Với màn "khởi động" đầy cam go ngay đầu năm 2020- khi hạn, mặn sớm quay lại và xác lập kỷ lục mới, nông nghiệp Vĩnh Long đã quyết liệt đương đầu vượt chướng ngại để ổn định, phát triển sản xuất.
Toàn tỉnh hiện có 112.855ha đất nông nghiệp (chiếm 94,24%) khép kín thủy lợi chủ động tưới tiêu. |
(VLO) Với màn “khởi động” đầy cam go ngay đầu năm 2020- khi hạn, mặn sớm quay lại và xác lập kỷ lục mới, nông nghiệp Vĩnh Long đã quyết liệt đương đầu vượt chướng ngại để ổn định, phát triển sản xuất.
Vượt chướng ngại
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong các năm qua, độ mặn cao nhất trên các sông trên địa bàn 2 huyện Vũng Liêm và Trà Ôn đều xấp xỉ và cao hơn 5‰.
Đặc biệt, mùa khô 2019- 2020, mặn xuất hiện sớm, xâm nhập sâu, độ mặn tiếp tục lên cao mức kỷ lục mới, vượt đỉnh mặn năm 2016 và kéo dài đến tận tháng 5.
Đỉnh mặn tại các điểm đo cố định phía sông Cổ Chiên (địa bàn 2 huyện Vũng Liêm và Mang Thít) lên cao từ 6,2- 10‰ và sông Hậu (địa bàn huyện Trà Ôn) từ 2,2- 7,8‰, đều vượt đỉnh mặn lịch sử mùa khô 2015- 2016 từ 0,4- 2,9‰.
Phía sông Tiền, lần đầu tiên ghi nhận độ mặn giáp tỉnh Tiền Giang khá cao từ 4,1- 4,5‰. Ranh giới mặn 4‰ lấn sâu vào khoảng 60- 70km, sâu hơn năm 2016 từ 6- 7km.
Đặc biệt, ranh giới mặn trên 4‰ xuất hiện tại 2 xã Bình Hòa Phước và Đồng Phú (Long Hồ) cách cửa biển khoảng 90km. Nếu như mùa khô 2015- 2016, toàn tỉnh chỉ có 4 huyện bị ảnh hưởng xâm nhập mặn thì đến mùa khô 2019- 2020 đã có 6/8 huyện- thị bị nhiễm mặn trên 1‰.
Vĩnh Long thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai cực đoan như mưa lớn, giông, lốc xoáy, sạt lở bờ sông và hạn- mặn.
Hàng năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 100 điểm sạt lở, làm mất từ 8- 20km bờ sông, mất hàng chục héc ta đất, gây hư hại đến các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn.
Có thể thấy, thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu có xu hướng tăng qua các năm, ví như năm 2010 là trên 14 tỷ đồng thì năm 2016 là trên 310 tỷ đồng và năm 2020 khoảng 334 tỷ đồng.
Nông nghiệp và thủy lợi là 2 lĩnh vực bị tác động trực tiếp và bị thiệt hại nhiều nhất do tác động của thiên tai. Thành quả bước đầu trong ứng phó với hiện tượng này là xây dựng, tôn cao các công trình đê bao, thủy lợi ngăn triều, chống lũ bảo vệ sản xuất, dân cư và chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp- thủy sản thích ứng với hạn- mặn.
Theo ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, thành quả đầu tư cho thủy lợi góp phần hình thành hệ thống thủy lợi quy mô và tương đối hoàn chỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 409 tuyến đê bao (dài 3.642km) với trên 3.240km (tương đương 90% tổng số đê) có khả năng ngăn lũ ở mức báo động 3.
Kè chống sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu được xây dựng 14.638m, hơn 5.700 cống, đập, 17 trạm bơm điện và trên 4.400 tuyến sông, rạch tự nhiên, kinh các loại dài hơn 5.331km được nạo vét, cải tạo kết hợp sử dụng làm công trình thủy lợi.
Toàn tỉnh hiện có 112.855ha đất nông nghiệp khép kín thủy lợi chủ động tưới tiêu, chiếm 94,24% diện tích đất nông nghiệp.
Ổn định, phát triển sản xuất trong điều kiện khó
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, để thích ứng với biến đổi khí hậu, những năm qua, ngành nông nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo được nhiều mô hình thành công như: trồng lúa- nuôi tôm, chuyển đổi 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa- 1 vụ màu; xây dựng thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn rồi cánh đồng lớn trên cây lúa và khoai lang.
Những mô hình này đang ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực, giúp nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững, ổn định sinh kế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cánh đồng lớn giúp nông dân thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất cũ, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Qua cánh đồng lớn, liên kết sản xuất được nhiều khâu hơn, ý thức bảo vệ môi trường từng bước tác động đến cộng đồng dân cư. Một số mô hình chuyển đổi đất lúa đạt hiệu quả kinh tế cao.
Song song đó, các địa phương đã giảm dần diện tích lúa, chuyển đổi sang trồng các cây rau màu ít sử dụng nước tưới, có khả năng chịu hạn hoặc nuôi thủy sản.
Vào mùa nước lũ, cây lúa dần được thay thế bằng các loại cây sử dụng nhiều nước, chịu ngập úng như sen, ấu,… hoặc kết hợp nuôi thủy sản trong ruộng lúa.
Đồng thời, các địa phương còn triển khai thực hiện các mô hình trồng rau an toàn, giảm tối đa thuốc trừ sâu, chống ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường đất, nước.
Nhiều nơi quy hoạch, chuyển đổi chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.
Thống kê giai đoạn 2017- 2020, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa trên 100.000ha, trong đó, trên 97.000ha cây hàng năm và trên 5.000ha cây lâu năm.
Để nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, tổng diện tích gieo trồng lúa năm 2020 của tỉnh còn 131.000ha, nâng diện tích cánh đồng lớn lên 25.000ha (chiếm 35% diện tích canh tác), chuyển đổi từ 30- 40% diện tích sản xuất lúa sang trồng màu, với khoảng 63.050ha vào năm 2020, tăng 3% diện tích cây lâu năm so với năm 2015, đạt 51.000ha. Nâng tổng đàn gia súc, gia cầm và đa dạng các loại hình nuôi trồng thủy sản.
Những ngày cuối năm 2020, con nước mặn đã ngấp nghé tại những vàm sông. Nông nghiệp tỉnh nhà lại bước vào một chặng đua mới, sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua trong năm mới này.
Nhưng tin rằng với những nỗ lực vượt qua chướng ngại thiên tai, hạn- mặn để ổn định, phát triển sản xuất, nông nghiệp Vĩnh Long sẽ lại trụ vững và là điểm tựa tin cậy cho kinh tế tỉnh nhà trong chặng đường mới.
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin