OCOP- sản phẩm từ làng vươn ra thế giới

02:02, 13/02/2021

Vĩnh Long đã xây dựng Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) giai đoạn 2018- 2020 và được tổ chức thực hiện như một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh để gia tăng giá trị cho các sản phẩm địa phương. Qua đó, đã hỗ trợ cho không ít đơn vị, hợp tác xã xây dựng, quảng bá thương hiệu, liên kết trong sản xuất, đưa "sản phẩm từ làng" vươn tầm ra thế giới.

 

Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã phát huy được thế mạnh nông sản địa phương.
Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã phát huy được thế mạnh nông sản địa phương.

Vĩnh Long đã xây dựng Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018- 2020 và được tổ chức thực hiện như một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh để gia tăng giá trị cho các sản phẩm địa phương. Qua đó, đã hỗ trợ cho không ít đơn vị, hợp tác xã xây dựng, quảng bá thương hiệu, liên kết trong sản xuất, đưa “sản phẩm từ làng” vươn tầm ra thế giới.

Dân dã nông sản “nhà quê”

Huyện Bình Tân được mệnh danh là “vương quốc” khoai lang ở miền Tây. Nằm ven sông Hậu với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng lý tưởng cho diện tích trồng “nở nồi” và nhanh chóng phát triển. Khoai lang một thời được coi như “sản phẩm nhà quê”, bởi phần lớn bán thô, ăn tươi và dành những người “khoái ăn sang”- sáng ăn khoai đỡ đói trước khi ra đồng. Dân trồng khoai ở đây có câu “đói no nhờ khoai với củ/no đủ cũng nhờ củ với khoai”. Khoai lang có mặt vùng đất này khi nào không ai nhớ rõ, mà chỉ hạo hạo “hai ba đời nay nhà tui đã trồng khoai rồi”. Không ít người giàu lên nhờ khoai lang, cũng không ít người “văng vách” khi giá xuống thấp. Nhưng đó là chuyện xảy ra những năm trước, khi mà khoai lang chưa được xuất khẩu, còn bán mớ, bán tạ. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp tham gia vào chế biến, Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật trồng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để xuất khẩu. Nếu những năm đầu xuất khẩu chỉ tiêu thụ chủ yếu thị trường Trung Quốc, thì gần đây đã xuất bán sang Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí sang tận trời Âu.

Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã phát huy được thế mạnh nông sản địa phương.
Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã phát huy được thế mạnh nông sản địa phương.

Ông Huỳnh Ngọc Có- Giám đốc Công ty CP Khoai lang Nhật Thành (Bình Tân)-cho biết để khoai lang đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu, công ty đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ phân, thuốc bảo vệ thực vật cùng kỹ sư trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật trồng cho nông dân. Vì thế, hiện khoai lang không chỉ xuất bán sang thị trường Trung Quốc mà còn sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản... “Nếu bán nội địa chỉ khoảng 7.000 đ/kg thì qua Trung Quốc lên 10.000- 11.000đ; sang Hàn Quốc, Nhật Bản lên tận 22.000- 25.000 đ/kg. Hiện nhiều thị trường ăn khoai rất dễ, bởi mình đã tạo được thương hiệu, uy tín và lòng tin ở khách hàng”- ông Huỳnh Ngọc Có cho biết thêm.

Cũng trăn trở cho “sản phẩm nhà quê” này mỗi khi thấy hình ảnh bà con nông dân một nắng hai sương bên ruộng khoai nhưng giá nông sản lại trồi sụt thất thường, anh Nguyễn Thanh Việt- Phó Khoa Kinh tế- Luật (Trường CĐ Vĩnh Long) đã quyết định “lên đời” cho củ khoai từ việc nghiên cứu chế biến nhiều dòng bánh khác nhau mà nguyên liệu chủ yếu là từ củ khoai lang. Sản phẩm từ khoai lang, mà cụ thể là “bánh phồng khoai lang” do anh làm đã không ít lần đoạt giải thưởng các cuộc thi khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh. Dự tính xa hơn, anh đang có kế hoạch đưa sản phẩm của mình vào hệ thống các cửa hàng, siêu thị trong cả nước.

 

Giữ gìn và tôn tạo giá trị quê hương

Dù là nông sản dân dã nhưng một khi biết đầu tư, có cách làm sáng tạo trong sản xuất, chế biến và phát triển thương hiệu thì sản phẩm sẽ mang giá trị rất lớn cho nông dân địa phương. Và thực tế cũng chứng minh, chất lượng được đảm bảo thì đầu ra của nông sản được thuận lợi hơn.

Vĩnh Long được đánh giá có lợi thế rất lớn khi thực hiện OCOP, với nhiều sản phẩm chất lượng đã được sản xuất và tiêu thụ tốt trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhiều làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, với hàng ngàn hộ tham gia sản xuất và nếu khai thác, phát huy tốt sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Khoai lang đặc sản nhà quê đã được “lên đời” từ việc chế biến nhiều dòng bánh khác nhau.
Khoai lang đặc sản nhà quê đã được “lên đời” từ việc chế biến nhiều dòng bánh khác nhau.

Ghi nhận và nhằm phát triển chương trình này đi vào chiều sâu trong thời gian tới, mới đây Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn (Sở Nông nghiệp- PTNT) đã tổ chức trao chứng nhận 19 sản phẩm OCOP, 8 đơn vị, hợp tác xã đạt danh hiệu nông sản chất lượng cao- sản phẩm đặc trưng nổi tiếng tỉnh Vĩnh Long 2020. Theo tiêu chí thì sản phẩm được tham gia Chương trình OCOP là sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ đặc sản địa phương. Nếu không phải là đặc sản địa phương thì sử dụng ít nhất 50% nguyên liệu địa phương, do cộng đồng địa phương cung ứng. Bên cạnh đó, sản phẩm phải có tính độc đáo, phổ biến ở địa phương, có giá trị gia tăng và không ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra còn có các sản phẩm dịch vụ dựa theo văn hóa, danh thắng môi trường địa phương…

Đồng hành cùng sản phẩm OCOP Vĩnh Long, Bưu điện tỉnh Vĩnh Long cũng ký kết với đại diện chương trình OCOP Vĩnh Long trong việc hỗ trợ truyền thông, quảng bá sản phẩm. Bưu điện Việt Nam có sàn thương mại điện tử Postmart, tập trung quảng bá, giới thiệu cho sản phẩm OCOP đầu tiên tại Việt Nam, góp phần đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhà cung cấp sản phẩm OCOP tham gia sàn thương mại điện tử này thì Bưu điện Việt Nam không thu phí.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG- LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh