Tính đến tháng 12/2020, Ấn Độ có gần 300 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 900 triệu USD, đứng thứ 26 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Tính đến tháng 12/2020, Ấn Độ có gần 300 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 900 triệu USD, đứng thứ 26 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
May hàng xuất khẩu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu là tiềm năng to lớn giúp tăng cường hơn nữa mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, đặc biệt trong lĩnh vực doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn được xem là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mỗi nước.
Đây là nhận định chung của các diễn giả tham dự Hội nghị xúc tiến thương mại-đầu tư song phương theo hình thức trực tuyến, với chủ đề “Thúc đẩy cơ hội hợp tác thương mại-đầu tư giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam-Ấn Độ,” do Thương vụ-Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với chính quyền bang Uttar Pradesh, Hiệp hội Công nghiệp Ấn Độ (IIA), cơ quan trực thuộc Bộ Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Ấn Độ và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) tổ chức chiều 25/2.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch IIA Pankaj Gupta cho rằng một số doanh nghiệp lớn của Ấn Độ như Adani Group, Mahindra, tập đoàn hóa chất SRF và tập đoàn năng lượng tái tạo Suzlon đã thể hiện sự quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam.
Các ngành công nghiệp Ấn Độ cũng có thể tìm kiếm tiềm năng thiết lập doanh nghiệp tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, thăm dò khoáng sản, hóa chất nông nghiệp, sản xuất đường, chè, càphê, công nghệ thông tin và linh kiện ôtô.
Hiện Việt Nam đang áp dụng những ưu đãi hấp dẫn cho đầu tư như khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn, chính sách đầu tư thuận lợi, nhiều hiệp định thương mại tự do, kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, chính trị ổn định, chi phí lao động thấp và lực lượng lao động trẻ.
Tuy nhiên, theo các diễn giả, hiện vẫn còn không ít thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, trong đó, các công ty hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí và các ngành tài nguyên quý khác có liên quan phải chịu mức thuế suất doanh nghiệp cao từ 32%-50%.
Các nhà đầu tư cũng cần phải sẵn sàng để đáp ứng một loạt yêu cầu về việc thành lập công ty tại Việt Nam. Hơn nữa, tất cả các giấy tờ thủ tục đều phải viết bằng tiếng Việt và tất cả các giấy tờ nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt được chứng thực. Do đó, ngôn ngữ cũng có thể là một yếu tố gây trở ngại.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phụ thuộc vào tiền mặt nhiều nhất trên thế giới. Hơn 90% tất cả các giao dịch trong nước được thực hiện bằng tiền mặt vì thiếu máy ATM và các hệ thống giao dịch đáng tin cậy.
Cũng theo ông Gupta, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) là xương sống và là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ. Đã có 63,4 triệu MSME được thành lập ở Ấn Độ, đóng góp khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước thông qua thương mại quốc gia và quốc tế.
Chính phủ Ấn Độ đang đặt mục tiêu tăng 50% tỷ lệ đóng góp này. Trong khi đó, các MSME tạo ra 110 việc làm và chiếm 48% tổng lượng xuất khẩu của Ấn Độ. Gần đây, trước tình hình kinh tế khó khăn do COVID-19 gây ra, Chính phủ Ấn Độ đã công bố các chương trình khác nhau trong khuôn khổ sáng kiến “Ấn Độ tự lực” để hỗ trợ các MSME.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài của Việt Nam, tính đến tháng 12/2020, Ấn Độ có gần 300 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 900 triệu USD, đứng thứ 26 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho rằng các doanh nghiệp Ấn Độ cần tận dụng những lợi thế của Việt Nam để tăng cường đầu tư vào nước này do vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Đại sứ nhấn mạnh Việt Nam có môi trường chính trị, kinh tế ổn định, mối quan hệ song phương không ngừng phát triển, giữa hai nước đã thiết lập các đường bay thẳng tạo thuận lợi cho hoạt động thông thương, trao đổi.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn là trụ cột trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ và đặc biệt, Việt Nam vừa có ban lãnh đạo mới, với những mục tiêu phát triển và kế hoạch hành động mới sẽ mang đến những cơ hội tốt để phát triển thương mại-đầu tư song phương.
Đại sứ lưu ý Việt Nam và Ấn Độ có một điểm tương đồng là số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa rất nhiều. Các doanh nghiệp này là thành tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển ở mỗi nước.
Tuy nhiên, do tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến còn hạn chế, hai nước cần quan tâm, hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường hợp tác đầu tư-kinh doanh.
Đại sứ cũng khuyến nghị một số lĩnh vực mà hai nước có tiềm năng hợp tác phát triển lớn như công nghiệp phụ trợ, sản xuất phụ tùng ôtô, xe máy, nguyên vật liệu dệt may da giày và thiết bị gia dụng./.
Theo Huy Lê (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin