Theo EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm.
Theo EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm.
Với việc EVFTA được thông qua, EU dành cho Việt Nam một hạn mức 80.000 tấn gạo mỗi năm với mức thuế 0%, xuất khẩu gạo vào EU có thể tăng gấp 4 lần. (Ảnh: TTXVN) |
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu gạo vào Liên minh châu Âu (EU) tận dụng lợi thế, ưu đãi từ Hiệp định EVFTA theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo phát triển thị phần, quảng bá gạo Việt Nam tại thị trường EU cũng như tìm kiếm, mở rộng kênh tiêu thụ.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam luôn là một trong những nước nằm trong nhóm các nước xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới.
Thống kê cho thấy, hàng năm Việt Nam xuất khẩu từ 6,4-7,0 triệu tấn gạo tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng năm 2019, Việt Nam xuất khẩu trên 6,3 triệu tấn với kim ngạch trên 2,8 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 9/2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 4,99 triệu tấn, trị giá 2,45 tỷ USD, giảm 1,4% về lượng và tăng 11,1% về trị giá; trong đó, châu Á vẫn là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam, đạt 3,2 triệu tấn, chiếm 66,36% tổng lượng gạo xuất khẩu và tăng 6,2% so với năm 2019.
Đáng lưu ý, Philippines trở thành thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, đạt 1,76 triệu tấn, chiếm 36,14% trong tổng xuất khẩu cả nước, giảm 7,45% so với năm 2019.
Ngoài ra, châu Phi là thị trường khu vực lớn thứ hai, đạt 0,91 triệu tấn, chiếm 18,85%; trong đó, Ghana là 0,41 triệu tấn, chiếm 8,38%; Bờ Biển Ngà là 0,34 triệu tấn, chiếm 6,87% là 2 thị trường tiêu biểu.
Cục Xuất Nhập khẩu cũng chỉ ra rằng, hiện tại xuất khẩu sang khu vực thị trường châu Âu còn rất khiêm tốn, chỉ đạt 0,07 triệu tấn và chiếm tỷ trọng 1,39%.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thu hoạch lúa trong vùng nguyên liệu tại xã Định Thành, (Thoại Sơn, An Giang). (Ảnh: Công Mạo/TTXVN) |
Tuy nhiên, một số thị trường có lượng xuất khẩu tăng mạnh như Tây Ban Nha tăng 107,1%, Pháp tăng 112,99%, Hà Lan tăng 36,58%, Ba Lan tăng 9,86%.
Do vậy, đây sẽ là tiền đề tốt để Việt Nam tiếp tục khai thác hiệu quả cơ hội thị trường EU khi Hiệp định EVFTA đã bắt đầu có hiệu lực và triển khai thực thi.
Các chuyên gia thương mại cũng cho rằng EU là thị trường còn nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam bởi hằng năm tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU đạt trên 2 triệu tấn, trong khi lượng xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ.
Theo Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm.
Vì thế, Hiệp định EVFTA là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao và đặc sản.
Dù vậy, để xuất khẩu có hiệu quả, tận dụng tốt lợi thế từ 80.000 tấn gạo này thì không phải dễ dàng, đặc biệt là khi EU là thị trường có yêu cầu cao và khác so với các thị trường truyền thống mà gạo Việt Nam đang xuất khẩu.
Để triển khai thực hiện quy định tại Hiệp định EVFTA, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan được Chính phủ giao chủ trì trong xây dựng Nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận chủng loại gạo xuất khẩu vào EU.
Đến ngày 4 tháng 9 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm thuộc Danh mục quy định tại điểm 8 tiểu mục 1 mục B Phụ lục 2-A của Hiệp định EVFTA được hưởng miễn thuế nhập khẩu trong hạn ngạch khi xuất khẩu sang EU.
Đặc biệt, 9 chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch bao gồm Jasmine 85; ST 5; ST 20; Nàng Hoa 9; VĐ 20; RVT; OM 4900; OM 5451; Tài nguyên Chợ Đào.
Hơn nữa, sự ra đời của Nghị định số 103/2020/NĐ-CP đã hoàn thiện hành lang pháp lý của Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu để được hưởng ưu đãi hạn ngạch thuế quan theo Hiệp định EVFTA.
Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, tới đây Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng và Thương vụ Việt Nam tại khu vực tiếp tục rà soát, cập nhật, theo dõi sát nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng và cơ chế, chính sách nhập khẩu của thị trường EU nói chung và của từng thị trường thành viên.
Bên cạnh đó, kịp thời cập nhật, thông tin cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để phục vụ cho định hướng kinh doanh, xuất khẩu cũng như chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh tại các thị trường.
Mặt khác, Bộ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp, Hiệp hội quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, hàng rào kỹ thuật và thương mại của khu vực đối với mặt hàng gạo để ứng phó kịp thời.
Đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong hướng dẫn, triển khai thực thi Nghị định số 103/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để rà soát, đàm phán ký kết hiệp định, thỏa thuận về sự phù hợp và công nhận lẫn nhau về chất lượng sản phẩm, về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm với các thị trường tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo Việt Nam và làm cơ sở định hướng sản xuất và xuất khẩu.
Liên quan đến xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu, bên cạnh các hoạt động tiếp xúc trực tiếp, tăng cường đa dạng hóa các phương thức, hoạt động giới thiệu, quảng bá thông tin về các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gạo có thương hiệu của Việt Nam với các đối tác nước ngoài để thúc đẩy cơ hội giao thương xuất khẩu phù hợp trong bối cảnh bình thường mới của thế giới như thương mại điện tử, trực tuyến….
Tương tự, tăng cường tìm kiếm và giới thiệu các đối tác nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng gạo cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách hỗ trợ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tham gia các dự án liên kết công tư, tham gia vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu với các sản phẩm gạo thương hiệu của Việt Nam có giá trị gia tăng cao, đưa sản phẩm gạo có thương hiệu quốc gia vào các hệ thống phân phối của các nước.
Hơn nữa, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo áp dụng các mô hình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong tổ chức sản xuất; nâng cao năng lực thị trường, marketing quốc tế cũng như đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế./.
Theo Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin