Cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân gia tăng, thị trường cũng có nhiều biến động về giá cả, lượng hàng hóa cung- cầu.
Nhiều vụ bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bị phát hiện. |
Cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân gia tăng, thị trường cũng có nhiều biến động về giá cả, lượng hàng hóa cung- cầu. Đây cũng là cơ hội để hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại trà trộn vào thị trường để tiêu thụ. Thực tế kiểm tra của các ngành chức năng cho thấy, càng cận tết tình hình vi phạm lại càng diễn biến phức tạp hơn.
Kiểm tra là ra vi phạm
Theo BCĐ 389 tỉnh, trong năm 2020, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra. Các vụ việc đã phát hiện, bắt giữ có số lượng hàng hóa vi phạm lớn, đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm che giấu lực lượng chức năng và sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện.
Ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long- cho biết: Trong năm qua, tình hình buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, các hành vi vận chuyển tàng trữ mua bán thuốc nhập lậu, hàng nhập khẩu không hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng còn xảy ra khá nhiều.
Các đối tượng thay đổi nhiều phương thức, thủ đoạn, phương tiện, tuyến đường, địa điểm, thời gian, địa bàn hoạt động để vận chuyển và tiêu thụ. Cục Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và đã phát hiện xử lý kịp thời đúng theo quy định của pháp luật nhiều vụ vi phạm.
Đáng nói là các đối tượng đã dùng nhiều chiêu để qua mắt người tiêu dùng lẫn ngành chức năng và chỉ khi có kiểm tra mới phát hiện được vi phạm. Cụ thể như, trong số 635 vụ kiểm tra của Cục Quản lý thị trường trong năm 2020 thì số vụ phát hiện vi phạm đã chiếm gần 58% tổng số vụ kiểm tra.
Cục Quản lý thị trường đã xử phạt số tiền gần 5 tỷ đồng, trong đó, phạt hành chính trên 1,8 tỷ đồng, hàng hóa tịch thu trị giá 3 tỷ đồng, đồng thời, chuyển 3 vụ có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để tiến hành tố tụng.
Điển hình mới đây, Đội Quản lý thị trường số 4 đã phát hiện nhiều xe tải vận chuyển hàng hóa không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh ngang qua địa phận Vĩnh Long. Trong đó, các mặt hàng vi phạm chủ yếu là hàng tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, đồ điện,…
Không chỉ trên khâu lưu thông, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc còn xuất hiện trên các trang bán hàng online, Facebook, Zalo,… Và chỉ khi có lực lượng chức năng kiểm tra thì nhiều người tiêu dùng mới “té ngửa” khi biết mua hàng “3 không”: không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng, không rõ chất lượng.
Thời gian qua, ngành chức năng cũng đã kiểm tra và phát hiện nhiều vụ vi phạm hàng hóa chủ yếu là mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, túi xách được gắn mác “hàng xách tay”, để tiêu thụ.
Tăng cường kiểm soát, bình ổn thị trường
Thời gian qua, ngành chức năng cũng đã nỗ lực thực hiện công tác bình ổn thị trường để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính. Theo đó, đối với từng địa bàn có những biện pháp kiểm tra hợp lý để đảm bảo tính hiệu quả.
Cụ thể như, khu vực trung tâm, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các kho của nhà phân phối, kiểm tra các xe nhập hàng về trên khâu vận chuyển nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời, tận gốc hàng hóa vi phạm.
Còn ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các lực lượng tập trung theo dõi, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn tình trạng tiểu thương, người bán hàng lưu động đưa hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái về tiêu thụ. Bên cạnh đó, trước phát triển của kênh bán hàng thương mại điện tử, các lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra về hoạt động mua bán hàng hóa trên các website, mạng xã hội (Facebook, Zalo…).
Nhận định tình hình từ nay đến Tết Nguyên đán 2021, ông Lê Thanh Phong, cho biết: Trước tình hình dịch COVID- 19 còn diễn biến phức tạp, tuy tình hình kinh tế có chuyển biến tích cực song hiện nay vẫn còn bị ảnh hưởng, giá cả thị trường dự báo biến động, Cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông, mặt hàng thiết yếu trên thị trường. Trong đó cũng sẽ tập trung các website, trang mạng điện tử, mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến.
“Tất cả các hành vi vi phạm phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; nghiêm cấm việc bao che, tiếp tay cho buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; báo cáo ngay các trường hợp phát hiện nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ của công chức lực lượng quản lý thị trường. Địa bàn nào để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng phức tạp, kéo dài thì lãnh đạo đơn vị quản lý thị trường tại địa bàn đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định”- ông Phong khẳng định.
Cục Quản lý thị trường đã lập biên bản, xử lý nhiều vụ vi phạm. |
Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm, bình ổn thị trường tết, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ 389 tỉnh, Giám đốc Sở Công thương- Phạm Tứ Phương cho biết: Các ngành chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại; kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng đối với các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp tết, các loại hàng hóa giả nguồn gốc xuất xứ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Theo đó, tập trung vào các mặt hàng: rượu, bia, nước giải khát, sữa và các sản phẩm từ sữa, bánh mứt kẹo, dầu thực vật, tinh bột và sản phẩm từ bột; lương thực, thực phẩm đông lạnh (kể cả nhập khẩu và sản xuất trong nước), thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, rau, củ quả còn tồn dư chất bảo quản; gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm nhập lậu, chưa qua kiểm dịch, nhiễm vi sinh...
“Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thị trường thiếu hàng, khan hiếm hàng hóa giả tạo để đầu cơ, tăng giá nhằm thu lời bất chính”- ông Phạm Tứ Phương nhấn mạnh.
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin