Một dự án kết nối giữa Úc và Việt Nam (viết tắt tiếng Anh: VAVOAP), với mục đích hỗ trợ nông dân ĐBSCL xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, xây dựng thương hiệu nông sản đạt chuẩn quốc tế từ đó gia nhập vào những thị trường cạnh tranh lớn trên thế giới.
Nhiều ý kiến cho rằng thói quen sử dụng phân thuốc hóa học của nông dân Việt Nam, làm cho quá trình chuyển đổi sang hữu cơ gặp khó khăn. Trong ảnh: Vùng hẹ xã Phước Hậu (Long Hồ) đã hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học. |
(VLO) Một dự án kết nối giữa Úc và Việt Nam (viết tắt tiếng Anh: VAVOAP), với mục đích hỗ trợ nông dân ĐBSCL xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, xây dựng thương hiệu nông sản đạt chuẩn quốc tế từ đó gia nhập vào những thị trường cạnh tranh lớn trên thế giới.
Buổi hội thảo trực tuyến đầu tiên diễn ra ngày 10/3/2021 nằm trong chương trình dự án đã mang lại nhiều triển vọng đầy hứng khởi cho nông sản đồng bằng.
Được thành lập năm 2018, tại bang ACT (Úc), Mekong Organics là doanh nghiệp mang sứ mệnh kết nối nông nghiệp hữu cơ, dinh dưỡng và sức khỏe để cải thiện cuộc sống người dân lưu vực sông Mekong. Thông qua các chương trình hành động liên kết giữa khoa học với các chính sách và thực tiễn.
Kết nối nông dân Úc và nông dân các nước Đông Nam Á, nhằm thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ và phát triển bền vững khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Với mục tiêu xây dựng nền tảng kiến thức để kết nối nông nghiệp hữu cơ, canh tác sinh thái và các hoạt động đa dạng sinh học trong vùng Mekong và Úc.
Nhiều chương trình, dự án khởi động tại ĐBSCL trong những năm qua là cơ hội để nông dân đồng bằng thay đổi tư duy canh tác, có nền tảng kiến thức khoa học, thay đổi tập quán cũ trong sản xuất và chủ động nắm bắt thị trường. Và, cuộc hội thảo về chuẩn NASAA là một ví dụ điển hình.
Đúng 8g30 (giờ Việt Nam) hội thảo bắt đầu với sự trình bày của 3 diễn giả từ Úc là: TS. Nguyễn Văn Kiền- CEO Mekong Organics; bà Alex Mitchell- Giám đốc NASAA Organic và bà Tammy Partricdge- Giám đốc NCO. Phần giới thiệu đề dẫn, giúp mọi người hiểu về chuẩn NASAA và tổ chức cấp giấy chứng nhận NASAA.
Đây là hiệp hội nông nghiệp hữu cơ lâu đời của Úc, chuyên cung cấp thị trường, phát triển nông nghiệp hữu cơ, vận động, giáo dục, chính sách và dịch vụ tư vấn. Trong đó, bao gồm tiêu chuẩn hữu cơ và tiêu chuẩn Biodynamic (động sinh học) của NASAA được thừa nhận cấp quốc tế.
Tổ chức chứng nhận của NASAA có tên là NCO (chứng nhận hữu cơ NASAA), hiện đã chứng nhận cho hơn 1.200 nhà sản xuất; trong đó, có 230 doanh nghiệp kinh doanh quốc tế. Cùng với hơn 20.000 hộ nông sản xuất nhỏ lẻ ở các quốc gia đang phát triển trên toàn cầu.
Chứng nhận chuẩn NASAA tạo cơ hội cho nông dân nhỏ lẻ tham gia vào thị trường hữu cơ nội địa và quốc tế một cách mạnh mẽ và bền vững.
Hỗ trợ chuỗi cung ứng để dễ dàng tiếp cận thị trường tiêu thụ; đồng thời thúc đẩy các nguồn quỹ để phát triển giáo dục và tập huấn cho các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ.
Hỗ trợ xác định các thị trường tiêu thụ mới, tiềm năng mới và tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất và phát triển sản phẩm cho nhà chế biến theo nhu cầu thị trường. Sản xuất và phát triển sản phẩm chế biến tương ứng với nhu cầu thị trường.
Thu hoạch lúa Nhật được chứng nhận hữu cơ của Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (Vũng Liêm). |
Sau phần trình bày của bà Alex Mitchell về trường hợp điển hình chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ và tiếp cận, tạo thị trường là phần trình bày cụ thể của bà Tammy Partridge về các hoạt động chứng nhận nông nghiệp hữu cơ tại Úc và các nước Đông Nam Á; quy trình chứng nhận nông nghiệp hữu cơ cho người canh tác, sản xuất và nhà sản xuất- nhóm sản xuất với hệ thống kiểm soát nội bộ.
Đồng thời, so sánh tiêu chuẩn của NASAA với hệ thống các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ khác trên thế giới như: USDA (Mỹ), JAS (Nhật) và các chuẩn của Châu Âu…
Để được cấp chứng nhận đạt chuẩn NASAA, nông dân, nhà sản xuất phải chịu sự kiểm soát nội bộ, quy trình giám sát, kiểm tra của tổ chức này trong thời gian ít nhất 3 năm.
Phí nộp yêu cầu chứng nhận lần đầu tiên là 560 đô la Úc và phí cấp giấy chứng nhận lần đầu tiên là 950 đô la Úc; cùng một số chi phí khác về đi lại, giám sát của thanh tra viên…
Sau đó, mỗi năm sẽ tái cấp chứng nhận với các chi phí giảm theo tỷ lệ so với lần đầu. Theo tính toán, tổng chi phí để được cấp giấy chứng nhận NASAA của Tổ chức NCO lần đầu tiên tầm trên 2.000 đô la Úc (chưa đến 40 triệu đồng).
Trong khi đó, theo ông Đoàn Văn Tài- Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (Vũng Liêm- Vĩnh Long), thì chứng nhận gạo hữu cơ của hợp tác xã theo chuẩn USDA lần đầu tiên là 200 triệu đồng và phí tái cấp hàng năm là 50 triệu đồng.
Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt chỉ mới được cấp nhứng nhận hữu cơ với diện tích lúa 50ha/100ha.
Định hướng xây dựng thương hiệu liên kết 5 hợp tác xã trong thời gian tới, thì hệ thống USDA chỉ cấp riêng từng thành viên hợp tác xã tính ra tổng chi phí đến 1 tỷ đồng. Trong khi, đối với NASAA sẽ được cấp 1 giấy phép chung nếu các đơn vị liên kết có cùng giống cây trồng.
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra từ các nhà sản xuất, nông dân Việt Nam; cùng với đó, các buổi trực tuyến tiếp theo trong năm sẽ có sự giao lưu trực tiếp các chủ trang trại, nông dân từ Úc, các doanh nghiệp thu mua nông sản của Việt Nam đến từ các nước: Úc, Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Châu Âu… Một dự án kết nối thiết thực, vô cùng bổ ích, cần thiết đối với nông dân, nông sản Việt Nam.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin