Để thực hiện ước mơ khởi nghiệp: Đừng chùn bước, đừng sợ hãi

05:11, 12/11/2020

Không có con đường khởi nghiệp nào trải hoa hồng. Nếu muốn khởi nghiệp thì trước hết hãy cố gắng làm hết lòng, hết tâm. Nghĩ vậy, nên đã có không ít người thành công trên con đường khởi nghiệp khi dám mạnh dạn theo đuổi ước mơ của mình, dù biết chắc rằng đó là điều không hề dễ dàng.

Không có con đường khởi nghiệp nào trải hoa hồng. Nếu muốn khởi nghiệp thì trước hết hãy cố gắng làm hết lòng, hết tâm. Nghĩ vậy, nên đã có không ít người thành công trên con đường khởi nghiệp khi dám mạnh dạn theo đuổi ước mơ của mình, dù biết chắc rằng đó là điều không hề dễ dàng.

Vườn dưa lưới của chị Hiền hút khách tham quan chụp ảnh và mua dưa.
Vườn dưa lưới của chị Hiền hút khách tham quan chụp ảnh và mua dưa.

Khởi nghiệp- con đường khó đi

Con đường khởi nghiệp thường không suôn sẻ vì những ý tưởng, dự án mới đưa vào hiện thực đã khó mà tìm đầu ra, vốn liếng,… để thực hiện càng khó khăn hơn.

Chị Lê Ngọc Hiền (xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long) cho rằng hành trình khởi nghiệp của thanh niên còn nhiều gian nan. Việc tiếp cận các kênh ủng hộ, hỗ trợ của cơ quan nhà nước, chính quyền thực tế không dễ, đòi hỏi bản thân người khởi nghiệp phải luôn năng động và chịu khó tìm hướng tiếp cận phù hợp.

Nói về vườn dưa lưới của mình, chị Hiền cũng gặp không ít khó khăn khi gần đến ngày thu hoạch lại ngay đợt dịch COVID-19. Chị Hiền nói: “Lúc đó đang cách ly toàn xã hội, nỗi lo của tôi lớn dần như dưa lưới lớn vậy. 5 tấn dưa, biết đầu ra ở đâu?”

May mắn cho chị Hiền là khi hết cách ly và kéo giảm giãn cách xã hội thì đúng đợt dưa lưới vào vụ.

“Biết tâm lý mọi người lâu rồi chưa được vi vu nên tôi vừa bán dưa kết hợp du lịch cho khách chụp hình, ăn dưa tại vườn nhưng vẫn tuân thủ nghiêm các biện pháp cách ly, đồng thời bán dưa online. Nhờ vậy mà tôi bán hết 5 tấn dưa lưới trong 1 tuần”- chị Hiền chia sẻ.

Theo nhiều người theo đuổi con đường khởi nghiệp, mỗi sản phẩm khởi nghiệp ra lò là một quá trình với nhiều khó khăn, đòi hỏi người khởi nghiệp phải có đủ kiên nhẫn, đam mê.

Cô Ngô Song Đào (Bến Tre)- người đã nghiên cứu và cho ra đời nhang sinh học Thiên Phúc- cho biết: “Công đoạn quan trọng nhất trong sản xuất nhang sinh học là điều chỉnh độ nén của máy. Công thức không được sai, khi làm sai hàm lượng thì sản phẩm sẽ ra không như mong muốn, để có sản phẩm như ngày nay, tôi đã đổi công thức 16 lần”.

Trải qua không ít lần thất bại, lươn giống không sinh sản, tiêu tốn không ít vốn liếng nhưng anh Lê Minh Hiếu (xã Hiếu Thuận- Vũng Liêm) vẫn không bỏ cuộc. Đến nay, sau hơn 3 năm, anh đã từng bước thành công và mở rộng mô hình.

Hiện tại anh đã trở thành ông chủ của trại lươn giống quy mô nuôi hơn 1ha, với gần 100 bể lươn bố mẹ, 50 bể lươn giống và 40 bể lươn thương phẩm.

Anh Hiếu tâm sự: “Lúc mới khởi nghiệp cũng lo lắng vì không có kiến thức, sợ thất bại rồi trắng tay. Nhưng làm rồi đam mê, mình tự mày mò học, dần dần cũng tìm được kỹ thuật ương lươn giống. Tôi nghĩ chỉ cần có quyết tâm, không ngại khó khăn thì dù ở quê nhà vẫn có thể khởi nghiệp thành công”.

Không nản sau thất bại

Con đường khởi nghiệp khó khăn cần sự kiên trì, lòng say mê của người khởi nghiệp. Trong ảnh: Khởi nghiệp với đồ gỗ Meo Meo của vợ chồng anh Nguyễn Văn Sol.
Con đường khởi nghiệp khó khăn cần sự kiên trì, lòng say mê của người khởi nghiệp. Trong ảnh: Khởi nghiệp với đồ gỗ Meo Meo của vợ chồng anh Nguyễn Văn Sol.

Khởi nghiệp ở tuổi 40, chị Nguyễn Thị Thanh Loan- Chủ hộ kinh doanh Kim Chi Loan’s (ấp Tân Lộc, xã Tân Lược- Bình Tân) cho rằng: Khi khởi nghiệp, tâm phải luôn vững. Biết mình đang làm gì và lý do vì sao mình chọn con đường này, có như vậy mỗi khi gặp khó khăn, thử thách thì mới có thể tự tin “vượt chướng ngại vật”.

Và hơn hết là đừng e sợ thất bại vì thành công thường đi đôi với thất bại. Tôi đã phải trải qua không biết bao nhiêu lần thất bại mới được thành công bước đầu như hôm nay. Dần dần, tôi đã học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nhiều hơn và xây dựng việc kinh doanh của mình tốt hơn”.

Văn Hữu Tài bền chí, quyết tâm theo đuổi ước mơ “xanh xanh”.
Văn Hữu Tài bền chí, quyết tâm theo đuổi ước mơ “xanh xanh”.

Từng không ít lần “hơi nản” do “chưa thành công” trong việc nuôi trồng tảo, nhưng Văn Hữu Tài- Chủ hộ kinh doanh Tảo xoắn Mê Kông (ấp Tân Nhơn, xã Tân Hạnh- Long Hồ) vẫn không nản chí mà vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ “xanh xanh”. Tài cho hay: Thành công nào mà không trải qua đôi lần, thậm chí vài chục lần thất bại. Nhưng đã chọn thì phải bền chí.

Khởi nghiệp với dòng trà dược liệu, Nguyễn Hoàng Huy Lộc- Chủ Cơ sở sản xuất trà đinh lăng Trường Ái (xã Phú Đức- Long Hồ) cũng cho biết: Khi khởi nghiệp, muốn thành công ngoài chất lượng sản phẩm thì cần phải có đam mê, xem sản phẩm là đứa con tinh thần, xác định rõ để đưa sản phẩm đến đâu, nhu cầu thị trường thế nào. Đồng thời phải không ngại khó, thách thức để đi đến thành công.

Phải vạch ra đích đến, đường đi, từng chặng từng chặng một phù hợp với nguồn lực bản thân. Người khởi nghiệp phải kiên định với con đường ấy, đừng sợ, đừng quá hoang mang khi tự đi một mình.

“Để đảm bảo chuẩn bị tốt nhất khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh cần phải nghiên cứu thị trường, xác định khách hàng mục tiêu. Phải trả lời được câu hỏi vì sao họ lại mua sản phẩm của mình mà không mua sản phẩm cùng loại khác, sản phẩm mình có gì khác biệt, khách hàng được lợi gì?

Ngoài ra, trước khi khởi nghiệp kinh doanh cũng cần nghiên cứu học hỏi từ đối thủ cạnh tranh. Việc này giúp bản thân tránh đi vào những sai lầm cũ của họ và tìm được hướng đi mới, khác biệt. Tuy nhiên, đừng cạnh tranh với ai cả mà hãy cạnh tranh với bản thân mình, đừng bị quá ám ảnh bởi đối thủ cạnh tranh. Trước hết cứ nỗ lực hết mình”- Văn Hữu Tài cho biết thêm.

ThS. Nguyễn Quốc Thái- giảng viên Trường ĐH Cửu Long- chia sẻ: Phải làm sao để các sinh viên hiểu rằng khởi nghiệp là một lựa chọn và đổi mới sáng tạo là một điều bức thiết. Dấn thân vào cái mới chưa bao giờ là điều dễ dàng. Bằng chính hành động của mình, kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, tôi mong muốn sinh viên sẽ năng động hơn, chủ động hơn trên con đường sau này khi bắt đầu con đường khởi nghiệp, có thêm kinh nghiệm cho bản thân, đồng thời góp phần tạo động lực để sinh viên đưa ra những ý tưởng khởi nghiệp khác.

Bài, ảnh: HUYỀN LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh