Lan tỏa khát vọng khởi nghiệp

11:12, 24/12/2020

Chưa bao giờ "làn sóng" khởi nghiệp trong thanh niên lại phát triển sôi nổi như hiện nay. Bằng nghị lực và sự nhạy bén, sáng tạo không ngừng, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn khởi nghiệp, khẳng định được ý chí vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, từng bước chinh phục khát khao hướng đến cộng đồng.

 

 

Anh Vinh chia sẻ thành quả khởi nghiệp bước đầu của mình.
Anh Vinh chia sẻ thành quả khởi nghiệp bước đầu của mình.

Chưa bao giờ “làn sóng” khởi nghiệp trong thanh niên lại phát triển sôi nổi như hiện nay. Bằng nghị lực và sự nhạy bén, sáng tạo không ngừng, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn khởi nghiệp, khẳng định được ý chí vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, từng bước chinh phục khát khao hướng đến cộng đồng.

Bỏ việc về quê nuôi thỏ

“Anh Vinh hiền lành, siêng năng, dám nghĩ, dám làm lại có tay chăn nuôi”. Đó là những lời khen mà đoàn viên thanh niên địa phương dành cho Đặng Thế Vinh (xã Phú Quới- Long Hồ). Mang theo sự thiện cảm ban đầu đó, cuộc gặp của chúng tôi và anh Vinh lại càng thú vị hơn với quá trình vượt khó vươn lên của chàng thanh niên này.

Anh Vinh cho biết, ý tưởng nuôi thỏ để khởi nghiệp nhen nhóm từ thời học cấp 3. Tuy nhiên thời điểm ấy, chưa có vốn lẫn kinh nghiệm cùng với đầu ra sản phẩm chưa ổn định nên anh đành tạm gác lại việc chăn nuôi. Rồi sau khi tốt nghiệp THPT, anh quyết định đi làm để tích góp vốn liếng, tham khảo thêm các thông tin trên Internet để nâng cao kiến thức, kỹ thuật nuôi thỏ. Sau vài năm đi làm, dù công việc cho thu nhập ổn định nhưng anh vẫn quyết tâm khởi nghiệp nuôi thỏ.

Rồi anh về quê bắt tay vào làm chuồng trại, tìm mua con giống và vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm. Cùng với đó, anh chủ động kết nối, tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Với cách làm ấy, mô hình dần phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. “Thật ra lúc đó mình cũng liều lắm vì công sức đi làm mấy năm qua đều đổ hết vào mô hình này. Nuôi thành công thì tốt, còn ngược lại thì… phải làm lại từ đầu”- anh nói.

Đưa chúng tôi tham quan trang trại nuôi thỏ vừa được đầu tư thêm, anh phấn khởi giới thiệu: Đây là các dãy ô nuôi thỏ cái sinh sản và thỏ đực để phối giống. Đây là ô dùng để tách riêng thỏ con phát triển trội hơn ra khỏi đàn. Còn phía bên phải là ô riêng để nuôi thỏ thương phẩm. Thỏ con nuôi khoảng 3 tháng là có thể xuất bán. Thức ăn của thỏ cũng dễ kiếm như cỏ khô, rau muống, cỏ voi. Nuôi thỏ không dễ cũng không khó, chỉ cần môi trường thông thoáng, sạch sẽ và biết chọn con giống tốt là “chắc ăn có lời”.

Hiện tại, trang trại của anh có gần 70 ô với khoảng 280 con thỏ thịt và thỏ giống. Với mô hình này, trung bình mỗi tháng, anh bán ra khoảng 100 con thỏ thịt 1,8- 2 kg/con. Lợi nhuận thu được từ 70- 80 triệu đồng/năm. Từ đó, thu nhập gia đình ngày càng phát triển hơn. Anh chia sẻ: “Làm gì cũng cần phải có quyết tâm, đam mê, nhạy bén và phải không sợ thất bại”.

Theo anh Vinh, khởi nghiệp cần phải có quyết tâm, đam mê và không sợ thất bại.
Theo anh Vinh, khởi nghiệp cần phải có quyết tâm, đam mê và không sợ thất bại.

Khởi nghiệp hướng đến cộng đồng

Tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo khởi nghiệp năm 2020, chúng tôi vô cùng ấn tượng sản phẩm “Trà hòa tan Cỏ May” của bạn Võ Thị Thúy An (sinh viên năm nhất Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh). Không chỉ ở bao bì bắt mắt, hương vị trà dễ uống mà đáng chú ý hơn chính là ước mơ, khát khao khởi nghiệp hướng đến cộng đồng của cô sinh viên này. Rót tách trà mời đoàn viên thanh niên đến tham quan sản phẩm trưng bày, Thúy An vui vẻ giới thiệu: Đây là trà hòa tan được làm từ cỏ may rất tốt cho sức khỏe.

Cô sinh viên năm nhất cho biết: Ước mơ khởi nghiệp từ trà cỏ may được em ấp ủ từ hồi học ở Trường THPT Nguyễn Thông. Vì em thấy cỏ may ở địa phương có rất nhiều nên sẽ có lợi hơn về mặt sản phẩm đầu vào lại có thể tạo thêm việc làm cho người dân. Thêm nữa, cỏ may là vị thuốc Nam quý, được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền để giải nhiệt, tiêu độc, chữa da vàng… nên làm sản phẩm trà từ loại cây cỏ này sẽ rất có lợi, có thể hỗ trợ chăm sóc, cải thiện sức khỏe cho người tiêu dùng.

“Có thể đối với nhiều người khởi nghiệp phải bắt đầu từ những ý tưởng đột phá, sáng tạo và phải mang lại hiệu quả... bất ngờ. Thế nhưng đối với em thì khởi nghiệp phải bắt đầu từ niềm đam mê và mong muốn chia sẻ thành quả với cộng đồng”- Thúy An chia sẻ.

Và để sớm thực hiện ý tưởng của mình, Thúy An đã chủ động sắp xếp thời gian khoa học để vừa học ở trường vừa song hành nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm trà hòa tan cỏ may. Nói thì đơn giản vậy, nhưng trong quá trình thực hiện, Thúy An cũng gặp không ít khó khăn vì “là học sinh nên kiến thức về lĩnh vực này còn hạn chế cộng thêm thiết bị máy móc phòng thí nghiệm ở trường chưa đáp ứng được tất cả các quy trình nghiên cứu. Vì thế những lúc rối quá em phải tìm đến giáo viên ở trường để nhờ sự trợ giúp”- Thúy An cười tươi nói.

Theo cô sinh viên này, có được gói trà thành phẩm phải thực hiện đảm bảo các quy trình từ thu thập nguyên liệu, xử lý sạch, phơi khô, xay nhuyễn đến cô đặc, đông lạnh, sấy, đóng gói… mới có được hộp trà hòa tan vừa đảm bảo vệ sinh lại vừa tốt cho sức khỏe. Thật không dễ dàng nhưng với quyết tâm của mình, sau hơn 6 tháng mày mò nghiên cứu, Thúy An đã hoàn thành và cho ra đời sản phẩm này.

Thúy An (phải) giới thiệu sản phẩm Trà hòa tan Cỏ May.
Thúy An (phải) giới thiệu sản phẩm Trà hòa tan Cỏ May.

Chia sẻ định hướng thời gian tới, Thúy An cho biết, em đang thực hiện các thủ tục chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Sau đó sẽ đưa sản phẩm tiếp cận thị trường... “Dẫu con đường khởi nghiệp phía trước nhiều gian nan, nhưng sản xuất và kinh doanh trà hòa tan cỏ may chính là niềm đam mê của em và em vẫn không từ bỏ đam mê của mình”- Thúy An nói chắc chắn như thế.

Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Anh Vinh và Thúy An cũng phải trải qua những khó khăn trước khi có được thành quả bước đầu như hôm nay. Mặc dù hiện tại các mô hình ấy vẫn còn khiêm tốn, song câu chuyện khởi nghiệp của họ sẽ tạo nguồn cảm hứng, lan tỏa khát vọng vươn lên đến các bạn trẻ!

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh