Nông nghiệp sạch từ "nông trại đến bàn ăn" là một xu hướng tất yếu hiện nay được nhiều người tiêu dùng quan tâm lựa chọn. Nắm bắt xu thế đó, nhiều người đã quyết định thử sức mình trong lĩnh vực này, bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả…
Giám đốc HTX Mekong Green- Nguyễn Trọng Nghĩa giới thiệu mô hình trồng dưa lưới theo hướng công nghệ cao. |
Nông nghiệp sạch từ “nông trại đến bàn ăn” là một xu hướng tất yếu hiện nay được nhiều người tiêu dùng quan tâm lựa chọn. Nắm bắt xu thế đó, nhiều người đã quyết định thử sức mình trong lĩnh vực này, bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả…
Hợp tác xã (HTX) Mekong Green (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) hiện có hơn 10 thành viên trồng rau và dưa lưới theo công nghệ thủy canh trong nhà lưới với khoảng 6.000m2. HTX đặt mục tiêu doanh thu 1,5 tỷ đồng vào năm 2021, thu nhập mỗi xã viên đạt 50 triệu đồng/năm.
“Thuyền trưởng” của HTX là chàng trai 9X- Nguyễn Trọng Nghĩa. Hành trình khởi nghiệp của Nghĩa được xem là táo bạo, bởi trong khi người dân xứ bưởi Năm Roi Mỹ Hòa đang loay hoay với bài toán làm thế nào để khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có thì chàng trai này đã mạnh dạn đưa dưa lưới vào trồng tại mảnh đất nhà theo hướng công nghệ cao.
Cuối năm 2019, HTX Mekong Green ra đời, với mục tiêu mang đến sản phẩm nông nghiệp an toàn đến người tiêu dùng với phương châm từ “nông trại đến bàn ăn”.
Khẳng định con đường lâu dài sẽ gắn bó với nông nghiệp công nghệ cao, Nghĩa cho biết, trăn trở hiện nay vẫn là vấn đề tiếp cận các nguồn vốn. Vừa qua, sau khi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh, các sở ngành nhân chuyến khảo sát tình hình kinh tế- xã hội địa phương, Nghĩa hy vọng khó khăn này sẽ được giải quyết hướng thuận lợi hơn trong thời gian tới.
“Rất mong tỉnh xem xét, tạo cơ chế phù hợp, ưu đãi để những người đam mê khởi nghiệp, các HTX mới hình thành được tiếp cận các nguồn vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.”- Nguyễn Trọng Nghĩa kiến nghị.
Trong khi đó, những tài nguyên bản địa là sản phẩm không dễ đổi mới sáng tạo nếu không có phương pháp, song nếu tìm ra những giá trị mới trên những cái cũ thì hoàn toàn có thể mang lại giá trị kinh tế lớn.
Anh Đặng Hoàng Minh (ấp Tân Qui, xã Tân Bình- Bình Tân) là trường hợp như vậy. Năm 2018, anh Minh quyết định “chia tay” với cây khoai lang để lên liếp trồng cây ăn trái và rau màu. Anh Minh cho rằng đó là quyết định táo bạo nhưng suy nghĩ kỹ thì “làm ăn theo kiểu truyền thống lợi nhuận ít, phụ thuộc thương lái nên phần thiệt luôn thuộc về nông dân”.
Hơn hết, trong thời buổi công nghệ phát triển, nông dân cũng không thể đứng ngoài cuộc, phải thay đổi tư duy, nắm bắt cơ hội, “bắt mạch” nhu cầu thị trường và áp dụng khoa học kỹ thuật vào mảnh vườn, thửa ruộng mới hy vọng có lợi nhuận cao và bền vững được.
“Có thời gian là tôi đi tham quan, học hỏi mô hình hay, rồi xem báo đài, tìm hiểu thêm trên Internet để mở mang kiến thức. Nhờ vậy mà biết rõ nhu cầu thị trường ra sao, cây nào, con gì đang hút hàng, dội chợ để… né, không nên chạy theo số đông mà phải tìm hướng đi riêng, tạo ra sản phẩm chất lượng”- anh Minh chia sẻ.
Hiện anh Minh đang trồng thử nghiệm bắp cải de trong nhà lưới cùng hệ thống tưới phun và bước đầu đạt kết quả khả quan. Theo tính toán của anh Minh, với cách trồng này cho năng suất gấp đôi so bên ngoài, vừa ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lại an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt là vào mùa mưa rau vẫn phát triển, vẫn an toàn, không bị giập.
Hiện nay, phong trào khởi nghiệp đang lan tỏa khá mạnh trong giới trẻ tỉnh Vĩnh Long, từ học sinh, sinh viên, đoàn viên cho đến bà con vùng nông thôn.
Trồng rau trong nhà lưới, anh Đặng Hoàng Minh hướng đến mục tiêu sản xuất nông sản sạch, hạn chế chi phí phân thuốc. |
Theo Sở Kế hoạch- Đầu tư, nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp đã được các cấp, các ngành trên địa bàn triển khai thực hiện như: tuyên truyền nâng cao nhận thức, tinh thần khởi nghiệp; tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp; kết nối nguồn vốn hỗ trợ... Đặc biệt, hàng năm tỉnh đều tổ chức cuộc thi ý tưởng và dự án khởi nghiệp, thông qua đó khơi dậy và hình thành các ý tưởng, mô hình đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp.
Tuy nhiên, để hoạt động này đi vào thực chất và bền vững, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng của bản thân những người đang ấp ủ các ý tưởng khởi nghiệp và phải luôn năng động và chịu khó tìm hướng tiếp cận phù hợp.
Ngoài ra, để hỗ trợ lâu các cấp, các ngành cần có cách hỗ trợ phù hợp, chú trọng tiếp cận với những ý tưởng mới, phù hợp thực tế và hướng dẫn để phát triển theo hướng phù hợp với thị trường và định hướng của tỉnh, tránh việc hình thành tràn lan các ý tưởng nhưng lại không thể hiện thực hóa.
Bài, ảnh: THỊNH - MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin