nhà "siêu mỏng, siêu méo" mọc lên theo. Phố "bèo" chen chân tại các con đường khang trang đang làm đau đầu ngành chuyên môn trong việc quản lý kiến trúc và quy hoạch xây dựng phát triển đô thị.

(VLO) Mỗi khi một con đường mới hình thành cũng là lúc những căn nhà “siêu mỏng, siêu méo” mọc lên theo. Phố “bèo” chen chân tại các con đường khang trang đang làm đau đầu ngành chuyên môn trong việc quản lý kiến trúc và quy hoạch xây dựng phát triển đô thị.

Nhiều nhà rất khó phân biệt được chiều dài, chiều rộng, cá biệt có nhà chiều dài “teo” chỉ còn vài mét! Nếu trước đây tuyến đường Hưng Đạo Vương nối dài (Phường 4- TP Vĩnh Long), thì gần đây là tuyến đường Võ Văn Kiệt hay dọc theo tuyến kè vừa hoàn thành đưa vào sử dụng, nhiều căn nhà “siêu mỏng, siêu méo” cũng chen nhau mọc lên.

Sở dĩ có sự “lệch pha” giữa đường và phố đa phần sau khi giải phóng mặt bằng thì diện tích đất còn lại của người dân không đủ để xây dựng nhà. Trường hợp khác là một phần diện tích nhà dân bị giải tỏa nên hình dạng nhà không còn như cũ.

Điều này làm cho đô thị Vĩnh Long chưa văn minh hiện đại. Nhiều ý kiến còn cho rằng, đô thị Vĩnh Long “chỉ có đường mà chưa có phố”, do đó cần có quy hoạch đồng bộ cả đường và phố với tầm nhìn xa.

Bên cạnh, cũng cần phải tính đến phương án “dồn điền đổi thửa”, thu hồi những diện tích không đảm bảo quy chuẩn xây dựng, đồng thời xác định chỉ giới xây dựng, quy chế quản lý kiến trúc để có những con đường đẹp, những dãy phố thẳng tắp, văn minh hiện đại.

Việc quy hoạch đồng bộ cần tính ngay từ đầu và có những chính sách hợp lý trong khâu giải phóng mặt bằng. Nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch phát triển đô thị, dự báo phải “đi trước” và sát với thực tế. Tránh tình trạng xây xong đường rồi mới tính đến quy hoạch phố thì rất khó hạn chế nhà “siêu mỏng” như từng xảy ra.

N. HOÀNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh