Hàng lậu, hàng giả không chỉ gây thất thu thuế, thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng. Không chỉ tuồn ra thị trường bằng con đường vận chuyển, "hợp thức hóa" bằng tem, hóa đơn chứng từ giả, mà còn núp bóng "hàng xách tay".
Hàng lậu, hàng giả không chỉ gây thất thu thuế, thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng. Không chỉ tuồn ra thị trường bằng con đường vận chuyển, “hợp thức hóa” bằng tem, hóa đơn chứng từ giả, mà còn núp bóng “hàng xách tay”.
Thời gian qua, ngành chức năng phát hiện và tiêu hủy số lượng lớn hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc. |
Hàng lậu- hàng xách tay: trắng thông tin
Tháng 8/2020, Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh N.H. (TP Vĩnh Long) đã phát hiện sản xuất hàng hóa không thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, nhãn ghi không đủ các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa và kinh doanh hàng hóa do Trung Quốc sản xuất nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Hộ kinh doanh này đã bị xử phạt hành chính 37,5 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Hay mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng vừa phạt hành chính 120 triệu đồng và tịch thu hàng hóa nhập lậu vi phạm với 2 vụ kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam và thực phẩm nhập lậu.
Đó chỉ là một vài trong số nhiều vụ vi phạm về hàng lậu bị ngành chức năng phát hiện từ đầu năm đến nay. Có thể thấy tình trạng vi phạm hàng nhập lậu vẫn còn diễn ra khá nhiều và được “hợp thức hóa” để tuồn ra thị trường.
Trong đó, lợi dụng tâm lý sính ngoại, thời gian qua các đối tượng đã sử dụng cụm từ “hàng xách tay” để đánh lừa người tiêu dùng, trà trộn để bán các mặt hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các mặt hàng gắn mác “xách tay” chủ yếu là thực phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm chức năng có xuất xứ từ Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Đó là chưa kể, hiện nay nhu cầu mua hàng online ngày càng nhiều, vô tình tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử như facebook, zalo và bưu chính để vận chuyển hàng lậu, hàng giả, nhằm qua mắt ngành chức năng.
Theo nhiều người tiêu dùng, phần lớn những sản phẩm xách tay đều có bao bì, nhãn mác nước ngoài hẳn hoi nhưng lại “trắng thông tin” dành cho người tiêu dùng trong nước bởi không có nhãn phụ hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ, không biết được chất lượng sản phẩm bên trong, thậm chí không ngày sản xuất lẫn thời gian sử dụng.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh- Lê Thanh Phong cho biết: Tình trạng kinh doanh hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng giả vẫn còn xảy ra.
Thủ đoạn của các đối tượng thường lợi dụng thương hiệu của các hãng nổi tiếng bằng cách thay đổi nhãn mác, gây sự nhầm lẫn... ảnh hưởng đến quyền lợi và an toàn sức khỏe của người tiêu dùng. Thời gian gần đây còn xuất hiện nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, lợi dụng mạng xã hội để bán hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng.
Siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra
Theo ông Lê Thanh Phong, hiện nay, hàng xách tay được rao bán nhiều trên mạng xã hội và được không ít người tiêu dùng săn đón. Không phải tất cả hàng xách tay đều kém chất lượng nhưng với thị trường phức tạp như hiện nay thì người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng gian, hàng giả, hàng lậu.
Mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.
Theo nghị định này, hàng nhập lậu gồm hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo... cũng được xếp vào diện hàng lậu. Do đó, bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo như quy định, không làm thủ tục hải quan... cũng bị xác định là hàng hóa nhập lậu.
Theo đó, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt từ 500.000đ đến 50 triệu đồng, tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt từ 1- 100 triệu đồng, tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu. Đặc biệt, mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hàng lậu còn tồn tại nhiều trên thị trường. |
Tuy nhiên, vẫn còn không ít người kinh doanh thờ ơ với nghị định này, thậm chí nhiều người còn “không hay, không biết gì”, người mua vẫn mua, người bán cứ bán.
Chị Y.- chủ một shop online chuyên bán hàng xách tay ở TP Vĩnh Long- cho hay: Có nghe phong thanh là tăng mức xử phạt xách tay nhưng cũng chưa quan tâm lắm bởi chủ yếu bán hàng nhỏ lẻ và bán cho khách quen. “Ai bán số lượng lớn, chuyên đổ sỉ mới lo chứ hàng nhỏ lẻ không có giá trị nhiều nên… chắc hổng sao!”- chị Y. nói.
Để ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của người kinh doanh chân chính và người tiêu dùng, ông Lê Thanh Phong cho biết: Thời gian tới, sẽ phối hợp tuyên truyền đến tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần nâng cao ý thức người kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong cuộc chiến chống hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại,…
Đồng thời, tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, khuyến cáo để hạn chế rủi ro khi mua hàng xách tay, nên chọn mua hàng hóa ở nơi uy tín, địa chỉ rõ ràng, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và phụ đề tiếng Việt cụ thể.
Trong quý III/2020, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 21 phương tiện xe vận tải hàng hóa, đã xử lý 9 vụ vi phạm về hàng hóa nhập lậu. Trong đó, có 3 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu, 2 cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu, 4 vụ hàng hóa không người nhận, phạt hành chính 30,8 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá trên 710 triệu đồng. |
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin