Làm mới, cải tiến sản phẩm để đón tết

10:12, 25/12/2020

Chuyện đổi mới tư duy, cải tiến công nghệ không chỉ là chuyện của những doanh nghiệp lớn mà nhiều cơ sở nhỏ, hộ kinh doanh cũng đã từng bước thích ứng để phát triển hơn. Và với nhiều cơ sở, tết càng là dịp để khẳng định, củng cố vị trí trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng.

 

Nhiều cơ sở cải tiến bao bì, đổi mới mẫu mã để đón tết.
Nhiều cơ sở cải tiến bao bì, đổi mới mẫu mã để đón tết.

Chuyện đổi mới tư duy, cải tiến công nghệ không chỉ là chuyện của những doanh nghiệp lớn mà nhiều cơ sở nhỏ, hộ kinh doanh cũng đã từng bước thích ứng để phát triển hơn. Và với nhiều cơ sở, tết càng là dịp để khẳng định, củng cố vị trí trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng.

Làm mới sản phẩm đón tết

Để chuẩn bị đón tết, nhiều cơ sở nhỏ, hộ kinh doanh cũng đã có những bước tiến mới, sản phẩm mới để thu hút người tiêu dùng. Đang tất bật để hoàn thành nhà xưởng vừa mới đầu tư hơn 200 triệu đồng, chị Trần Thanh Trang- Chủ hộ kinh doanh cốm Hoàng Trang (ấp Hiếu Hiệp- xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm) cho hay: Nâng cấp nhà xưởng cao ráo, sạch sẽ để sản phẩm chất lượng, an toàn, đảm bảo vệ sinh hơn nữa.

Để thu hút khách hàng và tạo điểm mới cho sản phẩm, ngoài 3 dòng sản phẩm hiện có là cốm gạo, cốm nếp lá dứa, cốm mì chà bông, trong dịp tết này, chị Trang còn làm thêm sản phẩm mới, “không đụng hàng” là sản phẩm cốm gạo tím than chà bông.

Đây là sản phẩm liên kết với Hợp tác xã sản xuất dịch vụ Nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm). Theo chị Trang, sản phẩm này không khó làm, chỉ cần đổi mới một chút là có thể tạo được nét riêng. Đặc biệt, liên kết với hợp tác xã, nguyên liệu đầu vào sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, cả 2 bên đều sẽ có lợi, giới thiệu sản phẩm lẫn nhau, mở rộng cơ hội tìm kiếm thị trường hơn.

“Sản phẩm này ra mắt được gần 2 tháng nay, thấy thị trường tiêu thụ rất khả quan. Tôi cũng đầu tư thêm sản phẩm đóng hộp để người tiêu dùng có thể chọn làm quà tặng trong dịp tết. Hiện sản phẩm cốm Hoàng Trang đã có mặt ở nhiều tỉnh- thành như TP Hồ Chí Minh, Long An, Cần Thơ, Tiền Giang, Trà Vinh,... với sản lượng cung cấp cho thị trường khoảng 3 tấn/tháng”- chị Trang cho hay.

Là cơ sở sản xuất nhỏ có mặt trên thị trường hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Thanh Khiển- Chủ Cơ sở sản xuất bánh mì ngọt, bánh bông lan Đại Dương (ấp Tân Quới Đông, phường Trường An, TP Vĩnh Long)- chia sẻ:

Tuy dịch bệnh ảnh hưởng các tháng đầu năm nhưng vài tháng nay thị trường đã khởi sắc hơn. Tết này, ngoài bánh mì ngọt, bánh bông lan, cơ sở còn sản xuất thêm bánh cookie với mẫu mã đóng hộp mới để tung ra thị trường. So cùng thời điểm năm trước, thị trường “ăn hàng” hơn, sản xuất cũng tăng hơn 20- 30%, trung bình cung cấp cho thị trường 500kg sản phẩm/ngày.

Song song đó, cơ sở cũng tích cực tham gia kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại và kết nối thị trường qua kênh online. Ngoài giới thiệu trực tiếp tại các hội chợ, đến các chợ truyền thống, cơ sở còn quảng cáo, chào hàng qua zalo, kênh thương mại điện tử. Nhờ vậy, sản phẩm của cơ sở đã có mặt ở 13 tỉnh miền Tây và chen chân được vào thị trường Campuchia.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh Loan- Chủ Cơ sở sản xuất Kim Chi Loan’s (ấp Tân Lộc, xã Tân Lược- Bình Tân) cũng đã “làm mới” để đón tết. Ngoài đầu tư máy móc để nâng chất lượng, giữ sản phẩm luôn được tươi ngon, chị Loan còn chú trọng cải tiến bao bì đẹp mắt, vừa giúp người tiêu dùng tiết kiệm lại bảo vệ môi trường.

“Tết này, để đa dạng sản phẩm tôi cũng cho ra một số sản phẩm mới như dưa tỏi ngâm giấm, kim chi củ cải trắng, kim chi dưa leo, bước đầu cũng được người tiêu dùng đón nhận”- chị Loan chia sẻ.

Nỗ lực để lớn lên

Nhiều cơ sở nhỏ cho rằng, muốn tồn tại trong giai đoạn hiện nay thì đổi mới tư duy là yếu tố quyết định, mở đường cho sự phát triển. Theo anh Khiển, nhu cầu của thị trường ngày một nâng cao, nên cơ sở cũng phải tự nâng cao mình hơn.

Cũng có một thời gian bị người tiêu dùng “lãng quên”, sau đó cơ sở đã đầu tư máy móc, thiết bị, lắng nghe nhu cầu thị trường và ghi nhận phản hồi từ người tiêu dùng để hoàn thiện sản phẩm hơn, như: sản phẩm làm ra ít ngọt, ít béo hơn, phù hợp với khẩu vị của nhiều người hơn, chứ không thể sản xuất theo công thức cứng ngắt.

“So với những cơ sở, doanh nghiệp lớn, cơ sở nhỏ cũng có những lợi thế riêng, đó chính là dễ tiếp cận người tiêu dùng, có thị trường, mối sẵn. Điều quan trọng là phải liên kết chặt chẽ và “liên kết đẹp” với nhà phân phối, đảm bảo uy tín. Đồng thời, phải biết tận dụng cơ hội, kịp theo xu hướng thị trường và có chiến lược kinh doanh lâu dài”- anh Khiển chia sẻ.

Suy nghĩ “tuy có chỗ đứng rồi nhưng vẫn phải đổi mới về tư duy lẫn cách sản xuất, không ngừng làm mới mình, chứ không thể làm theo lối mòn truyền thống kiểu “mì ăn liền” được”, nên bên cạnh việc đầu tư máy móc, thiết bị để nâng công suất, chất lượng sản phẩm cho đồng đều hơn, mẫu mã đẹp hơn thì chị Trang cũng tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.

“Tôi nhận thấy nếu mình không tự nâng cấp mình hơn, thì sớm muộn cũng khó tồn tại và dễ bị ra rìa, do xu hướng và thị hiếu người tiêu dùng đã ngày càng cao hơn. Bởi vậy buộc mình phải thay đổi. Cơ sở nhỏ sẽ có cách làm của cơ sở nhỏ, chứ không thể giậm chân tại chỗ. Hơn nữa, đây là nghề gia truyền 3 đời, tồn tại hơn 50 năm rồi, mình phải nỗ lực hơn nữa để gìn giữ thương hiệu này”- chị Trang bày tỏ.

Theo chị Trang, khi sản phẩm có thương hiệu sẽ dễ dàng tiếp cận và tạo lòng tin với người tiêu dùng. Và cách xây dựng thương hiệu tốt nhất là đặt cái tâm của mình vào sản phẩm.

Ngoài kênh phân phối truyền thống là ở các chợ, chị Trang còn muốn sản phẩm góp mặt ở những kênh phân phối hiện đại như siêu thị, chuỗi cửa hàng. “Do đó, thời gian qua, tôi cũng tích cực hoàn thiện hơn. Được bình chọn là sản phẩm OCOP được xem là bước đi hiệu quả và bước tiến vững chắc cho cơ sở có tiền đề tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong tương lai”- chị Trang khẳng định.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh