Xây dựng và phát triển thương hiệu đặc sản ĐBSCL

01:03, 06/03/2021

ĐBSCL có nhiều đặc sản địa phương có uy tín, danh tiếng và chất lượng cao. Những năm gần đây, các địa phương, doanh nghiệp vùng ĐBSCL tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản địa phương mình.

 

(VLO) ĐBSCL có nhiều đặc sản địa phương có uy tín, danh tiếng và chất lượng cao. Những năm gần đây, các địa phương, doanh nghiệp vùng ĐBSCL tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản địa phương mình.

Cho rằng “một chiến lược thương hiệu đúng hướng là con đường ngắn nhất giúp doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng trong nước cũng như quốc tế”, ông Trần Văn Đức- Giám đốc Công ty CP Đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco) cho biết, Beinco đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, tự động, tiên tiến nhập khẩu từ Đức, Thái Lan nhằm chế biến trái dừa thành những sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu Châu Âu, Mỹ.

Các địa phương vùng ĐBSCL tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản địa phương.
Các địa phương vùng ĐBSCL tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản địa phương.

Ông Trần Văn Đức cho biết thêm, Beinco luôn nghiêm túc trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Từ thiết kế, màu sắc, bố cục của logo, bao bì đều được công ty chuẩn hóa. Công ty đã tiến hành đăng ký sở hữu trí tuệ cho thương hiệu tại Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc. “Đăng ký sở hữu trí tuệ là một biện pháp bảo vệ loại tài sản vô hình này”- ông Trần Văn Đức nói.

Bà Trương Thị Cẩm Hồng- Giám đốc Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long- cho rằng, cần phải đổi mới sáng tạo để tồn tại và phát triển trong một môi trường biến động nhanh, linh hoạt và có tính cạnh tranh cao như hiện nay.

Để đứng vững trước sự cạnh tranh khốc liệt hiện tại của thị trường bán lẻ, đòi hỏi công ty phải có chiến lược xây dựng lộ trình phát triển phù hợp và khẳng định vị thế của sản phẩm.

Dù vậy, có sản phẩm tốt thôi là chưa đủ, để tạo dựng một thương hiệu, tạo dựng lòng tin, uy tín và sự linh hoạt, hợp lý, trung thực trong cách thức cung ứng sản phẩm ra thị trường, theo đuổi giá trị cốt lõi và tối đa hóa lợi ích cho khách hàng thông qua sản phẩm và quá trình cung ứng, giao tiếp… đây cũng là mối quan tâm trong chiến lược phát triển thương hiệu của công ty.

Cần đa dạng hóa sản phẩm đặc sản để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Cần đa dạng hóa sản phẩm đặc sản để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

ĐBSCL có nhiều đặc sản địa phương có uy tín, danh tiếng và chất lượng cao như: bưởi Năm Roi Bình Minh, bưởi da xanh Bến Tre, dừa Bến Tre, sầu riêng Cái Mơn, xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu Cao Lãnh, vú sữa Lò Rèn- Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, sơ ri Gò Công,…

Ông Trần Giang Khuê- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Hồ Chí Minh- cho rằng, những năm gần đây, các địa phương, doanh nghiệp vùng ĐBSCL tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản địa phương.

Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản địa phương của vùng ĐBSCL, thương hiệu mang tính tập thể hay tính cộng đồng, vẫn còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc.

Theo ông Trần Giang Khuê, để xây dựng thương hiệu cho đặc sản vùng ĐBSCL đủ sức cạnh tranh trên sân nhà và vươn tầm ra thị trường quốc tế, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó, có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật để xây dựng và bảo hộ thương hiệu.

Đồng thời, để đảm bảo tính bền vững cần xây dựng và phát triển thương hiệu dưới cả 2 góc độ: là tài sản riêng của doanh nghiệp và tài sản chung của cộng đồng, của địa phương, vùng miền để gắn kết hài hòa giữa lợi ích của các nhà sản xuất, kinh doanh và lợi ích chung của tập thể, của cộng đồng, của địa phương. Có vậy, đặc sản mang thương hiệu địa phương mới phát triển nhanh và bền vững.

Về phía các nhà sản xuất, kinh doanh, cần tập trung tổ chức sản xuất, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể…

Tức là không bán hàng thô, hàng nguyên liệu nữa mà bán sản phẩm có gắn nhãn mác hay thương hiệu sản phẩm địa phương, vùng miền và quốc gia. Đồng thời, tăng cường đa dạng hóa sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần đồng lòng, chung sức, tích cực tham gia vào các hoạt động của các hội, hiệp hội, làng nghề để cùng nhau xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu cho các đặc sản truyền thống của địa phương…

“Có như vậy thì mới có thể góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu của vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung trở thành nơi có uy tín, danh tiếng về hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao”- ông Trần Giang Khuê nhấn mạnh.

Liên kết, hướng vào chuỗi giá trị toàn cầu

Theo đồng chí Lê Quốc Phong- Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, để tồn tại thì “liên kết” vừa là xu thế tất yếu nhưng cũng là đòn bẩy cho phát triển.

Báo cáo kinh tế thường niên về ĐBSCL cho thấy, ĐBSCL đang đứng trước những thách thức từ bên ngoài như hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở... đến các vấn đề bên trong như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, nguồn lực phát triển kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào khai thác tài nguyên bản địa, không nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao… Xuất phát từ thực tiễn trên, ĐBSCL muốn phát triển thì sản phẩm, dịch vụ của vùng không thể chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn phải hướng vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là trong thời buổi công nghệ phát triển và thế giới phẳng như hiện nay.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh