An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề đặc biệt quan trọng hiện nay. Theo các chuyên gia, vấn đề mấu chốt để giải quyết tình trạng này chính là doanh nghiệp (DN) phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề đặc biệt quan trọng hiện nay. Theo các chuyên gia, vấn đề mấu chốt để giải quyết tình trạng này chính là doanh nghiệp (DN) phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Cơ sở sản xuất bún, hủ tiếu Sáu Thạnh chủ động nâng cao ý thức sản xuất an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm. |
Quy trình kiểm soát chất lượng đã được quan tâm
PGS.TS. Lương Minh Cừ- Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long- cho rằng: ĐBSCL là khu vực sản xuất nông- thủy sản quan trọng nhất nước. Lượng sản phẩm nông- thủy sản này đóng góp giá trị hàng hóa, nguyên liệu cho sản xuất cực kỳ quan trọng.
Chính vì vậy, đây cũng là khu vực luôn gánh chịu những tác động đầu tiên, trực tiếp bởi những diễn biến phức tạp của thị trường cũng như tình hình an toàn thực phẩm. Việc sử dụng các loại hóa chất trong quá trình sản xuất như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, các phụ gia đưa vào thực phẩm, hóa chất độc hại không kiểm soát, công nghệ chế biến kém, hệ thống phân phối thực phẩm thiếu kiểm soát... đã kéo theo những hệ lụy về tồn dư chất độc hại, hàm lượng vượt quá mức cho phép, một số vi sinh vật cao... làm cho thực phẩm vốn là chất có ích cho sức khỏe trở thành tác nhân gây hại.
TS. Nguyễn Mạnh Dũng- Phó Tổng thư ký Hội Khoa học công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam- cũng cho rằng: “Hầu như không có lĩnh vực nào, không có loại nông sản thực phẩm nào trên thị trường Việt Nam lại không gặp phải những vấn đề về chất lượng và an toàn thực phẩm”.
Đáng nói là tình trạng sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất thực phẩm trở nên phổ biến, thực phẩm lậu, thực phẩm giả, thực phẩm không an toàn vẫn còn nhiều. Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm không an toàn, đặc biệt trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý.
Đó là chưa kể, thời gian qua, ở các tỉnh ĐBSCL, các chuỗi liên kết lương thực, thực phẩm-nhất là các loại nông sản chủ lực vùng như thủy sản, trái cây, lúa gạo trong vùng, áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organics... đã được quan tâm xây dựng, đạt được một số kết quả bước đầu, đáp ứng các yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đang đặt ra trong quá trình sản xuất,
kinh doanh.
An toàn thực phẩm- công cụ nâng cao danh tiếng và vị thế của DN
Nhiều DN cho rằng, việc nâng cao trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là công cụ hữu hiệu để nâng cao danh tiếng và vị thế của DN, tạo nên sự khác biệt cho thương hiệu của họ.
Điều này sẽ giúp cho DN tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn trong tương lai và tạo được lợi thế cạnh tranh, nâng cao khả năng thu hút và xây dựng có hiệu quả các mối quan hệ cung ứng. Đồng thời, sẽ là lợi thế rất lớn cho DN khi phải cạnh tranh trong một môi trường hết sức khốc liệt như hiện nay.
Nhận thức được điều này, nhiều cơ sở, DN đã chủ động và có ý thức hơn trong việc áp dụng thiết bị, công nghệ để sản xuất thực phẩm an toàn.
Bà Nguyễn Thị Hận- Chủ cơ sở sản xuất bún, hủ tiếu Sáu Thạnh (xã Ngãi Tứ- Tam Bình) cho biết: “Trước đây, cơ sở làm hủ tiếu bằng phương pháp thủ công truyền thống, phải đem ra sân phơi, trời mưa nhiều khi đem vào không kịp là hư, hủ tiếu bị chua hết.
Do đó, để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng “nâng cấp” hơn, cơ sở đã trang bị thêm máy móc, thiết bị sản xuất tiên tiến, hiện đại, đồng thời nhập nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, để nâng chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, sản phẩm làm ra được sản xuất trong quy trình khép kín. Nhờ vậy mà đầu ra ổn định hơn, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, tin dùng hơn”.
Ông Lê Văn Hoàng- Giám đốc Công TNHH Sơn Hải (Tam Bình), cũng cho biết: 40 năm qua, kẹo Sơn Hải luôn có vị trí ổn định trên thị trường không chỉ nhờ chất lượng ngày càng nâng cao, mẫu mã cải tiến mà hơn hết là sản phẩm làm ra luôn chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Do sản xuất theo quy trình ISO nên nguyên liệu đầu vào sản phẩm luôn được kiểm tra nghiêm ngặt, đảm bảo tiêu chí có nguồn gốc sản xuất rõ ràng.
Sản xuất an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn đóng vai trò rất quan trọng đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. |
Theo ông, DN muốn tồn tại và phát triển thì khâu sản xuất an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn đóng vai trò rất quan trọng. Các DN sản xuất kinh doanh thực phẩm cần nâng cao tính tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính DN mình. Đặc biệt, cần chú tâm sản xuất các sản phẩm đáp ứng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến như VietGAP, HACCP, ISO,…
Theo ngành chức năng, để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, điều tiên quyết vẫn là mỗi chủ cơ sở, DN sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm phải đề cao lương tâm, trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bởi xu hướng mới trong thị hiếu người tiêu dùng là họ tin dùng các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường. Đồng thời, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức về việc sử dụng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Bài, ảnh: HUYỀN LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin