Sáng 10/3/2021, Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) đã kết nối với hội thảo quốc tế chủ đề tiếp cận thị trường và chứng nhận hữu cơ (Úc/NASAA).
(VLO) Sáng 10/3/2021, Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) đã kết nối với hội thảo quốc tế chủ đề tiếp cận thị trường và chứng nhận hữu cơ (Úc/NASAA).
Hội thảo do Tổ chức Mekong Organic thực hiện từ Úc kết nối với các chuyên gia, doanh nghiệp thế giới và các tổ chức, đơn vị, nông dân ở Việt Nam.
Các diễn giả đến từ cơ quan chứng nhận hữu cơ NASAA (Úc) đã trình bày cụ thể điều kiện, quy trình sản xuất và những chi phí liên quan để nông sản Việt Nam được cấp giấy chứng nhận; đồng thời có đối chiếu so sánh với chi phí giữa các tiêu chuẩn quốc tế khác. Sau đó là phần thảo luận và các chuyên gia trả lời những câu hỏi từ các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam.
Để được cấp chứng nhận đạt chuẩn NASAA, các nông dân Việt Nam phải thực hiện canh tác theo quy trình và chịu sự giám sát của tổ chức này ít nhất 3 năm; sau 12 tháng sẽ đánh giá và tái chứng nhận.
Ông Đoàn Văn Tài- Giám đốc Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt- cho biết gạo hữu cơ của hợp tác xã đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn Mỹ (USDA) với diện tích 50ha/100ha, với chi phí là 200 triệu đồng và mức tái cấp chứng nhận hàng năm là 50 triệu đồng.
So sánh thì chi phí cấp chứng nhận NASAA lần đầu chưa tới 40 triệu đồng và phí tái cấp giảm theo tỷ lệ cụ thể mà chuẩn NASAA thì cũng được chấp thuận vào tất cả các thị trường lớn trên thế giới.
Đây là cơ hội để những hộ, nhóm nông dân hoặc các hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam đưa nông sản vào các thị trường lớn với chi phí chứng nhận khá tiết kiệm.
TS. Nguyễn Văn Kiền- đại diện Tổ chức Mekong Organic- cho biết: “Trong năm 2021 sẽ còn khoảng 10 cuộc hội thảo trực tuyến nữa với các chủ đề liên quan đến nông nghiệp hữu cơ”.
Tin, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin