Xây dựng cơ bản: Khó đến đâu gỡ đến đó

07:03, 18/03/2021

Trong thực hiện giải ngân vốn xây dựng cơ bản, vẫn còn không ít khó khăn mà các dự án đang gặp phải liên quan tới tiến độ giải ngân nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thẩm định dự án còn chậm…

 

Cần tập trung gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình.
Cần tập trung gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình.

Trong thực hiện giải ngân vốn xây dựng cơ bản, vẫn còn không ít khó khăn mà các dự án đang gặp phải liên quan tới tiến độ giải ngân nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thẩm định dự án còn chậm…

Vướng nhiều ở khâu GPMB

Theo BCĐ Xây dựng cơ bản tỉnh, năm qua, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn vốn bố trí, bổ sung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm, cấp bách về giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới; nhiều dự án, hạng mục được đầu tư đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, phát triển đô thị, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu,...

Việc cân đối bố trí vốn để thu hồi hoàn trả tạm ứng ngân sách, thanh toán khối lượng hoàn thành, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, việc quyết toán, tất toán công trình hoàn thành tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện.

Năm 2020, kết quả giải ngân chung đạt hơn 90% kế hoạch, một số sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có kế hoạch vốn lớn thực hiện giải ngân tốt như Công ty CP Hòa Phú đạt 100%, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đạt 99%, Sở GD- ĐT đạt 98,86%,...

Nhiều nguồn vốn có kế hoạch vốn lớn giải ngân đạt tỷ lệ cao như nguồn cân đối ngân sách, nguồn kết dư tiền sử dụng đất các năm 2019. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 đã ảnh hưởng phần nào đến tiến độ thi công các gói thầu. Nhiều dự án khởi công có quy mô lớn, thiết kế 2 bước do đó nhiều gói thầu đến cuối quý II, quý III mới được tổ chức lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng.

Bên cạnh đó, theo ông Võ Quốc Thanh- Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư, một số địa phương thiếu chủ động, chưa kiên quyết trong chỉ đạo nên nhiều dự án chậm lập và phê duyệt phương án đền bù GPMB, chậm bàn giao mặt bằng, công tác phối hợp có lúc chưa thường xuyên, chặt chẽ, chưa làm tốt tuyên truyền, vận động thu hồi đất, việc giải quyết khó khăn, vướng mắc kéo dài.

Điển hình một số công trình chậm khởi công, chậm triển khai do chậm GPMB như: Trường Tiểu học Nguyễn Văn Kết (Vũng Liêm), nâng cấp và cải tạo đường Mậu Thân (TP Vĩnh Long), dự án cầu Lộ 2, Bệnh viên Y học cổ truyền, dự án nâng cấp đô thị TP Vĩnh Long,…

“Chưa kể, năng lực một số nhà thầu thi công, tư vấn, lập dự án, lập thiết kế thi công dự toán yếu, thực hiện chậm, chất lượng sản phẩm tư vấn chưa cao nên phải tổ chức thẩm định, chỉnh sửa nhiều lần, kéo dài thời gian. Vấn đề này vẫn chưa được khắc phục”- ông Võ Quốc Thanh cho biết thêm.

Cũng theo nhiều đơn vị, chưa bố trí được đất tái định cư, vướng mắc thực hiện GPMB, một số hộ dân không đồng ý với đơn giá bồi thường của Nhà nước… cũng là những lý do khiến nhiều dự án trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ, chủ đầu tư chưa thể bàn giao công trình, đưa vào khai thác và sử dụng.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh- Chủ tịch UBND huyện Long Hồ- cho hay: Địa phương cũng còn vướng về công tác GPMB, trong đó có dự án đường vành đai 4 xã cù lao, dù địa phương đã quyết tâm đưa ra các giải pháp để thực hiện. Trong khi có trên 90% người dân đã đồng thuận, thì vẫn còn một vài hộ chưa đồng ý trong vấn đề GPMB, khiến công trình kéo dài 10 năm không khai thác sử dụng được, gây lãng phí và bức xúc trong dân.

Tập trung gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư các dự án, công trình, các đơn vị sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc. Trong đó, tăng cường gặp gỡ, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về đất đai, chính sách bồi thường, GPMB để cùng đồng thuận trong việc di dời, giải tỏa mặt bằng.

Ông Nguyễn Quốc Duy- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long- cũng cho biết: Năm 2020, đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân còn thấp. Thành phố sẽ thực hiện tốt công tác GPMB ngay từ đầu năm, nâng cao tỷ lệ giải ngân trên 95%.

Để thực hiện hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, ông Lê Quang Trung-  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Xây dựng cơ bản tỉnh- nhấn mạnh: Các hạn chế, khó khăn phải được khắc phục nhanh chóng, kịp thời, khó đến đâu phải tìm nguyên nhân và giải pháp để tháo gỡ đến đó.

Cần khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công các công trình, nhất là công tác GPMB; thực hiện tốt việc thanh toán, quyết toán công trình, xử lý tạm ứng ngân sách theo đúng quy định.

Đồng thời, đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc lựa chọn tư vấn, lựa chọn nhà thầu, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân tham gia, giám sát, nhằm hạn chế và loại bỏ sự tham gia của các đơn vị tư vấn, nhà thầu yếu kém, không đủ năng lực. Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư đảm bảo quản lý, sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư.

Tổng vốn đầu tư công năm 2020 gần 3.720 tỷ đồng (không kể nguồn vốn ODA thực hiện dự án thiết bị Bệnh viện Đa khoa tỉnh 23 tỷ đồng do dự án chưa được ký hiệp định tài trợ), thực hiện và giải ngân trên 3.360 tỷ đồng. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách tỉnh gần 2.850 tỷ đồng, thực hiện và giải ngân trên 2.500 tỷ đồng, đạt 88,54% kế hoạch; nguồn vốn ngân sách Trung ương gần 870 tỷ đồng, thực hiện và giải ngân gần 830 tỷ đồng, đạt 95,33% kế hoạch.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh