Hoạt động sản xuất kinh doanh trong những tháng đầu năm 2020 chịu tác động không nhỏ của dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) đã có những giải pháp linh hoạt vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, ổn định việc làm cho người lao động cũng như tăng "sức đề kháng" cho DN mình.
Hoạt động sản xuất kinh doanh trong những tháng đầu năm 2020 chịu tác động không nhỏ của dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) đã có những giải pháp linh hoạt vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, ổn định việc làm cho người lao động cũng như tăng “sức đề kháng” cho DN mình.
Hợp tác xã Mekong Green mong muốn kết nối các nhà vườn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thành mạng lưới liên kết trong sản xuất, tiêu thụ. |
Thích ứng tốt- kháng thể mạnh hơn
Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong 9 tháng năm 2020, Vĩnh Long phải triển khai và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2020 trong bối cảnh vô cùng khó khăn, chịu tác động kép của dịch COVID-19 và tình trạng xâm nhập mặn sớm, sâu, độ mặn lên cao mức lịch sử từ đầu mùa kéo dài đến tháng 5/2020.
Tuy nhiên, với sự quyết tâm của chính quyền địa phương, nỗ lực của DN và người dân nên tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh cơ bản ổn định, các hoạt động thương mại- dịch vụ trên địa bàn tỉnh đang phục hồi, dần thích nghi với trạng thái bình thường mới.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt phát triển kinh tế- xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV cho biết: “Những tháng đầu năm 2020, tình hình chung của DN là nhiều khó khăn, nhất là DN nhỏ và vừa rất dễ tổn thương do ảnh hưởng dịch COVID-19. Nhiều DN bị ảnh hưởng do COVID-19 từ đợt 1, lại càng khó khăn hơn khi dịch bệnh bùng phát đợt 2”.
Trong tình thế đó, Phước Thành IV đã có bước chuẩn bị từ xa là lập Quỹ dự phòng tích lũy hơn 20 năm, tạo nguồn tài chính tương đối ổn định góp phần duy trì việc làm, ổn định hoạt động…
“Sự tính toán này giúp DN chủ động kiểm soát tình hình. Trong giai đoạn thắt lưng buộc bụng, DN chia sẻ hài hòa với người lao động thì họ cũng chia sẻ với mình. Bên cạnh, chuỗi giá trị của DN từ hàng xáo, nhà máy xay xát, hệ thống phân phối... luôn kết nối thông thương, không thiếu hàng hóa”.
Từ những kinh nghiệm trong quá trình hoạt động đó, ông Thành cho rằng “khi DN vượt qua khó khăn, phát huy được những thế mạnh của mình sẽ trụ vững và đi nhanh hơn, thích ứng được thì kháng thể DN sẽ mạnh hơn. DN sẽ không bị lỡ nhịp trong kinh doanh, xu hướng thời đại và sẽ phát huy lợi thế của mình hơn nữa”.
Là một DN ngành chế biến thực phẩm luôn duy trì hoạt động, đảm bảo việc làm cho người lao động ổn định và có mức tăng trưởng “chút đỉnh”, ông Nguyễn Tường Nam- Giám đốc DNTN Chế biến Thực phẩm và Thương mại Hồng Hương- cho rằng: “Trong tình hình khó khăn chung, DN chú trọng giữ gìn thương hiệu, phát triển thêm sản phẩm cùng chủng loại, thăm dò thị hiếu người tiêu dùng và tăng cường hợp tác, liên kết với các DN, đối tác”.
Kinh nghiệm của DNTN Hồng Hương, theo ông Nguyễn Tường Nam, DN cần có nền tảng các nguồn lực về tài chính, nhất là chất lượng nguồn nhân sự tốt sẽ giúp DN phát huy trong thời điểm khó khăn và đồng hành cùng DN. Hơn nữa, việc nghiên cứu, định hướng sản phẩm theo thị trường cũng là nền tảng giúp DN duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục.
Phát huy thế mạnh của DN
Cùng các sản phẩm nước chấm truyền thống, DNTN Hồng Hương đã tiếp nhận và phát triển dòng sản phẩm tương hột Phước Khang. Theo ông Nguyễn Tường Nam, đây là những mặt hàng thiết yếu và DN còn chú ý nhiều kênh phân phối đa dạng hơn.
Chẳng hạn, trong điều kiện các hàng quán giảm tiêu thụ, DN mở thêm kênh phân phối online. “Tuy có khó khăn, nhưng DN từng bước tiếp cận khách hàng. Tới đây, từ cửa hàng Hoa Sao, chúng tôi sẽ tạo kênh bán hàng chuyên về thương mại điện tử các sản phẩm đặc sản địa phương, tăng cường tương tác với khách hàng hơn”- ông chia sẻ. Cùng với đó, DN đang phát triển dòng sản phẩm mới như nhãn sấy đóng gói.
“Dòng sản phẩm của địa phương này có ưu thế nguồn nguyên liệu tại chỗ, là đặc sản quê hương. Chúng tôi sẽ liên kết với các điểm du lịch sinh thái mở các cửa hàng đặc sản, kết hợp làm quà tặng giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương”- ông Nguyễn Tường Nam nêu dự định.
Trong khi đó, với việc “tính toán từ xa giúp DN thích ứng trạng thái bình thường mới”, Công ty Phước Thành IV tiếp tục phát huy thế mạnh công nghệ 72 giờ trong chế biến gạo nhằm giảm tổn thất, bảo quản lâu hơn, hạt cơm nguyên- đẹp hơn. Bên cạnh giữ vững thị trường nội địa, tính toán phân khúc từng thị trường để cung ứng sản phẩm phù hợp, nhất là đáp ứng nhu cầu gạo ngon của người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, nhà sản xuất phải nghiên cứu, tính phân khúc để đáp ứng nhu cầu phù hợp thị trường nào ăn loại gạo nào. |
Mặt khác, “DN đặt mục tiêu xuất khẩu chiếm 30- 40% số lượng, nhưng chúng tôi đang muốn giảm số lượng để nâng chất lượng gạo xuất khẩu. Chúng tôi không đặt mục tiêu số lượng năm sau cao hơn năm trước, mà đặt mục tiêu lợi nhuận cao hơn”- ông Nguyễn Văn Thành nói.
Từng bước thành công với mô hình đầu tư theo hướng sản xuất dưa lưới công nghệ cao, anh Nguyễn Trọng Nghĩa- Giám đốc Hợp tác xã Mekong Green hiện có 6 công dưa lưới đã cho thu hoạch 1,5- 3 tấn/ tháng, cung ứng cho thị trường Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Anh cho biết sản xuất công nghệ cao kiểm soát được các yếu tố đầu vào như giống, nước, nắng, dịch bệnh,… và đầu ra số lượng, chất lượng đồng đều.
Phát huy lợi thế đi trước, anh cho biết, hợp tác xã mong muốn tương lai trở thành điểm tư vấn cho bà con về kỹ thuật, thị trường,… để phát triển nông nghiệp công nghệ cao thành mạng lưới kết nối các nhà vườn sản xuất, tiêu thụ. Điều này cũng giúp cho các sản phẩm nông nghiệp có định hướng phát triển theo hướng tập trung vào chiều sâu chất lượng, “đẹp mẫu mã, ngon khẩu vị, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm”.
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin