Nhiều triển vọng mở rộng vùng lúa chất lượng cao

10:11, 17/11/2020

Thời gian qua, Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT) đã xây dựng dự án phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao của tỉnh. Tuy vẫn còn không ít khó khăn nhưng đã mở ra triển vọng mở rộng vùng sản xuất lúa chất lượng cao dựa trên những lợi ích cũng như mong muốn của cả nông dân và doanh nghiệp.

 

Nhiều triển vọng về khả năng mở rộng vùng sản xuất lúa chất lượng cao.
Nhiều triển vọng về khả năng mở rộng vùng sản xuất lúa chất lượng cao.

Thời gian qua, Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT) đã xây dựng dự án phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao của tỉnh. Tuy vẫn còn không ít khó khăn nhưng đã mở ra triển vọng mở rộng vùng sản xuất lúa chất lượng cao dựa trên những lợi ích cũng như mong muốn của cả nông dân và doanh nghiệp.

Dự án “xây dựng, phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017- 2020” thực hiện năm 2020 với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao trên địa bàn 5 huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Mang Thít và Long Hồ. Quy mô diện tích 848,33ha.

Qua khảo sát thực tế của Ban quản lý dự án, có 7 xã của 4 huyện người dân đồng thuận tham gia dự án xây dựng vùng lúa chất lượng cao, cụ thể: xã Hòa Hiệp và xã Phú Lộc (Tam Bình), xã Trung An, Trung Ngãi (Vũng Liêm), Phú Đức (Long Hồ). Diện tích thực hiện 694,1ha, với 740 hộ tham gia.

Riêng huyện Trà Ôn thực hiện tại 2 xã là Thiện Mỹ và Tân Mỹ nhưng khi triển khai thực hiện chỉ có xã Thiện Mỹ tham gia, còn xã Tân Mỹ không tham gia do không thống nhất được giống canh tác và đã có đơn xin không tham gia dự án nên ban quản lý dự án xin chuyển diện tích xã Tân Mỹ sang xã khác. Xã Trung An (Vũng Liêm) không canh tác do hạn mặn nên không triển khai được ở vụ Hè Thu nên chuyển sang thực hiện ở vụ Thu Đông. Xã Phú Lộc (Tam Bình) xin tiếp nhận diện tích là 54,23ha chuyển từ xã Tân An Hội (Mang Thít) nhưng do thời vụ giữa 2 địa phương lệch nhau nên xã Phú Lộc thực hiện ở vụ sau.

Theo ông Nguyễn Tiến Anh- Trưởng Trại Lúa giống, sự đồng thuận của nông dân trong vùng triển khai dự án cũng như sự tham gia của doanh nghiệp thu mua góp phần làm giá lúa được ổn định hơn không gây áp lực về giá và người dân an tâm sản xuất.

Tuy nhiên, do đặc thù của dự án mỗi người dân chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần, nên trong công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng tình tham gia dự án là khó khăn, mất nhiều thời gian và nhất là ở vùng ít sử dụng những giống lúa dòng OM, như xã Tân An Hội (Mang Thít) chuyên sản xuất lúa tròn ML202.

Trong khi đó, giá thương phẩm thu mua của giống lúa tròn ML202 luôn cao hơn giống lúa chất lượng cao OM 6976 (tại xã Tân An Hội) nên khả năng cạnh tranh và duy trì sản xuất giống lúa chất lượng cao tại huyện Mang Thít gặp khó khăn.

Tham gia sản xuất lúa chất lượng cao, ông Nguyễn Văn Hoàng (xã Phú Đức- Long Hồ) nêu kiến nghị: Thời gian qua, người dân có nhu cầu sản xuất một số giống lúa chất lượng cao nhưng giá giống lại khá cao nên khả năng tiếp cận của người dân đối với một số chủng loại giống lúa còn hạn chế.

Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Anh cho rằng do còn yếu tố bản quyền lúa giống nên thời gian qua người dân có nhu cầu nhiều giống lúa chất lượng cao như: OM 18, Đài Thơm 8, Hương Châu 6,… nhưng dự án không thể cung ứng nên một số nơi dự án không thể triển khai do chưa đáp ứng được nhu cầu này.

Trong quá trình triển khai dự án, khâu liên kết giữa doanh nghiệp cung ứng vật tư và người dân có lúc vẫn chưa thông, nhất là những xã chưa có hợp tác xã, trong khi doanh nghiệp cung ứng vật tư không thể ký hợp đồng với từng hộ dân. Chưa kể, khâu liên kết tiêu thụ đôi lúc cũng chưa có tiếng nói chung vì có nơi người dân còn giữ thói quen bán lúa thông qua cò lúa khi có biến động giá lúa.

Tuy vậy, thực tế xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa trong vụ Hè Thu giữa nông dân và công ty lương thực, thương lái thu mua. Nông dân tự thỏa thuận và chọn đơn vị thu mua với 100% lúa chất lượng cao trong dự án được tiêu thụ hết.

Phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao tạo điều kiện hình thành chuỗi liên kết- tiêu thụ giữa nông dân- doanh nghiệp.
Phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao tạo điều kiện hình thành chuỗi liên kết- tiêu thụ giữa nông dân- doanh nghiệp.

Theo nông dân Lê Văn Út (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn), dự án mang lại nhiều lợi ích khi người nông dân được tiếp cận giống lúa chất lượng cao, có nguồn gốc được kiểm định, kiểm nghiệm và công nhận, được hướng dẫn kỹ thuật, giá bán ổn định, có hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ và luôn cao hơn ngoài mô hình. Từ những lợi ích trên, sau khi kết thúc dự án, dù không có hỗ trợ thì ông Út vẫn tiếp tục làm lúa chất lượng cao để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Nguyễn Tiến Anh cho biết thêm, nhu cầu tham gia dự án của nông dân còn rất lớn. Trong khi đó doanh nghiệp cũng mong muốn có vùng lúa chất lượng cao với diện tích lớn để thu mua. Triển vọng về khả năng mở rộng vùng sản xuất lúa chất lượng cao là hoàn toàn khả thi từ những lợi ích và mong muốn của cả nông dân và doanh nghiệp.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh