Theo dự báo, nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng từ 3% đến 20% theo từng nhóm hàng. Các doanh nghiệp bán lẻ lớn đã dự trữ đầy đủ các mặt hàng thiết yếu và có phương án dự phòng không để bị động bất ngờ.
Theo dự báo, nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng từ 3% đến 20% theo từng nhóm hàng. Các doanh nghiệp bán lẻ lớn đã dự trữ đầy đủ các mặt hàng thiết yếu và có phương án dự phòng không để bị động bất ngờ.
Những ngày này, việc mua sắm Tết của người dân đã bắt đầu nhộn nhịp. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu sắm Tết đã đầy ắp các giá kệ.
Những hàng hóa thiết yếu, đặc trưng của ngày Tết như: bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, khay mứt… được trưng bày nổi bật ngay lối vào siêu thị cùng với những cành mai, cành đào được tô điểm thêm vào các gian hàng.
Chị Nguyễn Thị Tâm (ở Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, năm nay do dịch bệnh Covid-19 nên việc chọn lựa cũng nhanh gọn hơn, khẩu trang, nước sát khuẩn luôn chuẩn bị đầy đủ và thực hiện nghiêm túc tại những nơi đông người: “Mua sắm đồ tết biếu gia đình hai bên, mua sắm tại siêu thị, tôi cũng cố gắng giữ khoảng cách đảm bảo để bảo vệ mình và người xung quanh.
Hàng hóa đầy đủ, thoải mái cho người tiêu dùng lựa chọn. Mặt hàng tết nhiều màu sắc rất bắt mắt, rất phù hợp với không khí ngày Tết…”.
Nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Tân Sửu dồi dào |
Để chuẩn bị hàng hóa cho dịp tết Tân Sửu, các siêu thị Vinmart; Co.opmart, Mega Market, Big C đã chủ động làm việc với tất cả nhà sản xuất, nhà cung cấp từ cách đây 3- 4 tháng.
Do thu nhập của người dân giảm sút sẽ cắt giảm chi tiêu nên các doanh nghiệp chỉ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu và hàng bình dân, giảm các nhóm hàng nhập khẩu có giá thành cao như: bia, rượu, thực phẩm chế biến cao cấp...
Cụ thể như, Saigon Co.op đang dự trữ gần 5.000 tỷ đồng hàng hóa để phục vụ nhu cầu trước, trong và sau Tết Tân Sửu, tăng gần 20% so với năm trước.
Trong đó, ưu tiên đầu tư cho 9 nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản. Hệ thống Mega Market cũng chuẩn bị gần 450 tỷ đồng tổng giá trị hàng tiêu dùng cho dịp Tết Nguyên đán 2021.
Khác với những năm trước, các đơn vị phân phối hàng hóa cũng đã đồng loạt áp dụng giảm giá hàng Tết sớm, để giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và không bị dồn áp lực mua sắm vào những ngày cuối năm.
Đồng thời, đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến, giao hàng… nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân. Chương trình kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cũng đã được các doanh nghiệp bán lẻ lên kế hoạch chi tiết với nhiều hình thức như khuyến mãi, giảm giá, tặng kèm sản phẩm.
Người dân đã bắt đầu mua sắm hàng Tết |
Không chỉ tập trung mua sắm tại các trung tâm thương mại lớn, tại các cửa hàng tiện ích, tạp hóa... số lượng hàng cũng được chuẩn bị đầy đủ mang đến tiện ích vượt trội hơn và thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.
Đây là điểm mới lựa chọn của nhiều người tiêu dùng lo lắng dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp để tránh nơi tập trung đông người.
Cụ thể, tại Hà Nội, trong số 12.443 điểm bán hàng bình ổn giá, thì có 1.351 cửa hàng tiện lợi, 7.680 cửa hàng tạp phẩm với nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sức mua tại các cửa hàng tạp phẩm vẫn chưa cao.
“So với mọi năm, năm nay cửa hàng chúng tôi chuẩn bị ít hơn do ảnh hưởng của dịch Covid -19. Như mọi năm thời điểm này, cửa hàng bán được nhiều mặt hàng như nước mắm và dầu ăn… cho mọi người đi biếu, tuy nhiên, năm nay đến thời điểm này bán rất chậm”, bà Nguyễn Thị Hồng, chủ cửa hàng tiêu dùng tại đường Doãn Kế Thiện, Quận Cầu Giấy chia sẻ.
Để không thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, nhiều địa phương đã lên kế hoạch cân đối cung-cầu, kết nối giao thương, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng với mức giá bình ổn. Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Riêng mặt hàng thịt lợn, Bộ Công thương yêu cầu các Sở Công Thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng, chủ động phương án nhập khẩu nếu cần thiết, bảo đảm duy trì ổn định, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát./.
Theo Nguyễn Hằng/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin