Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, phát triển hạ tầng đô thị, phát triển du lịch sinh thái là 1 trong 3 khâu đột phá đã được xác định tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Trà Ôn lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020- 2025).
Sản xuất linh kiện xe buýt tại Công ty Sao Việt. |
Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, phát triển hạ tầng đô thị, phát triển du lịch sinh thái là 1 trong 3 khâu đột phá đã được xác định tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Trà Ôn lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020- 2025).
Cùng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 ổn định, các dự án đầu tư hạ tầng tương lai tăng cường kết nối được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế- xã hội của huyện, cũng như không để lỡ nhịp trong thu hút đầu tư.
Một năm nỗ lực bước qua khó khăn
Tuy năm 2020 đơn hàng bị chậm, hàng tồn kho còn nhiều, nhưng theo ông Nguyễn Phú Thi- Giám đốc Công ty CP Nhựa Sao Việt: “Doanh nghiệp (DN) luôn trong tâm thế sẵn sàng, duy trì hoạt động để khi đối tác yêu cầu thì DN kịp thời giao hàng ngay. Đồng thời, DN vẫn đảm bảo việc làm ổn định cho 100 lao động tại công ty”.
Có mặt ở Vĩnh Long hơn 14 năm, Sao Việt sản xuất và xuất khẩu 100% linh kiện, chủ yếu là các linh kiện làm bằng nhựa composite. Ông Nguyễn Phú Thi cho biết, đây là nguyên liệu chống cháy, đạt tiêu chuẩn của khối liên hiệp Anh, nhẹ và tiết kiệm được nhiên liệu. Hiện Sao Việt đang sản xuất linh kiện lắp ráp dòng xe buýt 1 tầng, 2 tầng, cung cấp cho đối tác tại Úc, New Zealand, Anh, Singapore, Malaysia,...
Ông Thi cho rằng, thường đơn hàng được ký hợp đồng trong 1 năm. Năm 2020 này, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lịch xuất hàng chậm. Chẳng hạn, đơn hàng xuất qua Anh, New Zealand vẫn còn tồn trong kho, đứng hàng, thị trường Malaysia cũng chựng lại vì lao động nghỉ việc. Hiện nay, hàng vẫn xuất đều đặn sang thị trường Úc, Hàn Quốc.
Để trở thành một trong những đơn vị trong chuỗi cung ứng linh kiện toàn cầu, “DN lập tài khoản trên Alibaba để quảng bá sản phẩm, trải qua nhiều vòng đấu thầu với DN các nước khác. Muốn nhận được đơn hàng, sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế từ phía đối tác đặt ra. Nếu không có dịch bệnh, chúng tôi thường phải sang các nước để học hỏi, công nghệ cập nhật liên tục”- ông Nguyễn Phú Thi cho hay, đó là một quá trình cạnh tranh không đơn giản.
Và khi vượt qua những thử thách đó, “chúng tôi đã tham gia hệ thống cung ứng toàn cầu cho một số dòng xe buýt ở các nước Hong Kong, Úc, Canada, Hàn Quốc...” “Trong những chuyến đi ra nước ngoài như Sigapore, chúng tôi hay hét to lên: “Úi, xe mình làm kìa. Nó đến từ Xuân Hiệp, Vĩnh Long, nước Việt Nam mình làm”- ông Thi nói cảm xúc sung sướng khi linh kiện của một DN ở huyện Trà Ôn đã góp vào sản phẩm toàn cầu.
Sao Việt là một trong những “điểm sáng”, mà theo ông Phạm Quốc Minh- Trưởng Phòng Kinh tế- Hạ tầng Trà Ôn thì: “Cùng với sự nỗ lực của ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo huyện hoạt động sản xuất kinh doanh đã đạt những kết quả đáng khích lệ”. Trong đó, lĩnh vực thương mại- dịch vụ của huyện vẫn giữ tốc độ tăng trưởng khá.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng chung của tình hình dịch COVID-19, lĩnh vực công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp ghi nhận nhiều khó khăn. Theo Chi cục Thống kê huyện Trà Ôn, qua kết quả khảo sát, đánh giá ảnh hưởng của dịch COVID-19 cho thấy, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN năm 2020 sụt giảm.
Kết quả năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 287,42 tỷ đồng, so với kế hoạch là 558,31 tỷ đồng. Giá trị ngành công nghiệp của huyện giảm mạnh do các DN chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ. Riêng Công ty Lương thực Vĩnh Long đóng trên địa bàn, chiếm đến 44,17% giá trị sản xuất toàn huyện, nhưng năm 2020 giá trị sản xuất giảm mạnh.
Một số DN khác như Công ty CP May xuất khẩu Trà Ôn, DNTN Bùi Thưởng và hàng loạt cơ sở làm bánh tráng, may gia công, đan thảm cũng chịu tác động của dịch bệnh, DN không có đơn hàng, giảm doanh thu… ảnh hưởng giá trị sản xuất công nghiệp giảm 30- 40%.
Những dự án giao thông kết nối
Để khắc phục khó khăn và khai thác hiệu quả thế mạnh, tiềm năng kinh tế của địa phương, ông Phạm Quốc Minh cho rằng: “Trước đây, có nhiều nhà đầu tư đến Trà Ôn, nhưng còn ngán ngại hạ tầng giao thông thiếu và yếu, nên họ đến rồi rút đi hết”. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025, Trà Ôn đã có chủ trương triển khai hàng loạt “dự án động lực”, mà theo ông Phạm Quốc Minh “sẽ giúp Trà Ôn thay đổi nhiều lắm”.
Bộ khung nhựa xe buýt được lắp ráp hoàn chỉnh do Sao Việt sản xuất tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Sao Việt cung cấp |
Những dự án tạo động lực đó không chỉ tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, mà còn góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Đó là, mở rộng Đường tỉnh (ĐT) 907 nối dài vào cụm công nghiệp Mỹ Lợi (nút giao ĐT907- QL54 đến giáp Đường huyện 70); mở rộng ĐT901 (đoạn tránh trung tâm xã Vĩnh Xuân) và cầu Vĩnh Xuân 2 sẽ tháo gỡ nút giao chưa hợp lý hiện trạng cầu Vĩnh Xuân); mở rộng ĐT901 nối từ trung tâm xã Tích Thiện đến Cống hở Tân Dinh (Cầu Kè, Trà Vinh); Đầu tư mới đường vành đai 24 tránh trung tâm xã Hựu Thành (kết nối ĐT906 và ĐT907).
Song song đó, việc Ban quản lý Dự án 7 thuộc Bộ Giao thông vận tải đã trình đề xuất chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp QL54 qua địa bàn các tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh dự kiến triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2024. Đây là yếu tố thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư về địa bàn huyện, cũng như mở rộng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ theo tuyến sông Măng, QL, ĐT,...
“Trong năm 2021, Trà Ôn tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp chuyên ngành Mỹ Lợi (Thiện Mỹ) và Vĩnh Thành (Hựu Thành). Kịp thời tham mưu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp, điểm công nghiệp phân tán theo yêu cầu của các nhà đầu tư. Phối hợp nhà đầu tư phát triển điện gió, năng lượng sạch trên địa bàn theo kế hoạch của tỉnh”- ông Phạm Quốc Minh cho biết, cùng với đó là phát huy thế mạnh kinh tế địa phương qua việc khuyến khích các DN, hợp tác xã, hộ cá thể đầu tư phát triển ở những địa bàn có lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế cũng như chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp.
Ông Nguyễn Phú Thi- Giám đốc Công ty CP Nhựa Sao Việt: Từ QL53 vào công ty phải vận chuyển hàng hóa trên ĐT901, nên DN phải xin giấy phép cho container vận chuyển và thời hạn giấy phép trước nay chỉ 1 tháng. Vì DN phải vận chuyển hàng hóa xuất khẩu với số lượng lớn, nên mỗi tháng mỗi xin giấy phép rất mất thời gian. Chúng tôi mong muốn ngành chức năng xem xét, hỗ trợ giúp DN có thời hạn giấy phép dài hơn. Ví dụ có thể linh hoạt cho thời gian 1 lần xin giấy phép mới là 3 tháng hoặc 6 tháng, để giúp DN tiết kiệm thời gian và vận chuyển hàng thuận lợi hơn. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin