Giá trị gia tăng ngành dịch vụ trong 5 năm qua dù không đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra, song đã có đóng góp đáng kể cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương đúng hướng.
Phát triển hệ thống chợ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại. |
Giá trị gia tăng ngành dịch vụ trong 5 năm qua dù không đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra, song đã có đóng góp đáng kể cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương đúng hướng.
Đánh giá ngành chuyên môn, trong 5 năm qua với những tác động tiêu cực khách quan như: tình hình hạn mặn, dịch bệnh toàn cầu… làm môi trường sản xuất kinh doanh trong nước bị suy giảm. Trong khó khăn chung đó, Vĩnh Long ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng, kéo theo khó khăn thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP (theo giá so sánh 2010) tăng bình quân 4,93%/năm, không đạt so chỉ tiêu nghị quyết là 7,5%/ năm. Trong đó, giá trị sản xuất khu vực 1 là nông- lâm- thủy sản tăng bình quân là 2,2%/năm (chỉ tiêu là 3,5%/năm); khu vực 2 là công nghiệp, xây dựng tăng 13%/năm (chỉ tiêu là 13,7%); khu vực 3 là dịch vụ, hàng quán thực hiện 5,7%/năm (chỉ tiêu là 7,5%). Từ đó, làm cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, ảnh hưởng chỉ tiêu tăng trưởng cả nhiệm kỳ.
Song, giá trị gia tăng ngành dịch vụ dù không đạt chỉ tiêu đề ra nhưng đã có đóng góp đáng kể cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương đúng hướng. Đó là giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, gia tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ, góp phần tích cực vào định hướng phát triển trong giai đoạn tới.
Giai đoạn 2015- 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội là 228.000 tỷ đồng, tăng khoảng 8,6%/năm. Cơ cấu tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ ước đạt 44,89%. Một số ngành dịch vụ có mức tăng trưởng khá và ổn định thời gian qua là: buôn bán lẻ, thông tin và truyền thông…
Việc chủ động trong kết nối cung cầu đã góp phần rất lớn tiêu thụ sản phẩm địa phương. Hệ thống thương mại, chợ, siêu thị rộng khắp góp phần bình ổn giá cả, đầu cơ găm hàng xảy ra, nhất là trong các dịp lễ, tết.
Ông Phạm Tứ Phương- Giám đốc Sở Công thương- cho biết, thời gian qua, sở đã phối hợp với các sở ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản như tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, kết nối giao thương với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… để tìm kiếm thị trường cung ứng hàng hóa nông sản; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản tham gia các chương trình xúc tiến thương mại ở nước ngoài; hỗ trợ máy móc sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; xây dựng nâng cấp phát triển hệ thống chợ, phát triển các hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 115 chợ, 6 siêu thị, 37 cửa hàng Bách hóa xanh… đã thúc đẩy thương mại phát triển ổn định. Bên cạnh, hoạt động xuất nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Giai đoạn 2015- 2020, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng 12,72%/năm. Riêng năm 2020 ước đạt 550 triệu USD, vượt chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tứ Phương thì việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh vẫn chưa xứng tầm, kim ngạch xuất khẩu nông sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh còn thấp. Hệ thống hạ tầng thương mại trong chuỗi cung ứng các sản phẩm nông sản còn hạn chế và chưa có sự gắn kết chặt chẽ. Hạ tầng logistics mới phát triển nên chưa hình thành rõ nét từ đó ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp, thời gian vận chuyển, bảo quản hàng nông sản.
Tỉnh có sản lượng nông sản, thủy sản khá lớn và đa dạng về chủng loại, nhưng phần lớn tiêu thụ dưới dạng thô hoặc sơ chế, chưa có nhiều sản phẩm được chế biến sâu nên tỉnh Vĩnh Long còn tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản để gia tăng giá trị sản phẩm và giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản.
Định hướng của tỉnh thu hút đầu tư các dự án chế biến nông sản. |
Để đến năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 11,8%/năm, cơ cấu ngành thương mại dịch vụ chiếm 49%, kim ngạch xuất khẩu đạt 870 triệu USD… ngành công thương đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ông Phạm Tứ Phương cho biết, ngành sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến cho thị trường nội địa theo hướng dài hạn có trọng tâm, trọng điểm; gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đồng thời, phải tận dụng thời cơ Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do để xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh cho thị trường xuất khẩu.
Cung cấp thông tin về các thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản (cả thị trường trong nước và xuất khẩu), góp phần định hướng sản xuất hàng hóa nông sản trong tỉnh gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và các chính sách ưu đãi trong sản xuất, kinh doanh đến các doanh nghiệp nắm các ưu đãi, các cam kết trong hội nhập, các rào cản kỹ thuật trong thương mại.
Đồng thời, triển khai đồng bộ và có hiệu quả kế hoạch thương mại điện tử giai đoạn 2021- 2025, phát huy hiệu quả hoạt động của sàn thương mại điện tử ngành, sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long để góp phần quảng bá, kết nối và tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh, cũng như nhu cầu thông tin thị trường, thông tin đầu tư và pháp luật đến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản được tỉnh quan tâm quy hoạch và định hướng phát triển tại Đề án cơ cấu lại ngành công thương tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chú trọng công tác mời gọi đầu tư các dự án chế biến nông sản, thủy sản bước đầu hình thành một số ngành hàng có lợi thế so sánh như: chế biến gạo, rau củ quả xuất khẩu, chế biến cá tra xuất khẩu… |
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin