Hàng xách tay là những mặt hàng được sản xuất hoặc phân phối tại thị trường nước ngoài, được các cá nhân (người đi du lịch, công tác ở nước ngoài…) mua trực tiếp và mang về Việt Nam.
Bán hàng xách tay không có hóa đơn được bán tràn lan trên thị trường. |
Hàng xách tay là những mặt hàng được sản xuất hoặc phân phối tại thị trường nước ngoài, được các cá nhân (người đi du lịch, công tác ở nước ngoài…) mua trực tiếp và mang về Việt Nam.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/10 quy định hàng nhập lậu gồm hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu.
Hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan.
Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo... cũng được xếp vào diện hàng lậu.
Bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo như quy định, không làm thủ tục hải quan... cũng bị xác định là hàng hóa nhập lậu và bị xử phạt. Câu hỏi đặt ra là việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đã đủ mạnh để ngăn chặn hàng lậu núp bóng hàng xách tay hay chưa?
Tại phố Hàng Buồm, thành phố Hà Nội, người tiêu dùng không khó để hỏi mua các mặt hàng rượu, sữa bột xách tay. Giá hàng “xách tay” thường rẻ hơn hàng công ty nên được nhiều người tiêu dùng chọn lựa.
Mặt hàng này luôn được quảng cáo là “sản phẩm chính hãng, sản xuất tại nước ngoài tiêu thụ ở thị trường nội địa, được vận chuyển về nước theo đường hàng không” nên đã thu hút được sự quan tâm của không ít người tiêu dùng.
Một người bán hàng giới thiệu: "Hàng của chị là hàng xách tay 100%, người nhà ở bên Mỹ gửi về. Đã xách tay thì làm gì có hóa đơn chứng từ. Em cứ về dùng đi rồi sẽ biết chất lượng tốt như thế nào”.
“Cứ về dùng đi rồi sẽ biết chất lượng?”. Câu khẳng định của người bán hàng khiến cho nhiều khách hàng không khỏi hoang mang. Hàng hóa không xuất xứ, không giấy tờ, không ai kiểm định thì chất lượng dựa trên tiêu chí nào?
Như vậy, có thể nói, khi mua hàng xách tay đồng nghĩa với việc người tiêu dùng bước vào một thỏa thuận giao dịch khá bất lợi và mang tính may rủi.
May thì được sản phẩm tốt, phù hợp; rủi thì gặp phải sản phẩm kém chất lượng hoặc nguy cơ hàng gian, hàng giả cao...
Hiện, hàng xách tay vẫn phổ biến là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, quần áo thời trang... Phương thức bán hàng online thường được các chủ shop lựa chọn. Các “chủ shop” sẽ chụp hình, quay clip món hàng, đưa ra giá, những người có nhu cầu sẽ để lại lời nhắn và sẽ được giao dịch qua mạng.
Không quan tâm đến Nghị định xử phạt hàng lậu, hàng giả, một chủ shop mỹ phẩm xách tay bán online cho biết hàng của mình là chính hãng và cho rằng uy tín của shop mới là quan trọng, chứ hóa đơn chứng từ vẫn có thể làm giả được. "Em bán hàng bao năm rồi, uy tín. Hàng của em là hàng có chất lượng, chả ai xem hóa đơn bao giờ”
Tâm lý chung của người tiêu dùng khi mua hàng xách tay đều đặt niềm tin vào người bán rằng hàng do người thân của họ ở nước ngoài gửi về nên rất khó để xác định được đó là hàng thật, hàng giả hay hàng lậu.
Những người bán hàng nhái thường sử dụng chiêu trò giảm giá để giải thích cho mức giá rẻ của các sản phẩm nhái, nhiều người do ham rẻ đã bị mắc lừa dẫn đến hậu quả tiền mất, tật mang.
Bà Lê Thị Hương ở quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội cho biết: "Hàng xách tay giá rẻ hơn thật, nhưng chất lượng đến đâu thì khó kiểm định được. Tôi khuyên người tiêu dùng nên cân nhắc trước khi mua. Nhà nước cũng cần quản lý chặt chẽ hơn hàng hóa xách tay, không để lọt hàng lậu, hàng kém chất lượng”.
Hiện thị trường hàng xách tay hoạt động công khai, tràn lan không phải chỉ là trong một, hai năm gần đây mà đã diễn ra trong nhiều năm nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, xử phạt hành chính theo Nghị định 98 cũng là một biện pháp, nhưng cũng đã đến lúc cần xử lý hình sự với những trường hợp cố tình vi phạm hoặc vi phạm với số lượng lớn
“Khi chúng ta phạt 200 triệu đồng cho tổ chức có hành vi bán hàng lậu, thì hàng lậu đã vào bụng nhân dân rồi và nguồn lợi nhuận người bán thu về có thể đã 2 tỉ đồng. Nên tôi nhấn mạnh, phải quản cửa gốc, con người thực thi có cương quyết không hay vì lý do nào đó lại “cởi mở” với hàng vi phạm?
Thứ hai, hình thức phạt bổ sung phải rút giấy phép kinh doanh, kể cả xử tù việc mua bán kinh doanh hàng lậu chứ không phải buôn lậu có giá trị lớn mới hình sự hóa” - chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Vũ Vinh Phú, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho rằng, xử phạt là một chuyện nhưng các biện pháp phòng ngừa mới là quan trọng. Các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, xử phạt hành chính chỉ là một kênh để hạn chế buôn lậu, buôn bán hàng hóa trái pháp luật nhằm ngăn chặn vi phạm về thuế, từ đó ngăn thất thoát nguồn thu thuế từ hoạt động thương mại. Để xử lý được tận gốc tình trạng này, cần đồng bộ chính sách từ thương mại, thị trường đến thuế, hải quan...
Với mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng, ngoài sự cố gắng nố lực của Chính phủ, các cơ quan chức năng thì rất cần sự chung tay phối hợp của người bán hàng, các doanh nghiệp và của chính mỗi người tiêu dùng./.
Theo Thúy Hà/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin