Ngày 11/1, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 và những năm tiếp theo. Trong đó, Bộ LĐTBXH tiếp tục định hướng phát triển thị trường lao động theo hướng minh bạch, cạnh tranh và hội nhập, đa dạng các hình thức kết nối cung - cầu lao động, chuyển dịch lao động phi chính thức sang khu vực chính thức. Đến dự và chỉ đạo tại hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Quang cảnh hội nghị. |
Ngày 11/1, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 và những năm tiếp theo. Trong đó, Bộ LĐTBXH tiếp tục định hướng phát triển thị trường lao động theo hướng minh bạch, cạnh tranh và hội nhập, đa dạng các hình thức kết nối cung - cầu lao động, chuyển dịch lao động phi chính thức sang khu vực chính thức. Đến dự và chỉ đạo tại hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, năm 2021, Bộ LĐTBXH tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch lao động, phân bổ hợp lý lao động theo định hướng thích ứng trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, Bộ đẩy mạnh phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia hiện đại, đồng bộ, thống nhất và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin về giáo dục - đào tạo, tăng khả năng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường, giữa người lao động với chủ sử dụng lao động; Từng bước nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người lao động kết nối thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động.
Hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm được đầu tư nâng cao năng lực, hỗ trợ tổ chức các sàn giao dịch việc làm, phát triển mạng thông tin việc làm. Bộ LĐTBXH sẽ hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, các nhóm lao động yếu thế, nhất là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Bộ LĐTBXH và các bộ ngành, địa phương chú trọng tăng cường kỹ năng cho người lao động; cải thiện điều kiện làm việc, hỗ trợ chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp; nâng cao tỷ trọng lao động trong khu vực chính thức, tập trung giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức, đặc biệt là lao động nông nghiệp chuyển đổi ngành nghề; Thực hiện hiệu quả hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Bộ LĐTBXH đã xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021-2030; Thực hiện phân tầng cơ sở GDNN và phân tầng chất lượng đào tạo; chú trọng đầu tư các trường chất lượng cao, đa ngành, đa lĩnh vực đào tạo; phát triển một số trường chất lượng cao tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH tăng cường đào tạo nghề lao động nông thôn, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động, nhất là đào tạo các kỹ năng làm việc, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp; Xây dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ hoạt động dạy và học ngoại ngữ; đẩy mạnh triển khai tự chủ của các cơ sở GDNN; có chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở GDNN; thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế trong đào tạo chất lượng cao; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển GDNN.
Theo Bộ LĐTBXH, quy mô nguồn nhân lực được mở rộng, lực lượng lao động tiếp tục tăng từ 54,2 triệu người năm 2015 lên 54,6 triệu người năm 2020; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020.
Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đáng kể và phù hợp với nhu cầu thị trường. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% năm 2015 lên khoảng 64,5% năm 2020; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 20,29% năm 2015 lên khoảng 24,5% năm 2020. Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, một số ngành nghề, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong nhóm phát triển cao, đứng thứ 110/189 quốc gia; trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đứng sau Singapore. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị luôn duy trì dưới 4%.
“Khảo sát gần đây của Ban Tuyên giáo Trung ương về kết quả 5 năm 2016 – 2020 cho thấy niềm tin của Nhân dân về chính sách xã hội, đảm bảo an sinh, chính sách người có công tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 72%. Về xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 68%, tăng 13 bậc. Đây có thể nói là kết quả vô giá của chúng ta về sự quan tâm và kết quả nỗ lực của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương trong triển khai các chính sách an sinh xã hội”, ông Đào Ngọc Dung cho biết.
Theo Tin ảnh: XC/Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin