Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được đầu tư đầu năm 2021, mở ra cơ hội giao thương lớn cho các tỉnh- thành ĐBSCL, đáp ứng niềm mong chờ của hơn 20 triệu người dân trong vùng; đồng thời, được kỳ vọng trở thành "bàn đạp" cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bứt phá…
Cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đã thông tuyến. |
(VLO) Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được đầu tư đầu năm 2021, mở ra cơ hội giao thương lớn cho các tỉnh- thành ĐBSCL, đáp ứng niềm mong chờ của hơn 20 triệu người dân trong vùng; đồng thời, được kỳ vọng trở thành “bàn đạp” cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bứt phá…
Kết nối ĐBSCL
Đầu tháng 1/2021, liên tiếp tin vui như: cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận thông tuyến; khởi công cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 triển khai; tuyến Lộ Tẻ- Rạch Sỏi chính thức khai thác, đã làm nức lòng người dân ĐBSCL.
Trong đó, trọng điểm là tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận thông tuyến và cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ được khởi công.
Nói về toàn tuyến cao tốc này, Thứ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, đây là một bộ phận của trục cao tốc Bắc- Nam phía Đông, có lưu lượng xe lớn vào bậc nhất trong các trục đường chính trên toàn quốc.
Trong đó, đoạn cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương đã đưa vào sử dụng vào năm 2010. Đoạn Trung Lương- Mỹ Thuận đang được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao), dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2021.
Cầu Mỹ Thuận 2 đang được triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2023. Do đó, việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ nhằm hoàn chỉnh tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ là hết sức cần thiết và cấp bách.
Cũng thời điểm này, Bộ Giao thông- Vận tải đã khánh thành, đưa vào khai thác tuyến đường bộ Lộ Tẻ- Rạch Sỏi sau 4 năm thi công, với tổng vốn đầu tư hơn 6.355 tỷ đồng.
Dự án nằm trên địa phận TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang, do Bộ Giao thông- Vận tải làm chủ đầu tư, Tổng Công ty Cửu Long là đơn vị đại diện chủ đầu tư.
Dự án có tổng chiều dài hơn 51km, được chia làm 2 gói thầu thi công xây lắp. Quy mô tương đương đường cấp III đồng bằng với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ.
Theo nhận định, việc đưa tuyến đường bộ này vào khai thác dịp đầu năm mới 2021 kịp thời giúp các doanh nghiệp vận tải vận chuyển hành khách, hàng hóa trên tuyến và tạo điều kiện cho người dân lưu thông thuận tiện 2 chiều; đồng thời, cùng với dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mekong sẽ tạo thành tuyến trục dọc nối thông khu vực kinh tế trọng điểm Tây Nam Bộ.
Sẽ có cao tốc tới Cà Mau
Cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ được khởi công, mở ra cơ hội rất lớn cho giao thương kết nối vùng. |
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông- Vận tải cho biết đã trình Chính phủ kế hoạch đầu tư 7 tuyến đường bộ cao tốc với tổng vốn đầu tư 64.554 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021- 2025 khoảng 37.272 tỷ đồng, gồm các đoạn: Cần Thơ- Cà Mau, Chơn Thành- Đức Hòa, Đức Hòa- Mỹ An, Mỹ An- Cao Lãnh, An Hữu- Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự- Trà Vinh), Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng, Hà Tiên- Rạch Giá- Bạc Liêu.
Theo quy hoạch được phê duyệt, vùng ĐBSCL sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc- Nam phía Đông và phía Tây cùng với 3 tuyến cao tốc khu vực phía Nam (Bạc Liêu- Rạch Giá- Hà Tiên, Cần Thơ- Cà Mau và Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng) với tổng chiều dài khoảng 998km.
Về tiến độ đầu tư các tuyến cao tốc Bạc Liêu- Rạch Giá- Hà Tiên, Cần Thơ- Cà Mau và Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng theo quy hoạch được duyệt đến sau năm 2030.
Phát biểu tại lễ khởi công dự án cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhiều công trình quan trọng trong chiến lược phát triển giao thông cả nước, đặc biệt vùng ĐBSCL đã được triển khai có hiệu quả- là một cố gắng rất lớn thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển ĐBSCL.
Để phát huy Thủ tướng yêu cầu, ngay năm nay phải chuẩn bị dự án khả thi và các công việc đầu tư để tiếp tục khởi công tuyến cao tốc Cần Thơ đến Cà Mau cũng như thực hiện tuyến ven biển Tây và Đông của ĐBSCL với chiều dài khoảng 400km. Đồng thời cũng yêu cầu Bộ Giao thông- Vận tải sớm khởi công tuyến tránh Long Xuyên (tỉnh An Giang), với số vốn gần 1.500 tỷ đồng để đẩy nhanh hơn nữa kết nối vùng.
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin