Thắng lợi kép vụ Đông Xuân

10:03, 04/03/2021

Hoàn thành gieo cấy tại miền Bắc. Miền Nam thu hoạch trong khí thế được mùa, được giá. Vụ Đông Xuân 2020–2021 được coi là thắng lợi kép trong tình thế "hạn-mặn" ngày một ảnh hưởng sâu sắc đến ngành nông nghiệp.

Hoàn thành gieo cấy tại miền Bắc. Miền Nam thu hoạch trong khí thế được mùa, được giá. Vụ Đông Xuân 2020–2021 được coi là thắng lợi kép trong tình thế “hạn-mặn” ngày một ảnh hưởng sâu sắc đến ngành nông nghiệp.

80% diện tích lúa tại ĐBSCL đã chuyển đổi sang lúa chất lượng cao - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
80% diện tích lúa tại ĐBSCL đã chuyển đổi sang lúa chất lượng cao - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thích ứng bằng chuyển đổi

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đến nay, các tỉnh phía bắc gieo trồng ước đạt hơn 90% kế hoạch đề ra.

Trong đó cụ thể các tỉnh Bắc Trung Bộ vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 gieo cấy cơ bản xong (đạt khoảng 350.000 ha); các tỉnh Đồng bằng sông Hồng đã gieo cấy được 470.000 ha/496.000 ha (tương đương 95% kế hoạch); các tỉnh Trung du miền núi phía bắc đã gieo cấy đạt khoảng 180.000 ha/242.000 ha kế hoạch (đạt khoảng 75%).

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021 diễn ra khá thuận lợi về đổ ải, lấy nước. Thời tiết khí hậu nói chung phù hợp cho mạ, lúa sinh trưởng phát triển.

Tuy nhiên, có một số đợt rét hoặc nóng bất thường xảy ra có nguy cơ làm giảm hiệu quả mùa vụ nhưng các địa phương cơ bản đã chủ động trong việc phòng chống nên có thể nói đa số không có ảnh hưởng đến mạ, lúa vụ Đông Xuân.

Từ những kết quả ấn tượng của vụ lúa đông xuân 2019–2020 diễn ra trong bối cảnh xâm nhập mặn cao kỷ lục, dựa trên những dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn cũng như Tổng cục Thủy lợi; Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã có những chỉ đạo quyết liệt, sát sao ngay từ rất sớm.

Phụ trách lĩnh vực trồng trọt tại phía nam, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết dựa trên dự báo tình hình xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2020–2021 có thể cao hơn năm 2015–2016 nhưng thấp hơn vụ Đông Xuân 2019–2020, Bộ NN&PTNT, các địa phương đã xây dựng kịch bản rất chi tiết về kế hoạch sản xuất lúa sao cho phù hợp, thích ứng với hạn mặn, dựa trên kinh nghiệm ứng phó từ vụ trước.

Theo đó, phương châm đẩy sớm thời gian xuống giống để né hạn mặn được các địa phương tiếp tục áp dụng, thực hiện nghiêm túc, tránh được những thiệt hại do mặn xâm nhập vào sâu trong nội đồng.

Nông dân thu lãi cao

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh từng đưa ra nhận định, do ảnh hưởng của COVID-19,  nhiều hoạt động sản xuất, thương mại lương thực trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây cũng đang là cơ hội mở ra cho Việt Nam nếu chúng ta vượt qua được khó khăn để tổ chức sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu.

Vụ Đông Xuân 2020–2021 này là một tín hiệu đáng mừng trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay.

Hiện, các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2020–2021, ước tính đã được khoảng 1/3 diện tích. Theo đánh giá ban đầu, năng suất, chất lượng lúa vụ Đông Xuân năm 2020–2021 cao hơn hẳn so với vụ trước nhờ chúng ta đã rút ra được những bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với xâm nhập mặn từ vụ Đông Xuân 2019–2020.

Ước tính, năng suất lúa vụ Đông Xuân 2020-2021 đạt khoảng 6,92 tấn/ha, cao hơn 1 tạ/ha so với vụ trước.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Điều đáng phấn khởi là giá lúa Đông Xuân đang được thu mua ở mức cao, từ 6.000–6.500 đồng/kg, riêng lúa thơm nhiều loại có giá từ 6.800–7.000 đồng/kg, cao hơn 1.500–2.000 đồng/kg so với vụ Đông Xuân 2019–2020. Nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên chi phí sản xuất vụ này khá thấp.

Theo đánh giá của những nông dân đã thu hoạch lúa, vụ này, bà con đạt lợi nhuận cao kỷ lục, 40–50 triệu đồng/ha”.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu trên 608.768 tấn gạo các loại, đạt giá trị kim ngạch 336,18 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo của Việt Nam 2 tháng đầu năm giảm khoảng 34% về khối lượng nhưng lại tăng 22% giá trị kim ngạch.

Tính bình quân, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt trung bình 551,7 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12.2020 và tăng 15,4% so với tháng 1.2020.

Cập nhật mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho thấy hiện gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam có giá chào bán từ 518-522 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với ngày 2/3 được chào bán với giá từ 513-517 USD/tấn.

Các thương nhân ngành lúa gạo cho biết, đây là mức giá cao vượt cả giá gạo cùng loại của Thái Lan. Hiện tại, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đang được chào bán với giá từ 513-517 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Ấn Độ xuất khẩu với giá 398-402 USD/tấn; gạo còn Pakistan được chào bán với giá 438-442 USD/tấn.

Không riêng gì gạo 5% tấm, các loại gạo khác của Việt Nam cũng được xuất khẩu với giá cao: Gạo 25% tấm từ 4493-497 USD/tấn; Jasmine dao động từ 563-567 USD/tấn, gạo 100% tấm có giá 438 USD-442 USD/tấn.

Chuyển đổi giống lúa nói riêng và cơ cấu cây trồng nói chung trong điều kiện thời tiết mới đã giúp người dân thu được hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, để hiệu quả kinh tế được bền vững, việc bám sát thị trường và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng cần được chính quyền các địa phương và người dân chủ động, thúc đẩy hơn nữa để có được những thắng lợi như vụ Đông Xuân này.

Theo Đỗ Hương/Báo Chính phủ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh