Kiểm soát nguồn cung thịt lợn phục vụ Tết

01:12, 29/12/2020

Giá thịt lợn hơi tại nhiều địa phương những ngày qua tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg, thậm chí có nơi tăng 10.000 đồng/kg so với trước. Tại một số chợ dân sinh Hà Nội, giá thịt lợn có xu hướng tăng từ 5.000 – 8.000 đồng/kg, dao động từ 105.000 - 170.000 đồng/kg, tùy từng loại.

Giá thịt lợn hơi tại nhiều địa phương những ngày qua tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg, thậm chí có nơi tăng 10.000 đồng/kg so với trước. Tại một số chợ dân sinh Hà Nội, giá thịt lợn có xu hướng tăng từ 5.000 – 8.000 đồng/kg, dao động từ 105.000 - 170.000 đồng/kg, tùy từng loại.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định: Giá thịt lợn từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ tăng cao.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định: Giá thịt lợn từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ tăng cao.

Theo chia sẻ của một số tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Thành Công (Hà Nội), giá thịt lợn có xu hướng tăng, do sức mua của người dân dịp cuối năm bắt đầu nhiều hơn so với các tháng khác và các doanh nghiệp thu mua thịt lợn để chế biến xúc xích, giò chả, thịt hun khói… phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Khảo sát của phóng viên báo Tin tức tại một số chợ truyền thống, giá thịt lợn cuối tháng 12/2020 tăng khoảng 5.000 - 8.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 12/2020. Hiện tại, giá thịt lợn đang dao động ở mức 130.000 - 170.000 đồng/kg.

Cụ thể: Thịt ba chỉ có giá 150.000 đồng/kg, thịt mông 145.000 đồng/kg, thịt thăn 135.000 đồng/kg, thịt nạc vai 130.000 đồng/kg, sườn non 170.000 đồng/kg, thịt chân giò 160.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, theo đánh giá mới nhất của Tổng cục Thống kê (TCTK), nếu so với thời điểm tháng 11/2020, giá thịt lợn tháng 12/2020 giảm 1,65%, trong đó khu vực thành thị giảm 1,33%; khu vực nông thôn giảm 1,87%.

Nếu tính diễn biến giá cả thịt lợn trong năm 2020, theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Thống kê giá (TCTK) trung bình năm nay, giá thịt lợn tăng khoảng 50% so với năm trước và đóng góp 1,94% vào mức tăng 3,23% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

“Đầu năm 2020, có thời điểm mặt hàng này đẩy CPI tăng hơn 6,4%. Các giải pháp đồng bộ được thực hiện, bao gồm cả việc nhập lợn sống từ các thị trường khác như Thái Lan đã phần nào giúp hạ nhiệt thị trường trong nước”, bà Đỗ Thị Ngọc cho biết.

Đề cập về lượng cung cầu, cũng như giá cả thịt lợn cho dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản (TCTK) cho hay: TCTK đã tính toán nhu cầu tiêu thụ và nguồn cung trên cơ sở dân số tăng thêm 2 triệu người so với năm 2019, tương đương cần bổ sung khoảng 20.000 - 30.000 tấn.

Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng cũng đã sử dụng nhiều thực phẩm khác thay thế thịt lợn, nên cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân dịp cuối năm và không tăng cao như Tết Nguyên đán 2019.

Theo đánh giá của TCTK, năm 2020, dịch tả lợn châu Phi về cơ bản được kiểm soát, chỉ còn một số ổ dịch nhỏ lẻ. Số lượng lợn tiêu hủy năm 2020 cũng chỉ khoảng 86.000 con, thấp hơn nhiều so với năm 2019 (tiêu hủy hơn 6 triệu con).

Đàn lợn trên cả nước đang trên đà khôi phục, dù hiện tại tốc độ tăng còn chậm do khó khăn về con giống và dịch bệnh chưa khống chế hoàn toàn.

Tổng đàn đến cuối tháng 12/2020 ước đạt 23 triệu con, tăng 17% cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2020 ước đạt 3.474,9 nghìn tấn, tăng 4,4% so với năm 2019. Nếu so với năm 2018, quy mô tổng đàn hiện nay mới bằng 82%.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để ổn định nguồn cung từ nay đến Tết Nguyên đán, các địa phương phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi.

Đối với những cơ sở, trang trại không chấp hành các yêu cầu về tái đàn, cần xử lý theo quy định của pháp luật và không hỗ trợ khi xảy ra dịch bệnh; tuyên truyền vận động người dân khi lợn mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở để xử lý, khoanh vùng ổ dịch, không để phát sinh ra diện rộng; đẩy mạnh liên kết chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị để kiểm soát chất lượng và ổn định về giá bán trên thị trường.

Theo dự báo của Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương), dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tình hình thời tiết, dịch bệnh có thể có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa trên thị trường.

Trong bối cảnh đó, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp phân phối thực phẩm phối hợp với các hộ dân, doanh nghiệp chăn nuôi tập trung có phương án bảo đảm nguồn cung cấp lợn thịt cho thị trường và giảm giá thành phẩm tương ứng cho người tiêu dùng.

Trong trường hợp cần thiết, cần có phương án nhập khẩu các mặt hàng thịt gia súc từ nước ngoài để bình ổn thị trường.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến nay đã kiểm dịch cho 212.000 tấn thịt lợn do 130 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu, tăng hơn 216,41% so với năm 2019. Nguồn nhập từ các nước Nga, Ba Lan, Brazil, Canada, Đức, Mỹ, Tây Ban Nha.

Từ tháng 6/2020 đến nay, Việt Nam lần đầu cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan để giết mổ và đã có 28 doanh nghiệp nhập khẩu với số lượng gần 310.000 con lợn thịt từ Thái Lan, trọng lượng khoảng 100 kg/con.

Theo Minh Phương/Báo Tin tức

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh