Thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt: Cần tháo gỡ những bất cập

07:01, 01/01/2021

Tại phiên chất vấn- trả lời chất vấn kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khóa IX, các đại biểu HĐND và sở, ngành, đơn vị liên quan đã thảo luận về cách thực hiện, giải pháp khắc phục bất cập để việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt thực sự đi vào đời sống người dân.

 

Các máy rút tiền tự động tạo thuận lợi cho khách hàng đến thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.
Các máy rút tiền tự động tạo thuận lợi cho khách hàng đến thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.

(VLO) Tại phiên chất vấn- trả lời chất vấn kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khóa IX, các đại biểu HĐND và sở, ngành, đơn vị liên quan đã thảo luận về cách thực hiện, giải pháp khắc phục bất cập để việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt thực sự đi vào đời sống người dân.

Tiện ích nhưng còn bất cập

Việc thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, giao dịch thông qua tài khoản tại ngân hàng là chủ trương đúng đắn đem lại sự thuận lợi, an toàn, hiệu quả...

Theo chỉ đạo của Bộ Công thương và UBND tỉnh, ngành điện lực đang triển khai phương thức thu tiền điện không dùng tiền mặt với mục đích đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng.

Trong phiên chất vấn Sở Công thương, đại biểu Lê Văn Phúc- đơn vị huyện Bình Tân- cho hay: Nhiều cử tri phản ánh việc thu tiền điện hiện nay là “bất cập, bất tiện, bất lợi”.

Cụ thể, thời gian triển khai quá ngắn. Hợp đồng mua bán điện là hợp đồng dân sự, muốn sửa đổi phải có sự đồng ý của 2 bên. Song, nhân viên điện lực chỉ đưa cho người mua điện (chủ hộ) bản hợp đồng mới, giải thích qua loa rồi yêu cầu ký tên. Hiện, đa số người dân nông thôn chưa có tài khoản, thẻ ATM… 

Mặt khác, máy rút tiền tự động chưa được bố trí thuận tiện, thậm chí nhiều xã chưa có điểm giao dịch của ngân hàng và chưa có máy rút tiền tự động, người có thẻ ATM phải đi xa mới giao dịch được.

Việc áp dụng đến địa điểm nộp tiền điện theo quy định của ngành điện lực thì vẫn sử dụng hình thức nộp tiền mặt, nhưng phải mất thời gian, chi phí đi lại. Còn nếu có người đến nhà thì phải mất thêm khoản phí thu hộ...

Đại biểu Lê Văn Phúc đề nghị, với trách nhiệm là đơn vị chủ quản, Sở Công thương giải thích rõ cách thực hiện, giải pháp khắc phục bất cập trong thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, giao dịch qua tài khoản ngân hàng.

Ông Phạm Tứ Phương- Giám đốc Sở Công thương- cho biết: Thực hiện chủ trương của Chính phủ, ngành điện đã triển khai việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đến tất cả khách hàng.

Thời gian ngưng thu tiền điện tại nhà khách hàng chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ tháng 8/2020) ngưng thu tại nhà khách hàng ở các phường- thị trấn và một số xã có nhiều điểm thu hộ. Giai đoạn 2 (tháng 10- 11/2020) triển khai các khu vực còn lại.

Đến nay, Công ty Điện lực Vĩnh Long đã ngưng thu tiền điện tại nhà 280.000 khách hàng, đạt 80%. Khách hàng còn lại thuộc hộ người cao tuổi, hộ neo đơn, tàn tật, có hoàn cảnh khó khăn… thì vẫn còn thu tiền điện tại nhà.

Cần lộ trình phù hợp

Để đóng tiền điện không là “ải khó”, cử tri đề xuất 3 phương thức thanh toán như sau: một là thanh toán điện tử, qua thẻ tài khoản, qua thẻ ATM đối với khách hàng có điều kiện.

Hai là, cần có lộ trình thu tiền điện tại điểm cố định, thu theo từng khu vực để không làm mất thời gian và phát sinh chi phí của khách hàng.

Ba là, cử nhân viên đến thu đối với hộ neo đơn, già yếu, tàn tật... những người đi lại khó khăn, không thể đến điểm đóng tiền điện hàng tháng được. Đồng thời, cho thu tiền điện như trước đây- đối với khách hàng không có điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Giám đốc Sở Công thương Phạm Tứ Phương cho biết, để tạo thuận lợi cho khách hàng thanh toán tiền điện, ngành sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, cung cấp nhiều hình thức thanh toán nhằm đa dạng hóa, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Đối với 20% khách hàng chưa thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, sở chỉ đạo Công ty Điện lực tiếp tục cử nhân viên, đơn vị trung gian thu tiền điện trực tiếp tại hộ gia đình.

Đồng thời, tăng cường hợp tác cung cấp các dịch vụ, thiết lập các kênh thanh toán đa dạng cho khách hàng; đầu tư hệ thống hạ tầng tại vùng sâu, vùng xa để khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt thuận lợi, hiệu quả; lộ trình thực hiện đến năm 2021.

Đại biểu Lê Văn Phúc đề nghị sau kỳ họp, Sở Công thương có văn bản trả lời chính thức, làm cơ sở để đại biểu trả lời kiến nghị của cử tri. Qua đây, còn góp phần tuyên truyền, giải thích, vận động cử tri thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhất là trong thanh toán không dùng tiền mặt.

Đại biểu Nguyễn Bá Tòng- đơn vị huyện Tam Bình- nhấn mạnh, thời gian thực hiện đề án là giai đoạn 2016- 2020, đáng lẽ ngành điện phải cụ thể hóa từ năm 2017 và có lộ trình thực hiện từ từ nhưng lại bắt đầu triển khai vào thời gian cuối, không cụ thể hóa đề án kịp thời khiến người dân phải chuyển đổi nhanh và gấp rút.

Theo đó, đề nghị cần có lộ trình thích hợp để người dân có thời gian thích nghi với việc thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo thỏa thuận phù hợp giữa bên bán- bên mua khi chuyển đổi hình thức thanh toán.

Làm rõ hơn trách nhiệm trong việc quản lý, ký hợp đồng cung cấp điện cũng như thu tiền điện, lộ trình thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Cù Tấn Tài- Phó Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Long cho biết, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016- 2020 và các quyết định, văn bản liên quan, Công ty Điện lực đã phối hợp với các sở ngành, phương tiện truyền thông để tuyên truyền, theo kế hoạch được triển khai thực hiện 2 giai đoạn.

Công ty Điện lực Vĩnh Long đã chỉ đạo các công ty điện lực cấp huyện phối hợp tuyên truyền người dân ký lại phụ lục hợp đồng (về hình thức thu tiền điện không sử dụng tiền mặt) trước khi thực hiện. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của đại biểu và cử tri, sẽ rà soát, chấn chỉnh để thực hiện hoàn chỉnh kế hoạch, nhiệm vụ cấp trên giao.

Chủ tịch HĐND tỉnh- Bùi Văn Nghiêm: Cần tạo thuận lợi cho người dân

Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao sự phối hợp của Sở Công thương và ngành điện trong triển khai thực hiện thu tiền điện không sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, cử tri bức xúc khi thời gian thực hiện chuyển đổi hình thức thanh toán tiền điện ngắn, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo gây khó khăn cho người dân. Đồng thời, đề nghị ngành điện lực phối hợp với ngân hàng trong lộ trình xây dựng hạ tầng đảm bảo lâu dài, tập trung công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thanh toán không sử dụng tiền mặt. Từ đó, triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ đúng theo tinh thần chỉ đạo.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT NGA

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh