Chương trình OCOP "Mỗi xã một sản phẩm" được tỉnh khởi động từ năm 2019, đến nay, có thể thấy rằng từ chương trình đã giúp cho các sản phẩm của địa phương được nâng tầm giá trị và sức cạnh tranh.
(VLO) Chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm” được tỉnh khởi động từ năm 2019, đến nay, có thể thấy rằng từ chương trình đã giúp cho các sản phẩm của địa phương được nâng tầm giá trị và sức cạnh tranh.
Các sản phẩm theo chương trình OCOP góp phần nâng cao giá trị. Trong ảnh: Du lịch trải nghiệm ở TP Vĩnh Long. |
Nhiều nơi xây dựng OCOP
Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã mở ra hướng phát triển kinh tế đa dạng dựa vào lợi thế từ mỗi địa phương theo hướng tăng giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, việc xác định sản phẩm lợi thế trong từng lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và cả dịch vụ cũng như công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, mô hình sản xuất kinh tế hộ còn chiếm tỷ lệ cao, mô hình sản xuất tiên tiến phát triển cộng đồng còn hạn chế cả số lượng và chất lượng.
Từ những hạn chế thực tế, tỉnh đã triển khai đề án “Mỗi xã một sản phẩm” của UBND tỉnh. Năm 2019, chương trình OCOP khởi động và đã tổ chức đánh giá, phân hạng cho 19 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao.
Đến năm 2020, tiếp tục tham mưu trình với BCĐ Chương trình OCOP của tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình cho 50 sản phẩm nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm đáp ứng chương trình OCOP tỉnh Vĩnh Long và nhu cầu ngày càng cao của thị trường, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Theo Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn, năm 2020 đã tổ chức vận động 34 tổ chức cá nhân tham gia chương trình, tổ chức đánh giá, phân hạng 49 sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ hoàn thiện 10 sản phẩm để nâng tầm giá trị. Một số cơ sở đã được đánh giá cũng đã tự hoàn thiện để tiếp tục tham gia đánh giá nâng hạng.
Các sản phẩm đạt chuẩn OCOP cũng sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong tỉnh, trong nước và quốc tế, nhằm đạt mục đích của chương trình OCOP là thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội cộng đồng.
Theo Th.S Đoàn Ngọc Thanh Xuân- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn, chương trình OCOP đã tạo một kênh riêng cho các sản phẩm tìm được thị trường và nâng cao kỹ năng trong sản xuất kinh doanh.
Các sản phẩm được nâng cao giá trị, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đặc biệt là các sản phẩm đã qua chế biến, sản phẩm khởi nghiệp, từ đó khẳng định thế mạnh thương hiệu được nhiều nơi biết đến.
Nâng cao giá trị sản phẩm
Thời gian qua, tại TP Vĩnh Long, chương trình OCOP được Đảng bộ thành phố đưa vào chỉ tiêu Nghị quyết phấn đấu theo từng năm và nhiệm kỳ đại hội, phấn đấu đến năm 2025 có 11 sản phẩm đạt OCOP được tỉnh công nhận.
Một số sản phẩm tiêu biểu của tỉnh đã đạt được nhiều thành công trên thị trường. Trong ảnh: Sản phẩm OCOP 4 sao bún Ba Khánh. |
Các sản phẩm OCOP được thành phố tập trung vào các nhóm, ngành hàng gồm: thực phẩm, nông sản tươi sống, đồ uống, lưu niệm, nội thất, trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn…
Năm 2020, thành phố có 5 sản phẩm theo chương trình OCOP được tỉnh công nhận gồm: sản phẩm 4 sao bún Ba Khánh, 4 sản phẩm 3 sao là nem Sáu Xệ, bánh cốm Xuân Phượng, dưa lưới Nam Long và hột vịt muối Vĩnh Nghiệp.
Các sản phẩm này đã cho thấy chất lượng cũng như thương hiệu ngày càng đứng vững trên thị trường, qua đó góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm địa phương. Các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều sản phẩm được công nhận trong năm 2020 như Mang Thít, TX Bình Minh,..
Theo bà Ngụy Mộng Cầm- Trưởng Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, thời gian tới sẽ tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền quán triệt thực hiện chương trình OCOP đến các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tỉnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm để đưa các sản phẩm được chứng nhận vào gian hàng OCOP của thành phố và tỉnh.
“Chương trình phát triển “Mỗi xã một sản phẩm” đang là động lực để thành phố tiếp tục phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn với đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, có tiềm năng trên địa bàn theo hướng gia tăng giá trị, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân…”- bà Ngụy Mộng Cầm chia sẻ.
Theo Th.S Đoàn Ngọc Thanh Xuân- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn, chương trình OCOP cần có nguồn đầu tư rất lớn để hỗ trợ các sản phẩm nâng cao năng suất, chất lượng. Qua đó cần huy động từ nhiều nguồn vốn và sự hỗ trợ từ các chương trình của trung ương, từ nguồn vốn khoa học- công nghệ, chương trình mục tiêu quốc gia, các sản phẩm OCOP rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để giúp cho sản phẩm OCOP nâng tầm giá trị, đề xuất tỉnh cần ban hành khung chính sách hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP đạt được phân hạng. |
Bài, ảnh: CÔNG NGÔN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin