Muốn lên sàn "online", doanh nghiệp cần làm gì?

09:10, 16/10/2020

Hiện nay, bán và mua hàng qua kênh online là xu hướng tiêu dùng của rất nhiều người. Vậy cơ sở, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), cần làm gì? Có phải chỉ cần giới thiệu vài dòng cùng hình ảnh của sản phẩm là lên sàn được? Thực tế, để tham gia "sân chơi" này, còn nhiều vấn đề DN cần phải lưu ý.

 

Để có thị trường tiêu thụ vững, doanh nghiệp cần thực hiện bán hàng song song giữa kênh bán hàng truyền thống và kênh online.
Để có thị trường tiêu thụ vững, doanh nghiệp cần thực hiện bán hàng song song giữa kênh bán hàng truyền thống và kênh online.

Hiện nay, bán và mua hàng qua kênh online là xu hướng tiêu dùng của rất nhiều người. Vậy cơ sở, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), cần làm gì? Có phải chỉ cần giới thiệu vài dòng cùng hình ảnh của sản phẩm là lên sàn được? Thực tế, để tham gia “sân chơi” này, còn nhiều vấn đề DN cần phải lưu ý.

Dễ mà khó

Chị Phạm Thị Phượng- Chủ hộ kinh doanh sản xuất Vân Phượng (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) cho biết: “Thông qua trang website, sàn TMĐT, cơ sở có thể tiến hành giao dịch điện tử, tìm được thị trường tiêu thụ với nhiều phân khúc khách hàng mà lại tiết kiệm được thời gian, chi phí đi đàm phán, cũng như giảm bớt các khâu phân phối trung gian.

Chỉ cần gõ tìm kiếm: “mutvobuoisayvanphuong.com” là khách hàng có thể dễ dàng tìm hiểu những thông tin và sản phẩm, tiện lợi cho cả đôi bên”.

Không thể phủ nhận những hiệu quả, lợi ích mang lại người kinh doanh khi tham gia bán hàng trên các sàn giao dịch TMĐT. Bởi, theo nhiều DN, xu hướng trong tương lai, internet sẽ dần thay đổi việc trao đổi mua bán các sản phẩm, dịch vụ như truyền thống. Nếu như chậm thay đổi, không bắt kịp xu hướng thì rất khó tồn tại.

Một số DN cho rằng khi tham gia kênh bán hàng online, không cần đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất, chỉ cần trang bị hệ thống máy tính kết nối mạng ổn định, có thể in và xử lý đơn hàng qua hệ thống, có nhân viên đăng thông tin sản phẩm và xử lý đơn là được! Thực tế, có phải đơn giản như vậy?

Câu trả lời là không. Bởi, “sân chơi” này đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, có chiến lược thực hiện hẳn hoi. Theo nhiều người, kinh doanh online, không phải bất cứ ai “tay ngang” cũng đều đạt được những thành công.

Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, mẫu mã sản phẩm bắt mắt đòi hỏi người kinh doanh phải nhạy bén và chịu tiếp thu. Khi đã “lấn sân” vào lĩnh vực này, đồng nghĩa đang “dấn thân” vào một cuộc chiến mới.

Điều này lại không hề dễ dàng với các cơ sở, DN nhỏ, hợp tác xã hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu do không ít DN, hợp tác xã trên địa bàn có quy mô nhỏ, chưa chú trọng đến ứng dụng công nghệ thông tin và TMĐT trong điều hành, quản lý.

Nhiều DN, hợp tác xã khả năng tài chính có hạn, thiếu nguồn nhân lực để có thể quản lý và ứng dụng TMĐT trong sản xuất kinh doanh, chỉ chủ yếu tập trung kinh doanh theo phương thức truyền thống.

DN cần làm gì để lên sàn online?

Không ít doanh nghiệp, cơ sở nhỏ đã đạt được hiệu quả bước đầu khi bán hàng online.
Không ít doanh nghiệp, cơ sở nhỏ đã đạt được hiệu quả bước đầu khi bán hàng online.

Chia sẻ về “bí quyết” truyền thông sản phẩm trên internet, chị Hoàng Thị Mai Lan- Phó Giám đốc truyền thông trực tuyến Kiến Văn Midea- có 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Digital Marketing, cho biết: “Phải nhớ rằng khách hàng xuất hiện ở đâu thì ta có mặt ở đó.

Quan trọng phải đề ra được chiến lược và ý tưởng truyền thông, làm sao để mang sản phẩm đến thật gần gũi với cuộc sống hàng ngày của khách hàng. Hãy chỉ họ cách dùng sản phẩm của bạn như thế nào, hãy cho họ thấy ai là người có thể dùng sản phẩm qua hình ảnh”.

Bên cạnh đó, theo chị Hoàng Thị Mai Lan, phải hiểu khách hàng của bạn là ai, họ muốn cái gì, tại sao họ phải mua sản phẩm của bạn và tại sao họ phải chọn bạn thay vì đối thủ, họ thường xuất hiện ở đâu, khi nào thì có thể tiếp cận họ,...

Theo nhiều DN, cơ sở, khi tham gia sàn online, kiếm được khách hàng đã khó, làm sao để giữ chân khách hàng lại càng khó hơn. Do đó, kinh doanh online là câu chuyện đòi hỏi phải thay đổi liên tục nhằm đem đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Và muốn kinh doanh lâu dài, phát triển quy mô và thành công, bên cạnh việc đặt uy tín và chất lượng lên hàng đầu, đòi hỏi người kinh doanh tìm hiểu thật kỹ, có kiến thức về xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản, xây dựng thương hiệu cá nhân, tầm nhìn, tìm hiểu thị trường,... mới có thể tiến xa hơn trên con đường này.

Bên cạnh đó, bán hàng online không phải là công việc chỉ gói gọn trong giờ hành chánh, “đăng xong để đó, ai mua thì mua” mà trên thực tế để chiều lòng “thượng đế”, phải có một “cửa hàng” trực tuyến luôn “trực sẵn” 24/7, phải kiên trì, nhẫn nại để khi khách hàng “ghé” mua bằng một cú click chuột có thể trao đổi và thắc mắc những câu hỏi về sản phẩm, chính sách giao hàng hoặc các chương trình ưu đãi, khuyến mãi,…

Song song đó, bên cạnh đầu tư về cơ sở vật chất, nhân sự theo dõi và xử lý đơn hàng, lựa chọn mô hình tham gia sàn TMĐT, đòi hỏi DN, cơ sở phải chú trọng xây dựng lòng tin của người tiêu dùng với DN trên sàn TMĐT. 

Theo đó, cần xây dựng chi tiết, mô tả cụ thể thông tin về sản phẩm, ngoài việc đăng ảnh sản phẩm, có thể sử dụng các video, clip về sử dụng sản phẩm, tạo dựng uy tín dựa trên các phản hồi từ khách hàng đã mua hàng, đã trải nghiệm sản phẩm, cung cấp đầy đủ minh chứng về hàng hóa,... Có như vậy, khách hàng mới có cơ sở tin tưởng và DN mới có thể trụ vững trên sàn online.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh