Đoạn QL1 từ cầu Mỹ Thuận đến ngã ba An Thái Trung (thuộc Cái Bè- Tiền Giang), người đi đường rất ngạc nhiên khi nhìn thấy nhiều bảng hiệu liên quan đến chữ "Mập" và tự hỏi "hổng lẽ người miền Tây ưa mập?"
(VLO) Đoạn QL1 từ cầu Mỹ Thuận đến ngã ba An Thái Trung (thuộc Cái Bè- Tiền Giang), người đi đường rất ngạc nhiên khi nhìn thấy nhiều bảng hiệu liên quan đến chữ “Mập” và tự hỏi “hổng lẽ người miền Tây ưa mập?”
Đây không phải là thắc mắc mới mẻ và nó liên quan đến câu chuyện làm ăn khá thú vị. Khi cầu Mỹ Thuận thông xe năm 2000, một quán gắn bảng hiệu nem, bánh phồng sữa “Ông Mập” cho khách biết mà ghé.
Liền sau đó dãy hàng quán “mập” gần cầu Mỹ Thuận mọc lên theo: Ông Hai Mập, Ông Ba Mập, Anh Mập, Đông Mập… Thoạt nhìn tưởng là trùng hợp ngẫu nhiên nhưng thực tế đó là “nghệ thuật bắt chước”, hay nói kiểu bình dân là “Ganh nhau… cái bảng hiệu” để thu hút người mua hàng.
Ông bà mình nói “bán có phường”, sự “ganh nhau” đó đã tạo nên ấn tượng mạnh, gây tò mò với người đi đường.
Mới đây, đó là câu chuyện của quán Bún cá Châu Đốc khi còn “một mình” ở đường Trần Phú, nhưng khi quán dời qua đường Trần Đại Nghĩa thì mọi chuyện đã khác.
Một hôm ghé quán, thực khách quen bỗng thấy “ăn sao là lạ”, mới nghe phản hồi “có tới 2 quán lận sao” trên cùng một con đường. Khi nhận ra, người chủ quán đã vội in lại bảng hiệu Bún cá Châu Đốc cô Y. (có thêm tên mình), để khách phân biệt với Bún cá Châu Đốc cô H.
Hay như các quán bún nước lèo ở đường Mậu Thân, trước kia chỉ có một quán vỉa hè, khách đông đúc dù không hề có bảng hiệu. Nhưng khi có thêm vài quán mở ra cùng bán bún nước lèo, chủ quán mới lật đật đi làm cái bảng hiệu khẳng định tên tuổi của mình.
Ở góc độ nào đó, cũng thấy rằng nếu không chú ý đến vấn đề thương hiệu độc quyền, thì những sản phẩm, thương hiệu (tạm gọi là tự phát) dễ dàng bị bắt chước, “copy” cũng là chuyện thường tình. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng thì không kịp.
LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin