Ruộng củ cải trắng tôi trồng bị bọ nhảy tấn công gây hại. Nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn cách phòng trị?
(VLO) Ruộng củ cải trắng tôi trồng bị bọ nhảy tấn công gây hại. Nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn cách phòng trị?
Võ Văn Phong (Mỹ An- Mang Thít)
Anh Phong mến! Trước đây, bọ nhảy chỉ xuất hiện và gây hại nặng vào mùa nắng thì nay chúng ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết và xuất hiện nhiều ở những vùng trồng củ cải trắng chuyên canh.
Bọ nhảy với đặc điểm sinh trưởng phức tạp, giữa sâu non và trưởng thành có tập tính sinh sống hoàn toàn khác nhau, cả thành trùng và ấu trùng của bọ nhảy đều có khả năng gây hại.
Bọ nhảy trưởng thành gây hại ở phần trên mặt đất. Sâu non lại gây hại ở phần dưới mặt đất của cây.
Bọ nhảy có tính di động cao nên áp lực gây hại càng nặng do tích lũy qua nhiều vụ tại các vùng trồng chuyên canh, đặc biệt tại vùng nguyên liệu Mang Thít. Bọ nhảy gây thất thoát phổ biến trên 30%, thậm chí 40- 50% sản lượng thu hoạch.
Để phòng trị bọ nhảy, anh cần sử dụng luân phiên thuốc để tăng hiệu quả diệt trừ, có 4 nhóm chính được sử dụng phổ biến: nhóm lân hữu cơ được sử dụng ở hầu hết các hộ canh tác củ cải trắng (Wavotox 585 EC, Nanofos 600ES), nhóm cúc tổng hợp (Decis Repel 2.5SC), nhóm Phenyl Pyrazol (Regent 800WG, Kun Super 150SC) và nhóm sinh học (Radiant 60SC, Proclaim 1.9EC, Lufen Extra 100ES). Trung bình một vụ cải phun 8 lần thuốc, riêng thâm canh phải phun 11- 13 lần.
Hiện nay đa số nông dân xử lý bọ nhảy bằng thuốc hóa học từ giai đoạn làm đất đến thu hoạch, rất ít nông dân áp dụng biện pháp cơ học như vệ sinh ruộng, ngâm nước vào giai đoạn xử lý đất. Biện pháp ngâm nước trong ruộng cải sau thu hoạch có hiệu quả trong việc hạn chế mật số bọ nhảy trong vụ sản xuất kế tiếp.
Tuy nhiên, thời gian ngâm và thoát nước trong ruộng khá lâu, làm giảm số lượng mùa vụ trong năm nên ít được áp dụng. Do đó, để chuẩn bị vụ mới, phần lớn nông dân bón vôi, xịt thuốc trực tiếp lên luống rồi xới đất để hạn chế sâu bệnh hại từ vụ trước lây lan.
BẠN NHÀ NÔNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin