Hơn 29.200 tỉ đồng đổ vào mua bán cổ phiếu, lập kỷ lục mọi thời đại

11:04, 13/04/2021

Phiên giao dịch 13/4 chứng kiến thị trường giằng co, người bán chốt lời, kẻ tranh thủ mua vào, cung vượt cầu, VN-Index và các chỉ số chứng khoán đều điều chỉnh giảm nhẹ. Thanh khoản toàn thị trường đạt mức cao kỷ lục với hơn 29.200 tỉ đồng.

 

    Phiên giao dịch 13/4 chứng kiến thị trường giằng co, người bán chốt lời, kẻ tranh thủ mua vào, cung vượt cầu, VN-Index và các chỉ số chứng khoán đều điều chỉnh giảm nhẹ. Thanh khoản toàn thị trường đạt mức cao kỷ lục với hơn 29.200 tỉ đồng.

     Tổng giá trị giao dịch mua bán cổ phiếu đang có xu hướng tăng mạnh thời gian gần đây - Ảnh: BÔNG MAI
    Tổng giá trị giao dịch mua bán cổ phiếu đang có xu hướng tăng mạnh thời gian gần đây - Ảnh: BÔNG MAI

    Thị trường chứng khoán trải qua phiên giằng co, các chỉ số chứng khoán liên tục chao đảo. VN-Index đã cách xa mốc 1.200 điểm ở mức tương đối, do đó nhiều nhà đầu tư giữ cổ phiếu dài hạn và đạt tỉ suất sinh lời cao đã tranh thủ chốt lời. Một số người đã tận dụng phiên điều chỉnh này để gia tăng tỉ trọng cổ phiếu. Trong bối cảnh đó, nghẽn lệnh trở thành lực cản tâm lý đối với nhà đầu tư.

    Cổ phiếu Vingroup (VIC) trở thành tiêu điểm trong ngày khi trở thành nơi hút dòng tiền mua mạnh nhất. Diễn biến này tiếp nối tin tức Vingroup đang cân nhắc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại thị trường chứng khoán Mỹ cho Hãng xe VinFast, kỳ vọng huy động khoảng 3 tỉ USD. Chỉ trong một phiên, Vingroup đã nhận về hơn 29.427 tỉ đồng vốn hóa, củng cố vị thế doanh nghiệp có vốn hóa thị trường cao nhất sàn chứng khoán với tổng giá trị đạt hơn 475.907 tỉ đồng.

    Song song đó, hàng loạt cổ phiếu khác cũng tăng giá mạnh, trong đó phải kể Vinhomes (VHM), Masan (MSN), Novaland (NVL), Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITA), Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS)...

    Áp lực bán rơi vào cổ phiếu của Ngân hàng PetroVietnam Gas (GAS), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR), Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tập đoàn Bảo Việt (BVH)...

    Riêng nhóm ngân hàng chứng kiến sự phân hóa lớn, trong khi cổ phiếu của TPBank (TPB), OCB (OCB), Eximbank (EIB)... góp công đẩy thị trường đi lên nhờ giá tăng mạnh thì giá cổ phiếu của Ngân hàng BIDV (BID), Vietcombank (VCB), MBBank (MBB)... lại rơi khá sâu.

    Xét theo lĩnh vực kinh doanh, cổ phiếu của nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu và nhóm bất động sản được nhà đầu tư mua vào mạnh. Đối lập, chỉ số cổ phiếu của nhóm chăm sóc sức khỏe, năng lượng, công nghệ thông tin, tài chính, công nghiệp, dịch vụ tiện ích... đều bị giảm đáng kể.

    Chốt phiên, VN-Index chính thức giảm nhẹ 4,12 điểm (-0,33%) xuống còn 1.248,33 điểm, thanh khoản sàn HoSE đạt hơn 23.470 tỉ đồng, tương đương gần 1,02 tỉ USD, cao gấp 1,5 lần thanh khoản bình quân trong quý 1-2021.

    Rổ VN30 giảm 0,84 điểm (-0,07%) xuống 1.277,35 điểm, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 12.903 tỉ đồng. 

    Sắc đỏ cũng bao trùm sàn HNX và rổ HNX30 khi lần lượt giảm 3,35 điểm (-1,13%) xuống 292,19 điểm và 10,22 điểm (-2,26%) xuống 441,71 điểm. Hôm nay, thanh khoản sàn HNX tăng vọt lên 4.033 tỉ đồng, tăng gấp 1,6 lần so với thanh khoản bình quân của tháng 3.

    Trong ngày, tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường, cả HoSE, HNX và UPCoM đạt trên 29.208 tỉ đồng (xấp xỉ 1,27 tỉ USD), tăng thêm hơn 3.300 tỉ đồng so với phiên hôm qua, đồng thời chính thức trở thành phiên có tổng giá trị giao dịch cao nhất trong lịch sử 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam.

    Điểm sáng trong phiên là khối ngoại đảo chiều mua ròng hơn 184 tỉ đồng.

    Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Huỳnh Minh Tuấn (giám đốc môi giới hội sở Công ty chứng khoán Mirae Asset) nhận định dù đây là lần đầu tiên sàn HoSE có phiên giao dịch trên 1 tỉ USD, nhưng con số này vẫn chưa phản ánh đúng thực lực của thị trường. Nếu không xảy ra tắc nghẽn, giá trị giao dịch có thể tăng cao hơn.

    Bên cạnh đó, thị trường có phiên điều chỉnh giảm là điều có thể lường trước được, vì nửa cuối tháng 4 và tháng 5 là thời điểm thấp điểm của năm, các doanh nghiệp đều dành cho các hoạt động đại hội cổ đông, xuất hiện vùng trống thông tin, nên động lực tăng trưởng không nhiều bằng các giai đoạn khác.

    Theo nhiều chuyên gia, khi sàn giao dịch được thông suốt, dòng tiền sẽ đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều hơn, khi đó phiên giao dịch tỉ USD không còn là chuyện xa lạ. 

    Theo BÔNG MAI/TTO

     

     

    Đường dây nóng: 0987083838.

    Phóng sự ảnh