Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thương trường đặt ra bài toán và đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải có chiến lược phát triển kinh doanh, xây dựng thương hiệu phù hợp để tồn tại và phát triển.
Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thương trường đặt ra bài toán và đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải có chiến lược phát triển kinh doanh, xây dựng thương hiệu phù hợp để tồn tại và phát triển.
Du lịch Vĩnh Long đã và đang xây dựng thương hiệu đủ sức cạnh tranh trên thị trường. |
Chưa quan tâm xây dựng thương hiệu
Từ nhiều năm trước, UBND tỉnh đã chú trọng việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho DN bằng nhiều chương trình thiết thực.
Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành đề án “Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013- 2015”, tiếp đến là ban hành đề án “Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”.
Gần đây là thực hiện theo Nghị quyết 05- NQ/TU ngày 26/7/2016 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020 và Quyết định số 1715 QĐ- UBND ngày 11/8/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ đợt 4 năm 2017- 2018, trong đó có đề tài “Xây dựng và phát triển thương hiệu DN tỉnh Vĩnh Long”.
Từ các căn cứ đó, Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp kết hợp với Viện Quản trị Quốc tế đã hỗ trợ các DN xây dựng chiến lược thương hiệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013- 2017.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện Quản trị Quốc tế, DN trên địa bàn tỉnh có 41% DN không có nhân sự chuyên môn, có đến 27% DN không có kiến thức marketing nên chưa biết cách triển khai, 28% DN gặp khó khăn do không có ngân sách làm marketing (có đến 74% DN dành ít hơn 50 triệu đồng cho marketing hàng năm).
Vĩnh Long hiện có hơn 900 văn bằng bảo hộ, tuy nhiên số lượng DN (chiếm 76%) chưa có chiến lược kinh doanh bài bản, chưa lập kế hoạch kinh doanh hàng năm, không có người chuyên trách làm thương hiệu, chưa có hệ thống nhận diện thương hiệu… là những lý do chính dẫn đến việc Vĩnh Long chưa nhiều thương hiệu mạnh nằm trong nhóm thương hiệu quốc gia. Số thương hiệu DN chủ yếu chỉ phục vụ cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh vùng ĐBSCL.
Thương hiệu mạnh- bài toán cạnh tranh bền vững
Hiện Vĩnh Long đã có một số thương hiệu mạnh có khả năng cạnh tranh cấp vùng, quốc gia. Ảnh minh họa |
Theo Th.S Nguyễn Thanh Tân- Viện trưởng Viện Quản trị Quốc tế, đối với DN Vĩnh Long, có 63% DN được khảo sát có nhân sự phụ trách marketing chưa qua đào tạo chuyên môn. Đây là rào cản về xây dựng thương hiệu và phát triển thương hiệu tại DN của tỉnh.
Đồng thời đa số DN chưa quan tâm nhiều về cách xây dựng uy tính thương hiệu, mặc dù đây là bài toán cho các DN cạnh tranh bền vững trên thị trường.
Th.S Nguyễn Thanh Tân lấy ví dụ, ngay từ những ngày đầu khảo sát, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho bún Ba Khánh, khi đó giá trị thương hiệu chỉ ở khoảng 1 triệu USD. Nhưng hiện nay, giá trị của thương hiệu này có thể đã vượt qua con số 2 triệu USD và sản phẩm đã có thể vươn ra xa khỏi địa bàn tỉnh, khu vực ĐBSCL.
Theo Th.S Nguyễn Thanh Tân, đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu DN tỉnh Vĩnh Long” được giao cho Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Quản trị Quốc tế thực hiện từ tháng 6/2018 đến hết tháng 5/2020, đã giúp triển khai ứng dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trong và nước ngoài.
Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản, làng nghề, sản phẩm chế biến và xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Đến nay, tỉnh đã có một số thương hiệu được đề cử xét chọn “Thương hiệu mạnh Vĩnh Long năm 2019- 2020” như gạo Phước Thành, bún Ba Khánh, bột mì Đại Nam, nước mắm Gia Hỷ, cam sành Khánh Nhân, vận tải Phú Vĩnh Long, du lịch Cửu Long, nước chấm Hòa Hiệp, chả lụa Thành Công, cơm sấy
Nhật Quỳnh,…
Theo kế hoạch, để đạt được mục tiêu có ít nhất 20 DN của tỉnh đạt được thương hiệu mạnh có khả năng cạnh tranh cấp vùng, quốc gia thì một trong những yếu tố quan trọng trước nhất đó là từng DN của tỉnh cần xây dựng chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho DN mình.
Trong khi đó, Th.S Nguyễn Thanh Tân đề xuất các DN cần đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng công nghệ mới; xây dựng chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu; tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, sản phẩm, cạnh tranh, quảng bá;… Đồng thời đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn marketing.
Mục tiêu của đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu DN tỉnh Vĩnh Long” đến năm 2020 có mục tiêu tổng quát là có ít nhất 20 DN của tỉnh đạt được thương hiệu mạnh có khả năng cạnh tranh cấp vùng, quốc gia. Cụ thể, có 80% DN tham gia xây dựng thương hiệu; 50% DN có kế hoạch phát triển thương hiệu và có nhân sự chuyên trách hoạt động marketing/thương hiệu. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin