Với nhiều hình thức thiết thực, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) không chỉ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DN) mà còn là đòn bẩy hữu hiệu giúp DN tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, mở rộng thị trường.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp chủ động, tích cực tham gia các hội chợ, kết nối cung cầu. |
Với nhiều hình thức thiết thực, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) không chỉ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DN) mà còn là đòn bẩy hữu hiệu giúp DN tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, mở rộng thị trường.
DN được lợi
Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh, hoạt động XTTM luôn giữ một vị trí quan trọng trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của DN và trở thành đòn bẩy hữu hiệu giúp DN tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường.
Theo đó, nhiều hoạt động XTTM có hiệu quả đã hỗ trợ thúc đẩy, tạo cơ hội cho các DN, đặc biệt là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất ở các vùng nông thôn của tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định và mở rộng mạng lưới tiêu thụ, từng bước chủ động đáp ứng nhu cầu của thị trường, giải quyết được việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần tăng thu ngân sách địa phương.
Là một trong những đơn vị thường xuyên tham gia các hội chợ, Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (Vũng Liêm) đã mở rộng thị trường, vừa duy trì mối quan hệ với các khách hàng truyền thống, vừa tạo cơ hội tìm kiếm thêm các khách hàng mới tiềm năng.
Bà Lê Thị Nga cho hay: Các hội chợ thực sự là cơ hội để chúng tôi nhận định, đánh giá một cách chính xác xu hướng thị trường, nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng để cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì.
Đang tham gia Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam và Kết nối cung cầu hàng hóa 2020 tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thanh Loan- Chủ Hộ kinh doanh KOR Kim Chi (Bình Tân)- cho hay: Qua đây, cơ sở hiểu rõ nhu cầu người tiêu dùng, nhận biết tiềm năng của thị trường để mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh hơn.
Ông Hồ Trung Nghĩa- Giám đốc Trung tâm XTTM (Sở Công thương)- cho biết: Nhận thức về công tác XTTM của các cơ sở, DN đã có sự chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện qua việc số lượng DN đăng ký tham gia các chương trình XTTM ngày càng nhiều.
Cần nâng cao chất lượng hoạt động
Nhiều DN cho rằng, bên cạnh việc sản xuất hàng hóa chất lượng, mẫu mã đẹp, thì XTTM được xem là khâu quan trọng, kết nối để sản phẩm hàng hóa đến với mọi miền đất nước, đồng thời mở ra cơ hội cho DN tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, công tác XTTM vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó, về phía DN, cơ sở vật chất của DN còn thô sơ, sản xuất chủ yếu theo kiểu truyền thống, chưa đầu tư máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại vào sản xuất, chưa áp dụng nhiều các tiêu chuẩn chất lượng như ISO, VietGAP, GlobalGAP, ... nên sản phẩm hạn chế tính cạnh tranh.
Tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra, mở rộng thị trường. |
Một số DN chưa quan tâm XTTM, kinh phí cho hoạt động này còn ít, nguồn nhân lực hạn chế. Đó là chưa kể, một số cán bộ thực hiện công tác XTTM còn hạn chế về kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác XTTM, ông Nguyễn Trung Kiên- Phó Giám đốc Sở Công thương- cho hay: Thời gian tới, sẽ tăng cường hỗ trợ thông tin về thị trường, thị hiếu, yêu cầu về chất lượng hàng hóa để xây dựng kế hoạch sản xuất, XTTM, xuất khẩu cho phù hợp; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm để đủ chuẩn vào các hệ thống phân phối hiện đại và xuất khẩu; hỗ trợ DN tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để đẩy mạnh XTTM, tìm đối tác đầu tư, trao đổi kinh doanh, giới thiệu hàng hóa, quảng bá và tìm thị trường tiêu thụ…
Về phía DN, theo Sở Công thương, cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe của người tiêu dùng, nhà phân phối, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu của các thị trường nước ngoài. Đồng thời, quan tâm hoạt động XTTM trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác XTTM để có thể phát huy năng lực cạnh tranh của DN.
Theo Sở Công thương tỉnh, thông qua công tác XTTM, nông sản Vĩnh Long tiêu biểu như: trái cây tươi (bưởi, cam, sầu riêng, chôm chôm...), rau củ quả, gạo, thủy sản, nông sản chế biến (khoai lang sấy, trái cây sấy, mứt vỏ bưởi, trà khổ qua...) đã được tiêu thụ rộng rãi trong thị trường nội địa. Kim ngạch xuất khẩu trên đà tăng tưởng, năm 2018 đạt 465 triệu USD (trong đó riêng xuất khẩu nông sản đạt 21,1 triệu USD), năm 2019 đạt 560 triệu USD (trong đó nông sản đạt 19,7 triệu USD) và chi tiêu năm 2020 là 550 triệu USD (hiện đã đạt 250 triệu USD, trong đó nông sản đạt 13,6 triệu USD). Đặc biệt vào tháng 4/2019, lô hàng xoài đầu tiên của Vĩnh Long được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, sự kiện này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu cho trái cây Vĩnh Long nói riêng và khu vực nói chung. |
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin