Sức hút khởi nghiệp từ nông sản

01:03, 05/03/2021

Nhìn từ cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long năm 2020, phần lớn ý tưởng, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp- nhằm nâng cao giá trị nông sản. Cho thấy, chủ nhân các ý tưởng, dự án có sự quan tâm đặc biệt đối với nông sản.

(VLO) Nhìn từ cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long năm 2020, phần lớn ý tưởng, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp- nhằm nâng cao giá trị nông sản. Cho thấy, chủ nhân các ý tưởng, dự án có sự quan tâm đặc biệt đối với nông sản.

Với họ, khởi nghiệp từ nông sản nhằm góp phần giải quyết đầu ra, tăng thu nhập cho người nông dân, tạo ra những giá trị hữu ích cho cộng đồng…

Mứt vỏ bưởi- sản phẩm khởi nghiệp của Vĩnh Long giới thiệu tại hội thảo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐBSCL 2020.
Mứt vỏ bưởi- sản phẩm khởi nghiệp của Vĩnh Long giới thiệu tại hội thảo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐBSCL 2020.

Vòng chung kết cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long lần III năm 2020 diễn ra tại TX Bình Minh, với 15 ý tưởng, dự án xuất sắc tham gia tranh tài, phần lớn thuộc lĩnh vực nông nghiệp như: sản xuất bột bổ sung dinh dưỡng từ đu đủ, chiết xuất tinh dầu thiên nhiên từ vỏ bưởi làm dưỡng chất kích thích mọc tóc, sản phẩm nước rau diếp cá bổ sung húng quế đóng chai, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng từ gạo tím thảo dược tại địa phương, đa dạng hóa các sản phẩm từ trái thanh long ruột đỏ…

Chị Phạm Thị Thẫm Phương- đại diện nhóm tác giả ý tưởng chiết xuất tinh dầu thiên nhiên từ vỏ bưởi làm dưỡng chất kích thích mọc tóc- cho biết, ý tưởng xuất phát từ trăn trở trái bưởi là một trong các đặc sản của Vĩnh Long được sử dụng chủ yếu phần thịt, còn vỏ bưởi có nhiều công dụng nhưng hầu hết bị bỏ đi rất uổng phí.

Trong khi, tinh dầu bưởi giàu dưỡng chất cần thiết cho tóc, các thành phần này khi thấm vào da đầu và tóc sẽ giúp tóc giảm gãy rụng và kích thích mọc tóc hiệu quả, giúp tóc khỏe và suôn mượt hơn.

Do đó, việc chiết xuất tinh dầu từ vỏ bưởi nhằm tạo ra sản phẩm tinh dầu từ thiên nhiên, tốt cho sức khỏe người dùng, mong muốn tạo thêm thu nhập cho nhà vườn trồng bưởi.

Cũng ở hạng mục ý tưởng, tác giả Phạm Thị Kim Quyên xuất sắc giành giải nhất với ý tưởng “Sản phẩm nước rau diếp cá bổ sung húng quế đóng chai”.

Kim Quyên lý giải: Theo y học cổ truyền, diếp cá có tác dụng tốt cho sức khỏe nhưng có chứa mùi tanh đặc trưng. Do đó sản phẩm nước rau diếp cá bổ sung húng quế sẽ loại bỏ mùi tanh của rau diếp cá, mang đến mùi hương dễ chịu. Từ đó, mang đến sản phẩm mới với hương vị đặc trưng làm nước giải khát.

Nói về nguồn nguyên liệu đầu vào và tính độc đáo của sản phẩm, Kim Quyên cho biết, rau diếp và húng quế được trồng quanh năm cho năng suất cao nên việc cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm dồi dào, liên tục. Trong khi, đây là sản phẩm nước uống đóng chai chưa xuất hiện trên thị trường, mang tính tiện lợi, tiện ích cao.

Chủ nhân dự án phát triển sản phẩm giá trị gia tăng từ gạo tím thảo dược giới thiệu sản phẩm sữa chua với các bạn trẻ.
Chủ nhân dự án phát triển sản phẩm giá trị gia tăng từ gạo tím thảo dược giới thiệu sản phẩm sữa chua với các bạn trẻ.

Ở hạng mục dự án, nhóm tác giả dự án phát triển sản phẩm giá trị gia tăng từ gạo tím thảo dược tại địa phương gồm Phan Thị Ánh Thi, Hồ Nguyễn Thanh Huy và Nguyễn Hoàng Khang cho biết, xuất phát từ mong muốn phát triển nông sản địa phương thành sản phẩm có giá trị thương mại hóa cao, tạo việc làm, góp thêm sản phẩm tốt cho sức khỏe cộng đồng…

Các thành viên của nhóm “đến từ 3 lĩnh vực khác nhau” là kinh tế tài nguyên thiên nhiên, phát triển nông thôn và nông nghiệp hữu cơ” bộc bạch về “khát vọng chung” là góp phần giải quyết bài toán vĩ mô của nông nghiệp như tình trạng được mùa mất giá, nông dân không định giá được sản phẩm làm ra, ô nhiễm môi trường do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật… bằng những “phép giải mang tầm vi mô”.

Trong đó, người trẻ sẽ đóng vai trò chính trong việc tạo ra sản phẩm chế biến có thể định giá được, sử dụng nguyên liệu hữu cơ… Theo đó, nhóm chọn phát triển sản phẩm sữa chua gạo tím thảo dược: kết hợp loại gạo tím bổ dưỡng với sữa chua lên men tự nhiên thành món ăn vừa hấp dẫn, dễ ăn và bổ dưỡng.

Qua gần một năm thực hiện dự án, hiện nhóm đang tiếp tục cải tiến chất lượng, bao bì… dựa vào tư vấn của chuyên gia về thực phẩm, kinh tế và phản hồi của khách hàng.

Là dự án giải nhất cuộc thi- “Đa dạng hóa các sản phẩm từ trái thanh long ruột đỏ”, Trịnh Ngọc Hân- đại diện nhóm tác giả Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- chia sẻ: Từ trăn trở diện tích thanh long cả nước lên đến hàng chục ngàn héc ta, sản lượng hàng triệu tấn nhưng thường rớt giá, ùn ứ vào thời điểm thu hoạch rộ.

Theo đó, dự án tận dụng màu sắc tự nhiên của thanh long vào khâu chế biến các sản phẩm bánh bao, kẹo dẻo, sủi cảo và mứt dẻo… mang tính an toàn cao cho sức khỏe người tiêu dùng, phù hợp nhiều độ tuổi khác nhau.

Việc chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm, góp phần giải quyết đầu ra cho trái thanh long, tăng thu nhập cho nông dân.

Ban Giám khảo đánh giá, nhiều bài dự thi đã thể hiện được việc ứng dụng công nghệ vào trong phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Một số dự án đáp ứng được tiêu chí phát triển cộng đồng, có giá trị thương mại cao.

Tuy nhiên, ở một số bài dự thi, thí sính trình bày chưa rõ định hướng chiến lược, giá trị cốt lõi của dự án, ý tưởng khởi nghiệp; chưa xác định được vùng nguyên liệu phục vụ ý tưởng, dự án triển khai vào thực tế, cũng như thị trường đầu ra của dòng sản phẩm khi hoàn thiện…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung đề nghị sau cuộc thi, các ngành, các cấp và đặc biệt là ngành giáo dục và đào tạo, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh, Đoàn Thanh niên, các hội và hiệp hội tiếp tục quan tâm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cả vật chất, tinh thần giúp cho các ý tưởng, dự án tiếp tục hoàn thiện, sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh