Lợi ích từ mô hình kinh tế tập thể

06:12, 02/12/2020

Thành lập vào năm 2017, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hậu Thành (xã Long An- Long Hồ) không chỉ liên kết sản xuất- bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao cho các thành viên, mà còn dạy nghề thủ công mỹ nghệ, để tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ và nông dân lúc nhàn rỗi ở địa phương.

Thành lập vào năm 2017, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hậu Thành (xã Long An- Long Hồ) không chỉ liên kết sản xuất- bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao cho các thành viên, mà còn dạy nghề thủ công mỹ nghệ, để tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ và nông dân lúc nhàn rỗi ở địa phương.

Hợp tác xã tham dự trưng bày sản phẩm lúa gạo tại “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020” do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Hợp tác xã tham dự trưng bày sản phẩm lúa gạo tại “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020” do Hội LHPN tỉnh tổ chức.

Liên kết nâng cao giá trị sản xuất

Trải qua 4 năm hoạt động sản xuất kinh doanh, đến nay, HTX có 70 thành viên và 176 hộ nông dân tham gia liên kết với diện tích 188,4ha. HTX tham gia vào dự án thực hiện cánh đồng lớn theo Nghị định 62 của Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ cho nông dân tham gia liên kết từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm 3 năm liền.

HTX đã xây dựng mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa; trong đó, liên kết với Trung tâm Giống của tỉnh Vĩnh Long và Công ty TNHH 1TV Quốc Anh tỉnh Hậu Giang cung cấp lúa giống, liên kết với các công ty cung cấp phân hữu cơ và thuốc sinh học cho mô hình sản xuất lúa sạch và liên kết với Công ty Lương thực tỉnh Vĩnh Long và các thương lái thuộc các tỉnh lân cận để tiêu thụ lúa cho thành viên.

“Để vận động được các thành viên tham gia vào HTX là cả một quá trình đầy khó khăn, phải kiên trì đến từng hộ làm công tác tư tưởng rồi tổ chức họp các hộ dân để tuyên truyền vận động.

Phải nói làm sao để người dân tin tưởng và để cho họ thấy được lợi ích thực tế từ việc tham gia mô hình kinh tế tập thể, được lo trọn gói từ việc cung cấp giống, phân, thuốc theo tiêu chuẩn đến bao tiêu sản phẩm.

Mặt khác, các thành viên Hội đồng quản trị của HTX cũng rất nỗ lực chịu khó tìm các đối tác liên kết tốt nhất cho người dân an tâm sản xuất”- bà Nguyễn Thị Minh Yến- Giám đốc HTX Nông nghiệp Hậu Thành cho biết.

Bên cạnh đó, HTX còn vận động thành viên đưa màu xuống 3,5ha ruộng. HTX Hậu Thành còn liên kết với HTX Thành Đạt của xã Hòa Thạnh (Tam Bình) và HTX của xã Tân Lộc (Tam Bình) để mở rộng diện tích trồng lúa Huyết rồng Việt Nam trên 50ha.

Điển hình như chị Nguyễn Thị Minh Đức (ấp Hậu Thành) đã trồng được 3 vụ giống lúa Huyết rồng Việt Nam trên 12 công đất, cho lợi nhuận cao hơn các giống lúa thường trồng.

“Hội đồng quản trị HTX không ngừng nỗ lực, xây dựng HTX có thương hiệu, nhãn hiệu để bán gạo ra thị trường.

Hiện nay, HTX có tìm hiểu và được giới thiệu đưa về trồng loại lúa Huyết rồng Việt Nam có giá trị dinh dưỡng cao, gạo này có thể làm giảm các tác nhân gây bệnh tật cho con người, đặc biệt người già và trẻ em”- bà Nguyễn Thị Minh Yến cho biết thêm.

Theo đó, HTX còn mạnh dạn đưa những loại lúa gạo mà HTX sản xuất để tham dự Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ IV tỉnh Vĩnh Long năm 2019. Kết quả, sản phẩm gạo Huyết rồng Việt Nam do HTX sản xuất đã đạt được giải 3 cuộc thi “Gạo ngon thương hiệu Việt”.

Tạo việc làm cho phụ nữ

Phụ nữ tham gia làm hàng thủ công mỹ nghệ tại hợp tác xã tăng thêm thu nhập cho gia đình. Trong ảnh: Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hậu Thành Nguyễn Thị Minh Yến (bìa trái) luôn xắn tay chỉ việc cho chị em.
Phụ nữ tham gia làm hàng thủ công mỹ nghệ tại hợp tác xã tăng thêm thu nhập cho gia đình. Trong ảnh: Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hậu Thành Nguyễn Thị Minh Yến (bìa trái) luôn xắn tay chỉ việc cho chị em.

Không ngừng hoạt động về ngành nông nghiệp, HTX còn xây dựng phương án phát triển về ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, để tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ và nông dân lúc nhàn rỗi ở địa phương, có thêm thu nhập cho gia đình.

Đến nay, HTX có khoảng 200 chị tham gia, thu nhập từ 2- 6 triệu đồng/tháng/người, từ đó giải quyết một số hộ nghèo và cận nghèo cải thiện đời sống.

HTX còn thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề đan thảm cho chị em phụ nữ nghèo và người lớn tuổi. Mỗi ngày các chị em tranh thủ thời gian có thể thu nhập từ 40.000- 200.000 đ/ngày.

Chị Minh Yến chia sẻ: “Tôi có kinh nghiệm làm hàng thủ công từ 10 năm nay, nên tổ chức dạy lại cho chị em và có nhiều mối hàng ở các tỉnh đem về cho chị em làm gia công kiếm thêm thu nhập”.

Chị Huỳnh Thị Mềm (ấp Hậu Thành) là thành viên của HTX gần 10 năm nay, phấn khởi chia sẻ: “Nhà tôi làm ruộng, chăn nuôi. Xong chuyện nhà cửa là tôi bắt tay vào đan hàng thủ công liền. Nhờ chị Yến chỉ nghề, tôi làm quen tay nên cũng kiếm được gần 6 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình tôi cũng khấm khá”.

Bà Nguyễn Thị Xuân Oanh- Chủ tịch Hội LHPN xã Long An- cho biết: HTX Hậu Thành phát triển rất ổn định, tạo việc làm cho phụ nữ tại địa phương rất tốt, tăng thêm thu nhập cải thiện đáng kể cuộc sống cho các chị. Hội cũng rất quan tâm thường xuyên thăm hỏi hoạt động và giới thiệu thêm hội viên phụ nữ cho HTX đủ nguồn lao động.

Các thành viên HTX thì luôn chia sẻ giúp đỡ nhau trong sản xuất, từ đó không chỉ đem lại hiệu quả hoạt động cho HTX mà còn phát triển kinh tế hộ nông dân ở địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới của xã.

Từ các hoạt động trên, HTX được Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh tặng giấy khen và Bộ Nông nghiệp- PTNT tặng bằng khen tuyên dương điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc về phát triển HTX nông nghiệp. Cá nhân chị Nguyễn Thị Minh Yến được báo cáo tham luận tại Hà Nội trong hội thảo “Việc làm cho phụ nữ nông thôn vùng ĐBSCL”.

Bài, ảnh: HẢI YẾN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh