Trong năm 2021, các cấp, các ngành cùng nỗ lực, vượt khó khăn, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
(VLO) Trong năm 2021, các cấp, các ngành cùng nỗ lực, vượt khó khăn, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Khu vực kinh tế tư nhân từng bước đa dạng cả về loại hình và ngành nghề, lĩnh vực hoạt động. |
Từ nền tảng tỉnh khá của vùng ĐBSCL
Theo ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy về các giải pháp phát triển bền vững kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đạt khá của vùng ĐBSCL vào năm 2020, các cấp ủy đảng đã lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nghị quyết và cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để đưa vào chương trình hoạt động, xây dựng kế hoạch hàng năm thực hiện ở địa phương, đơn vị.
“Vĩnh Long đã đạt trình độ phát triển “khá bền vững” và đang phát triển theo hướng tăng cường an sinh xã hội, tăng cường bình đẳng và bền vững. Đối với việc thực hiện mục tiêu nghị quyết, các thành tựu về xã hội và môi trường cũng luôn ở mức cao hơn so với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế”- Chủ tịch UBND tỉnh nhận định.
Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, theo Nghị quyết 12-NQ/TU, tỉnh triển khai và đạt được các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thuộc 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
Cụ thể về kinh tế, GRDP trong giai đoạn tăng bình quân 4,93%/năm, tuy tốc độ tăng không bằng giai đoạn trước (5,9%/năm), nhưng nếu nhìn vào tác động tiêu cực của hạn mặn, dịch bệnh trên người và vật nuôi qua các năm thì tăng trưởng GRDP của tỉnh vẫn đạt kết quả năm sau cao hơn năm trước.
Bên cạnh đó, trong khi gần 1/2 các tỉnh- thành vùng ĐBSCL có mức tăng trưởng âm do đại dịch COVID-19 thì tỉnh Vĩnh Long vẫn có mức tăng trưởng dương 1,24% trong 6 tháng đầu năm 2020. Đồng thời, đóng góp của TFP vào tăng trưởng năm 2020 ước đạt 49%, tăng 10% so với năm 2015.
Điều đó cho thấy kinh tế của tỉnh cơ bản bảo đảm sự hài hòa giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng, giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Qua đó, góp phần tích cực giúp cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Cơ cấu kinh tế phi nông nghiệp đạt 64,8%, tăng 5,2% so với năm 2015.
Nhờ sự năng động, sáng tạo, chỉ đạo quyết liệt, liên tục trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã giúp hình ảnh, vị thế của tỉnh có sự chuyển biến nhanh, vươn xa, qua đó giúp điểm số và thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong nhóm rất tốt của cả nước.
Các hoạt động khuyến khích và hỗ trợ khởi nghiệp, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh mở rộng quy mô, chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp được quan tâm đẩy mạnh từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Đồng thời, việc tập trung thực hiện Chương trình hành động số 16 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế tư nhân và số 17 về hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường, khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn phát triển theo hướng bền vững, từng bước đa dạng cả về loại hình, ngành nghề và lĩnh vực hoạt động.
“Chúng ta nhận thấy, quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng với tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước (trừ năm 2020 do tác động của dịch COVID-19).
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại. Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp được quan tâm thực hiện quyết liệt và rộng khắp. Công nghiệp- thương mại, dịch vụ phát triển khá, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế...
Cùng với đó, an sinh phúc lợi xã hội luôn đảm bảo và thực hiện tốt, kịp thời. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư ngày càng hoàn thiện, hiện đại, dịch vụ đa dạng, đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Quốc phòng- an ninh được giữ vững ổn định”- ông Lữ Quang Ngời cho biết những kết quả nổi bật thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2016- 2020).
Đến định hướng phát triển nhanh và bền vững
Theo đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của UBND tỉnh, các nhiệm vụ giải pháp về cơ cấu lại kinh tế, thúc đẩy các ngành, các thành phần kinh tế phát triển gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh đã được các cấp, các ngành tập trung triển khai một cách đồng bộ, có lộ trình, mục tiêu cụ thể nên đang tạo sự chuyển biến khá tích cực cho sự phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực.
Hạ tầng kỹ thuật đang từng bước đồng bộ, an sinh xã hội được mở rộng và thực hiện đầy đủ. Cùng với đó, cơ sở vật chất, nhân lực hệ thống y tế có sự cải thiện; chất lượng giáo dục được đảm bảo; các hoạt động khoa học- công nghệ được quan tâm đầu tư và mở rộng...
Tuy nhiên, có 12/23 chỉ tiêu không đạt mục tiêu nghị quyết đề ra. Các chỉ số phát triển bền vững của Vĩnh Long đã và đang ở mức khá thấp, trong đó nhiều tiêu chí về kinh tế khá yếu, chưa đạt yêu cầu.
Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cho rằng, Vĩnh Long xác định động lực phát triển giai đoạn 2021-2025 tập trung các lĩnh vực trọng điểm, đó là: phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng và năng suất cao.
Tập trung phát triển du lịch sinh thái gắn du lịch văn hóa, tâm linh, làng nghề truyền thống và du lịch nghỉ dưỡng. Nâng cấp, cải tạo hệ thống các tuyến đường quan trọng nội tỉnh và hệ thống giao thông đối ngoại nhằm tăng cường kết nối với các thành phố lớn.
Xây dựng TP Vĩnh Long trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh. Tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh đáp ứng yêu cầu phát triển. Phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân.
Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, điều hành ở các cơ quan quản lý công và khu vực doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hình ảnh, vị thế của tỉnh để tăng khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Phấn đấu huy động vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn giai đoạn 2021- 2025 đạt 83.000 tỷ đồng.
Tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân. Tập trung cải thiện điểm số và thứ hạng PCI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Phấn đấu hàng năm có thêm 400 doanh nghiệp thành lập mới, trong nhiệm kỳ có 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Về định hướng trình độ phát triển tỉnh Vĩnh Long dựa trên cơ sở định hướng phát triển theo bộ tiêu chí mới về phát triển bền vững quốc gia, tôi cho rằng, để phát triển bền vững so với các tỉnh trong vùng, tỉnh cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, môi trường xanh, sạch; định hướng Vĩnh Long thành trung tâm chuyển giao công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, trung tâm cung cấp giống có uy tín của vùng ĐBSCL; hướng Vĩnh Long thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL và cả nước. Hơn nữa, phấn đấu để Vĩnh Long là tuyến điểm quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam; thúc đẩy Vĩnh Long thành tỉnh có mức độ ứng dụng công nghệ 4.0 hàng đầu tại vùng ĐBSCL vào công tác quản lý, điều hành và phát triển dịch vụ, thương mại. Chúng ta cũng có thể kỳ vọng Vĩnh Long là một trong những tỉnh- thành có năng suất các yếu tố tổng hợp- TFP cao nhất vùng. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin