Khẳng định giá trị tài nguyên nước

09:03, 23/03/2021

Cái nắng đang chói chang giữa cao điểm mùa khô hạn và con nước mặn lại lăm le ở những cửa sông. Sản xuất và dân sinh miền sông nước đang chịu sự tác động rất lớn từ hạn hán, xâm nhập mặn, rộng hơn là biến đổi khí hậu- nước biển dâng.

 

Nước có giá trị rất lớn và là nguồn tài nguyên hữu hạn. Trong ảnh: Kiểm tra chất lượng nguồn nước cấp trạm cấp nước huyện Vũng Liêm.
Nước có giá trị rất lớn và là nguồn tài nguyên hữu hạn. Trong ảnh: Kiểm tra chất lượng nguồn nước cấp trạm cấp nước huyện Vũng Liêm.

Cái nắng đang chói chang giữa cao điểm mùa khô hạn và con nước mặn lại lăm le ở những cửa sông. Sản xuất và dân sinh miền sông nước đang chịu sự tác động rất lớn từ hạn hán, xâm nhập mặn, rộng hơn là biến đổi khí hậu- nước biển dâng.

Thời đoạn này, “giá trị của nước” cũng như “đại dương, khí hậu và thời tiết của chúng ta” đang đối mặt thách thức sống còn. Đây cũng là chủ đề của ngày Nước thế giới (22/3) và ngày Khí tượng thế giới (23/3) năm nay nhằm tôn vinh giá trị của nước và tầm quan trọng của đại dương đối với sự thay đổi thời tiết và khí hậu.

Giá trị của nước

Chủ đề của ngày Nước thế giới năm nay nhằm tôn vinh giá trị của nước và nâng cao nhận thức cộng đồng về cuộc khủng hoảng nước toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng, giá trị của tài nguyên nước về mặt kinh tế, văn hóa và xã hội; tăng cường các giải pháp hiệu quả bảo vệ nguồn nước trước áp lực của các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội và biến đổi khí hậu.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Linh- Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên- Môi trường), thực tế giá trị của nước cao hơn nhiều so với giá cả của nó. Nước có giá trị bao trùm đối với mỗi hộ gia đình, thực phẩm, văn hóa, sức khỏe, giáo dục, kinh tế và sự toàn vẹn của môi tường tự nhiên.

Nếu bỏ qua bất kỳ giá trị nào trong số này, chúng ta có nguy cơ quản lý sai nguồn tài nguyên hữu hạn và không thể thay thế này. Nếu không có sự hiểu biết toàn diện về giá trị thực sự, đa chiều của nước, chúng ta sẽ không thể bảo vệ nguồn tài nguyên quan trọng này vì lợi ích của tất cả mọi người.

Hiện nay, tại nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới, nhu cầu về nước sạch và các điều kiện vệ sinh môi trường của người dân chưa được đáp ứng đầy đủ do bị hạn chế trong việc tiếp cận với nguồn nước sạch và hạ tầng nguồn nước. Vì vậy, nước có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng. Trong các hộ gia đình, trường học hay nơi làm việc, nước có thể mang ý nghĩa về mặt sức khỏe, vệ sinh và quyết định năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Với thiên nhiên, nước mang ý nghĩa cho sự hòa bình, hòa hợp và bảo tồn, phát triển.

Hiện nay, tài nguyên nước đang bị đe dọa nghiêm trọng do dân số tăng nhanh, nhu cầu ngày lớn cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Như vậy, nếu không có các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch để tiết kiệm và bảo tồn tài nguyên nước sẽ không thể bảo vệ được nguồn tài nguyên hữu hạn này.

Thông qua thông điệp, chủ đề ngày Nước thế giới năm nay, Bộ Tài nguyên- Môi trường mong muốn sự quan tâm, chung tay của cộng đồng trong việc nhận thức được sự quan trọng của tài nguyên nước đối với mỗi gia đình, sinh kế, tập quán văn hóa, quyết định hạnh phúc và môi trường sống của con người. Bằng các giá trị của nước đem lại, có thể đưa ra các giải pháp hiệu quả để quản lý, bảo vệ nguồn nước, tài nguyên nước hiệu quả.

Đại dương, thời tiết và khí hậu của chúng ta

Tổ chức Khí tượng thế giới quyết định chọn chủ đề của ngày Khí tượng thế giới năm nay (23/3) là “đại dương- thời tiết và khí hậu của chúng ta” cho thấy tầm quan trọng của đại dương đối với sự thay đổi của thời tiết và khí hậu, nhân tố chính tác động đến sự hưng thịnh hay suy yếu của nền kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh thông điệp muốn nhấn mạnh việc kết nối đại dương, thời tiết và khí hậu, chủ đề trên cũng đánh dấu sự khởi động của thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (2021- 2030). Thập kỷ khuyến khích nỗ lực thu thập khoa học đại dương- thông qua các ý tưởng sáng tạo và chuyển đổi- làm cơ sở thông tin để hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.

Đại dương là nơi điều hòa khí hậu và cung cấp môi trường sống cho hàng ngàn sinh vật biển và các dịch vụ liên quan đến biển. Ngày nay, phát triển bền vững đại dương là một trong những mục tiêu quan trọng đối với toàn thế giới nói chung và với Việt Nam nói riêng.

Theo ông Trần Hồng Thái- Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên- Môi trường), bờ biển Việt Nam dài 3.260km, là nơi duy trì và phát triển cho ngành nuôi trồng thủy hải sản. Nếu chúng ta không nhanh chóng từ bỏ những thói quen xấu đã gây ra với môi trường, có lẽ đại dương trong tương lai sẽ “chết”.

Sự biến mất từng phần hay toàn bộ đại dương sẽ kéo theo sự mất cân bằng sinh thái, khí hậu và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống con người. Bởi vậy, mỗi người hãy cùng chung tay xây dựng một biển xanh không rác thải nhựa, tích cực trồng rừng và tái tạo môi trường sống xanh làm giảm nhẹ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.

89.743 hộ dân sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn

Mùa khô năm 2019- 2020, do mặn xâm nhập sớm và duy trì ở mức cao nên đã làm thiệt hại, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong tỉnh Vĩnh Long. Tổng diện tích bị nhiễm mặn và bị thiếu nước tưới trên 19.464ha, trong đó bị nhiễm mặn gần 2.000ha và bị thiếu nước tưới là 17.479ha. Số hộ dân sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn là 89.743 hộ. Số trạm cấp nước bị nhiễm mặn trên 1‰ là 51 trạm (tại Vũng Liêm, Mang Thít, Trà Ôn, Tam Bình, Long Hồ và TX Bình Minh). Số hộ chưa có nước máy sử dụng là 26.289 hộ (tại Mang Thít, TX Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm và Long Hồ).

Đến nay, từ nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh và nguồn xã hội hóa do chính quyền, đoàn thể các cấp cùng với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã chung tay vận động, hỗ trợ người dân, các địa phương bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019- 2020 với tổng kinh phí hơn 21 tỷ đồng.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh