Tổ chức sản xuất là một trong những tiêu chí có vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), là nền tảng để đưa nông hộ vào kinh tế tập thể (KTTT) và góp phần thực hiện các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm… Xác định rõ điều đó, huyện Tam Bình đã nỗ lực đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Các mô hình kinh tế tập thể đã và đang đóng góp tích cực trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. |
Tổ chức sản xuất là một trong những tiêu chí có vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), là nền tảng để đưa nông hộ vào kinh tế tập thể (KTTT) và góp phần thực hiện các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm… Xác định rõ điều đó, huyện Tam Bình đã nỗ lực đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Phát triển về số lượng và chất lượng
Từ vụ Hè Thu năm 2016, nông dân xã Mỹ Lộc sản xuất lúa hữu cơ với sự tham gia của “4 nhà” tạo thành chuỗi liên kết, được Saigon Co.op thu mua với giá hợp lý, cao hơn thị trường tại thời điểm 1.500- 2.000 đ/kg lúa tươi, đem lại lợi nhuận cho nông dân hơn 32 triệu đồng/ha.
“Những năm đầu, khi mới trồng lúa hữu cơ, năng suất thấp hơn so với bên ngoài. Song, nhờ xài phân hữu cơ lâu dài nên đất được cải thiện, cộng với thời tiết thuận lợi nên vụ Đông Xuân vừa rồi nông dân trồng lúa rất trúng, bình quân 8,7 tấn/ha. Vụ Hè Thu khoảng 7 tấn/ha”- ông Dương Văn Thành- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Tiến- kể và thông tin thêm: HTX hiện có 62 thành viên tham gia trồng lúa hữu cơ trên tổng diện tích 33,85ha. Khi mới chuyển từ sản xuất lúa hữu cơ sang vô cơ, nông dân còn băn khoăn khi thấy trà lúa không “phược” như lúa vô cơ nên… “nóng lòng”, một số hộ đã lén rải phân vô cơ. Tuy nhiên, sau khi tuyên truyền, giải thích về “chữ tín” trong hợp đồng, thì vấn đề này không còn xảy ra.
Trước đây, nông dân sản xuất lúa 3 vụ, nên bước đầu khi vận động bà con tham gia mô hình sản xuất lúa 2 vụ hết sức khó khăn. Song, “qua thời gian nông dân đã thấy được lợi ích về môi trường được cải thiện, sức khỏe được nâng lên, thủy sản xuất hiện nhiều trên ruộng lúa nên bà con phấn khởi và hưởng ứng nhiều”- ông Dương Văn Thành cho biết.
Theo ông Lê Ngọc Đức- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình, trong sản xuất nông nghiệp đã dần hình thành sự liên kết giữa các hộ dân, từng bước chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa, tạo ra chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm. Thông qua chương trình xây dựng NTM, đã có HTX, doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, các mô hình này ngày càng phát triển theo hướng tích cực.
Giai đoạn 2015- 2020, KTTT huyện Tam Bình phát triển về số lượng và chất lượng, đã xây dựng được 3 làng nghề, nâng toàn huyện có 14 làng nghề; 281 tổ hợp tác với trên 23.200 thành viên. Các mô hình này khi có điều kiện sẽ thành lập HTX. Hiện, toàn huyện có 20 HTX, tăng 10 HTX so năm 2015.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, có 14 HTX nông nghiệp và 210 tổ hợp tác, sản xuất trên 900ha đất trồng màu, 3.000ha trồng cây ăn trái và 14.641ha lúa, chiếm 90% diện tích trồng lúa của huyện, năng suất lúa trung bình đạt 7,19 tấn/ha, giá trị sản xuất trên cùng đơn vị đạt 133,2 triệu đồng/ha/năm.
Các HTX, tổ hợp tác thực hiện tốt việc cung ứng các dịch vụ sản xuất như: cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật và thành lập các tổ dịch vụ bón phân, xịt thuốc, vận chuyển,…
Qua đó, thu hút giải quyết việc làm cho trên 23.200 lao động. Bên cạnh, còn đứng ra liên kết với các doanh nghiệp, công ty ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, khắc phục trường hợp bị ép giá qua khâu trung gian hay “được mùa mất giá”.
Huyện Tam Bình hiện có 10 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Mỹ Lộc), theo lộ trình đến cuối năm nay có thêm 2 xã về đích NTM, nâng tổng số lên 12/16 xã, chiếm 75%. |
Cần tăng khả năng tiếp cận thị trường
Theo quy định, để xây NTM đạt tiêu chí tổ chức sản xuất thì: xã phải có HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012; xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.
Đồng chí Lê Tiến Dũng- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tam Bình- cho rằng: Luật HTX 2012 chủ yếu vì lợi ích cộng đồng, không đặt nặng việc tối ưu hóa lợi nhuận, chủ yếu là làm thế nào để HTX trang trải, hoạt động được. Tuy nhiên, theo quy định, HTX hoạt động có hiệu quả thì phải chứng minh được tỷ lệ lợi nhuận tăng bình quân năm sau cao hơn năm trước ít nhất 10%. Đây là sức ép không nhỏ, nhất là đối với HTX nông nghiệp vì còn phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết, chịu tác động bởi dịch bệnh, thiên tai, chi phối bởi thị trường về giá cả đầu vào, đầu ra…
Cùng với đó, nhận thức một số cán bộ, đảng viên về KTTT chưa sâu, chưa xác định là nhiệm vụ cần thực hiện; một bộ phận nông dân chưa tính đến chiến lược lâu dài, ngại tham gia HTX. Song, cũng phải nhìn nhận thực tế là: trình độ, năng lực quản lý điều hành, xây dựng kế hoạch sản xuất- kinh doanh của các HTX có mặt còn yếu, chưa linh hoạt; một số HTX chưa có khả năng tiếp nhận công nghệ cao, tìm kiếm thị trường tiêu thụ; việc liên kết giữa HTX với HTX và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm còn ít.
Thời gian qua, số lượng HTX thành lập mới tăng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội; quy mô HTX nhỏ, thành viên ít, vốn điều lệ thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao. Vẫn còn HTX hoạt động chưa hiệu quả, dẫn đến giải thể. Việc tiếp cận các chính sách, nguồn vốn ưu đãi để phát triển HTX còn khó khăn.
Song song đó, bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX còn thiếu, nhất là cấp huyện và xã, cán bộ phụ trách đa phần là kiêm nhiệm, chưa qua trường lớp đào tạo. Thành viên BCĐ phát triển KTTT huyện, xã, nhất là các đồng chí phụ trách các ngành, bộ phận, có khi chưa dành thời gian thích hợp để quan tâm nghiên cứu góp phần pháp triển KTTT; trong chỉ đạo, vận động có lúc phối hợp chưa nhịp nhàng đồng bộ.
Bí thư Huyện ủy Tam Bình Lê Tiến Dũng cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho KTTT phát triển nhất là HTX nông nghiệp, cần có chính sách, quy định thông thoáng hơn trong việc tiếp cận quỹ hỗ trợ phát triển HTX để đầu tư mở rộng sản xuất- kinh doanh.
Hàng năm, cần ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ HTX trong xây dựng mô hình, chuyển đổi công nghệ, mở rộng quy mô hoạt động, tạo điều kiện để HTX vươn lên, hoạt động ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Bên cạnh, “cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu để nâng giá trị sản phẩm, tăng khả năng tiếp cận thị trường trong thời kỳ hội nhập”- Bí thư Huyện ủy Tam Bình Lê Tiến Dũng đề xuất.
Đồng chí Trần Công Khánh- Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc Đảng bộ xã quyết tâm giữ vững và phát triển mô hình lúa sạch có liên kết cung ứng dịch vụ và bao tiêu sản phẩm đạt 150ha (năm 2025) theo chỉ tiêu nghị quyết Huyện ủy, Đảng ủy đề ra. Theo đó, quan tâm xây dựng HTX hoạt động hiệu quả, tạo được tin tưởng của người dân. Chú trọng vai trò chủ động của hội đồng quản trị trong việc dẫn dắt HTX tìm đối tác, mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động hợp tác, hợp đồng sản xuất- kinh doanh… tạo ra thu nhập, mang nhiều lợi ích và không ngừng nâng cao đời sống cho thành viên. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh như ưu tiên về vốn, kỹ thuật, đầu tư hệ thống kênh mương tưới tiêu…. Đối với các doanh nghiệp, ngoài bao tiêu sản phẩm chính là lúa hữu cơ, cần mở rộng bao tiêu hoa màu, thủy sản (của mùa thứ 3) để tạo thêm kênh thu nhập cho xã viên và an tâm thực hiện mô hình. |
Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin