Tốc độ phát triển kinh tế của các HTX còn chậm, chưa bền vững, năng lực tài chính nhỏ, thiếu sự liên kết, hợp tác với các thành phần kinh tế khác, số hợp tác xã làm ăn tốt còn ít…
Theo số liệu khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam, hiện chỉ có 6,8% cán bộ chủ chốt hợp tác xã có trình độ từ Đại học trở lên, trên 30% cán bộ HTX vẫn chưa qua đào tạo. |
Tốc độ phát triển kinh tế của các HTX còn chậm, chưa bền vững, năng lực tài chính nhỏ, thiếu sự liên kết, hợp tác với các thành phần kinh tế khác, số hợp tác xã làm ăn tốt còn ít…
Kinh tế tập thể, hợp tác xã với tư cách là một thành phần kinh tế, luôn đóng vai trò quan trọng, đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, kinh tế hợp tác xã thời gian qua chưa phát huy được vai trò cũng như tiềm năng, lợi thế để nâng cao hiệu quả hoạt động. Một trong những nguyên nhân chính được xác định là kỹ năng lao động trong khu vực kinh tế này còn nhiều hạn chế.
Hiện nay, cả nước có gần 147.000 tổ Hợp tác, hợp tác xã, thu hút hơn 8,1 triệu thành viên, chủ yếu ở địa bàn nông thôn tham gia; tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập và sức mua của gần 30 triệu người.
Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam, hiện chỉ có 6,8% cán bộ chủ chốt hợp tác xã có trình độ từ Đại học trở lên, trên 30% cán bộ HTX vẫn chưa qua đào tạo. Đây chính là những rào cản của các HTX trong tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ thực tế địa phương mình, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng: "Công tác phát triển kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế, tốc độ phát triển chậm, chưa bền vững, năng lực tài chính nhỏ, thiếu sự liên kết, hợp tác với các thành phần kinh tế khác, số hợp tác xã làm ăn tốt còn ít…
Một trong những nguyên nhân là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực hợp tác xã còn rất thấp".
Còn theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thì những hạn chế trong lĩnh vực lao động hợp tác xã đã được phân tích, nhìn nhận khá đầy đủ, toàn diện.
"Xác định muốn phát triển bền vững, hiệu quả, phải chú trọng kỹ năng đào tạo nghề và chất lượng lao động trong lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; tham mưu tích cực cho Chính phủ có cơ chế chính sách, giải pháp, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nguồn nhân ực trong lĩnh vực này; chúng tôi xây dựng những đề án về đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong khu vực này, chỉ đạo các trường đào tạo nghề làm nhiệm vụ đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã" - ông Nguyễn Văn Thịnh nêu rõ.
Trước thực tế này, ở góc độ nghiên cứu của mình, bà Valentina Barcucci, Chuyên gia Kinh tế Lao động của ILO cho rằng: "Với việc mở cửa ra thị trường quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đã và đang ngày càng đa dạng hơn.
Đây là cơ hội thúc đẩy thịnh vượng nền kinh tế và việc làm chất lượng, cho những ai có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, tính bền vững, và quyền của người lao động.
Các HTX có thể hưởng lợi bằng cách tạo ra mạng lưới liên kết địa phương, đồng thời trở thành đơn vị bảo lãnh cho sự bền vững và tiêu chuẩn lao động quốc tế, dựa trên tập hợp các giá trị của mình".
Khẳng định, kinh tế HTX đã trở thành một kênh huy động nguồn lực trong dân để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xoá đói, giảm nghèo, tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương nhưng ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam nhấn mạnh đến việc nâng cao kỹ năng lao động trong khu vực hợp tác xã là 1 một yêu cầu quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Theo ông Chang Hee Lee: "Cùng với việc kết nối hợp tác xã phát triển bền vững hơn trong việc tiếp cận thị trường, hướng tới quá trình hoà nhập toàn cầu hóa, cần kết nối và cân bằng kỹ năng chúng ta chưa có được là yêu cầu đặt ra. Chúng ta phải tạo thuận lợi cho việc những quy định, quy trình được hiệu quả, kết nối hợp tác xã với thị trường trong ngoài nước…".
Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững thì việc đổi mới quản trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động là yêu cầu tất yếu trong nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng như hiện nay./.
Theo Sỹ Đức/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin