Chung tay trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái

05:12, 11/12/2020

Trước tình hình hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) diễn ra ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi, nhiều doanh nghiệp (DN) lẫn "ông lớn" cũng đã vào cuộc cùng ngành chức năng chống hàng giả, hàng nhập lậu để bảo vệ thương hiệu- tài sản quý giá nhất của DN.

 

Nhiều công ty, thương hiệu lớn đã chung tay vào cuộc chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Nhiều công ty, thương hiệu lớn đã chung tay vào cuộc chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trước tình hình hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) diễn ra ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi, nhiều doanh nghiệp (DN) lẫn “ông lớn” cũng đã vào cuộc cùng ngành chức năng chống hàng giả, hàng nhập lậu để bảo vệ thương hiệu- tài sản quý giá nhất của DN.

Người tiêu dùng mất tiền, DN mất uy tín

Theo đánh giá của ngành chức năng, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT các thương hiệu lớn ngày càng tinh vi hơn và mẫu mã, bao bì khá giống với hàng thật nên quá trình phát hiện rất khó khăn, nhiều khi phải sử dụng sản phẩm rồi người tiêu dùng mới phát hiện ra hoặc thậm chí không biết mình đang sử dụng hàng giả.

Trong khi đó, không có hàng thật để đối chứng một số mặt hàng giả, hàng kém chất lượng nên rất khó phân biệt đâu là hàng giả và đâu là hàng thật.

Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm về sản xuất kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT. Các mặt hàng vi phạm phổ biến là mỹ phẩm, mắt kính, quần áo, giày dép, thực phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử và cả phân bón,...

Thủ đoạn thường lợi dụng thương hiệu của các hãng nổi tiếng bằng cách thay đổi nhãn mác, gây sự nhầm lẫn, ảnh hưởng đến quyền lợi và an toàn sức khỏe của người tiêu dùng. Trong năm 2019 và 10 tháng của năm 2020, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã xử lý 44 vụ vi phạm, phạt hành chính gần 500 triệu đồng.

Như mới đây, Cục QLTT tỉnh đã vừa xử lý 1 vụ sản xuất phân bón giả, sang chiết 3 tấn hóa chất Sodium Sulfate (Na2SO4) xuất xứ Trung Quốc sang bao phân bón KNO3 xuất xứ Israel để lừa bán cho người tiêu dùng.

Cục trưởng Cục QLTT tỉnh- Lê Thanh Phong cho biết: Hiện nay, nạn hàng giả hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT đang là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, mang lại hệ lụy tiêu cực không nhỏ, ảnh hưởng tính minh bạch của thị trường hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính.

“Thực trạng thời gian qua cho thấy, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT có mặt ở nhiều phân khúc thị trường, từ các quầy tạp hóa, các chợ truyền thống, chợ đêm thậm chí len lỏi vào cả siêu thị.

Đáng chú ý là những sản phẩm vi phạm này đa dạng chủng loại, không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho chủ sở hữu mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng bởi những sản phẩm vi phạm có cả các mặt hàng thực phẩm, thậm chí là thuốc chữa bệnh.

Cuối năm là thời điểm mức luân chuyển hàng hóa tăng cao, tình hình vi phạm sẽ còn diễn biến phức tạp nhiều hơn”- ông Lê Thanh Phong nhận định.

Chung tay vào cuộc

Để bảo vệ thương hiệu cho DN và quyền lợi cho người tiêu dùng, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền SHTT của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (VACIP) với sự tham gia của 8 DN, nhãn hàng có vốn đầu tư nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam đã có buổi hội thảo phân biệt hàng thật, hàng giả cho các công chức trong ngành QLTT và lực lượng chức năng khác có liên quan.

Người tiêu dùng cần nâng cao cách nhận biết hàng thật- giả.
Người tiêu dùng cần nâng cao cách nhận biết hàng thật- giả.

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan- Tổng Thư ký hiệp hội VACIP- cho hay: “Thời gian qua, một số cơ sở đã làm giả thương hiệu của các DN, nhãn hiệu lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu của các DN.

Hội thảo không chỉ góp phần nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong công tác kiểm tra, xử lý hàng giả cho công chức trong đơn vị mà còn thể hiện sự tích cực phối hợp giữa ngành chức năng và các DN trong việc kiểm tra, xử lý hàng giả.

Cách nhận biết một số sản phẩm thật- giả

Bột giặt Omo đỏ 400g và 800g, Omo Comfort 360g và 720g: Sản phẩm thật có mép hàn ở 2 mép túi trên và dưới giống nhau, tạo thành các gợn sóng sâu, đều và không có bọt khí; sản phẩm giả có 2 mép hàn trên và dưới không giống nhau, không có gợn sóng hoặc gợn sóng cạn, đường ép nhăn nheo có bọt khí. Hạt nêm Knorr 400g và 900g: khi quét mã QR lên sản phẩm thật sẽ thấy hiển thị thông tin về nguồn gốc, nguyên liệu của sản phẩm theo chuẩn VietGAP, không có đường gấp ở 2 bên hông túi; sản phẩm giả không thấy được thông tin khi quét QR, có đường gấp 2 bên hông túi. Nước chấm và nước mắm Nam Ngư: sản phẩm thật có chữ “CHIN- SU FOODS” được bao quanh bằng đường viền kép; sản phẩm giả nắp chai trơn không có chữ “CHIN- SU FOODS” hoặc có nhưng chữ xù xì ở giữa có rốn lồi lên, nắp chai vặn vào cổ chai không khít.

Tuy nhiên, những kết quả trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT trong thời gian qua còn quá khiêm tốn. Nguyên nhân là do chế tài chưa đủ mạnh, chưa có tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm. Biện pháp xử lý chủ yếu là phạt hành chính, tịch thu số hàng giả, nhập lậu, hàng cấm, kém chất lượng, quá hạn sử dụng đưa đi tiêu hủy.

Trong khi đó, người tiêu dùng còn quá “dễ dãi” khi phát hiện mua phải hàng giả, hàng nhái do tâm lý ngại kiện cáo. Đó là chưa kể ý thức bảo vệ thương hiệu của một số DN còn chưa cao.

Do đó, vấn đề chống hàng giả, bảo vệ quyền SHTT không chỉ là mối quan tâm của các DN, mà còn là mối quan tâm của đông đảo người tiêu dùng, đặc biệt khi thị trường ngày càng năng động và phức tạp.

Theo khuyến cáo của ông Lê Thanh Phong: Để hạn chế tình trạng mua lầm hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng nên đến các trung tâm thương mại lớn, siêu thị hoặc cửa hàng chính hãng để mua hàng. Theo đó, thời điểm cuối năm, ngành chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và DN.

Ông Phan Minh Nhựt- Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền SHTT của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (VACIP)

Hiện nay tình trạng hàng giả, xâm phạm quyền SHTT đặc biệt là hàng hóa giả mạo danh hiệu, vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Điều đó đặt ra mục tiêu phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN và quyền lợi của người tiêu dùng; trong đó, người tiêu dùng là đối tượng cần bảo vệ nhiều hơn. Đặc biệt là hiện nay trong tình hình khủng hoảng toàn cầu do ảnh hưởng của dịch bệnh thì xu hướng dịch chuyển các dòng đầu tư từ các nước khác sang Việt Nam rất lớn. Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang chuyển dần đầu tư vào Việt Nam, bởi Việt Nam được đánh giá là nước kiểm soát dịch COVID- 19 khá tốt. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng mong chuyển dịch đầu tư sang các nước mà được bảo vệ tốt nhất về SHTT, bởi đó là tài sản vô giá của DN.

 

 

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh