Vĩnh Long cùng cả nước phát triển nhanh và bền vững

07:09, 02/09/2020

75 năm qua, cùng cả nước, tỉnh Vĩnh Long luôn kiên trì thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, vận dụng sát hợp vào điều kiện thực tế của tỉnh và đạt được những thành tựu quan trọng, trở thành tỉnh có mức phát triển khá trong vùng ĐBSCL và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 3/63 tỉnh- thành trên cả nước.

 

TP Vĩnh Long khẳng định vai trò là đô thị hạt nhân, đầu tàu cho phát triển của tỉnh. Ảnh: TUYẾT HIỀN
TP Vĩnh Long khẳng định vai trò là đô thị hạt nhân, đầu tàu cho phát triển của tỉnh. Ảnh: TUYẾT HIỀN

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sự kiện trọng đại này là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta.

75 năm qua, cùng cả nước, tỉnh Vĩnh Long luôn kiên trì thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, vận dụng sát hợp vào điều kiện thực tế của tỉnh và đạt được những thành tựu quan trọng, trở thành tỉnh có mức phát triển khá trong vùng ĐBSCL và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 3/63 tỉnh- thành trên cả nước.

Những kết quả đó là thành tựu rất đáng tự hào, là động lực để tỉnh Vĩnh Long tiếp tục vươn cao và xa hơn nữa để trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa

Bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, Vĩnh Long cũng là tỉnh thuần nông có xuất phát điểm thấp, đời sống người dân hết sức khó khăn. Với nỗ lực không ngừng, tỉnh Vĩnh Long đã tạo nên nhiều thay đổi trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đó là: “Đã hoàn thiện được hệ thống thủy lợi nội đồng gắn với xây dựng giao thông nông thôn; đến nay, khép kín trên 95% diện tích đất nông nghiệp, giúp nông dân chủ động tưới tiêu. Bên cạnh, phát triển cơ giới hóa trên cả 3 lĩnh vực trồng trọt- chăn nuôi- thủy sản.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, từ 1 vụ lúa mùa sang trồng 3 vụ lúa cao sản. Sau khi có lương thực dư để xuất khẩu thì chuyển từ đất lúa sang trồng rau màu và cây ăn trái. Hình thành những trang trại để đảm bảo sản xuất lượng hàng hóa lớn, an toàn sinh học và phòng ngừa dịch bệnh”- ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh được chuyển dịch theo hướng đa dạng, chất lượng, an toàn, bền vững. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch rau tía tô xanh.
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh được chuyển dịch theo hướng đa dạng, chất lượng, an toàn, bền vững. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch rau tía tô xanh.

Việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực thời gian qua đã giúp cơ sở vật chất- kỹ thuật trong tỉnh không ngừng được tăng cường; đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới. Trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực nâng lên đáng kể, cơ bản đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa- hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Các mặt văn hóa- xã hội phát triển nhanh, bền vững. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Các chính sách trợ giúp xã hội được triển khai kịp thời, đồng bộ. Công tác giảm nghèo được tập trung thực hiện với nhiều giải pháp quyết liệt…

Bí thư Đảng ủy Phường 8 (TP Vĩnh Long) Trương Minh Trí- phấn khởi cho biết: Phường 8 trước đây là vùng ven của TX Vĩnh Long, về hạ tầng: điện, đường, trường, trạm… chẳng khác mấy nông thôn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Song giờ đây, Phường 8 ngày càng phát triển với điểm nhấn nổi bật là xây dựng thành công phường văn minh đô thị, hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu làm việc, học hành, sinh hoạt, vui chơi của người dân.

Cơ cấu lao động của tỉnh Vĩnh Long trong những năm qua có sự dịch chuyển mạnh từ nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Cơ cấu lao động của tỉnh Vĩnh Long trong những năm qua có sự dịch chuyển mạnh từ nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Hiện nay, Vĩnh Long đã trở thành tỉnh có mức phát triển khá ở ĐBSCL và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 3/63 tỉnh- thành trên cả nước.

“Đây là những tiền đề quan trọng, cần thiết để Vĩnh Long tiếp tục hướng đến mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững và cùng với cả nước phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”- ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- nhận định.

Đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững

Kế thừa và phát huy thành quả của thế hệ trước, Bí thư Đảng ủy Phường 8 Trương Minh Trí- cho rằng: “Là thế hệ hậu bối cũng là người đứng đầu đơn vị, tôi sẽ gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và là “trung tâm đoàn kết của đơn vị”, cùng đơn vị xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, đẩy nhanh phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh, phấn đấu xây dựng phường văn minh đô thị kiểu mẫu và hiện đại, góp phần xây dựng thành phố đạt đô thị loại I trong thời gian tới”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Văn Liêm cũng cho biết: “Là cán bộ ngành nông nghiệp thuộc cơ quan quản lý và tham mưu về chuyên môn, những gì nông dân đạt được chính là niềm vui của tôi, qua đó cũng xem như mình hoàn thành chức năng, nhiệm vụ. Lúc nào tôi cũng suy nghĩ mô hình nào, giải pháp nào thật sự mang lại lợi ích, hiệu quả cho nông dân.

Mong giúp cho nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, trúng mùa, được giá, phòng chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai, giảm được thiệt hại. Song, không riêng ai hay một vài địa phương nào phấn đấu là được mà còn phụ thuộc vào cái chung, vĩ mô, nên cần có những chiến lược lớn hơn nữa để giúp nông dân sản xuất nông sản chất lượng, đảm bảo có đầu ra.

Tâm nguyện của tôi “đã làm thì phải có suy nghĩ, có tầm nhìn xa” và cần có sự chuyển biến trong cả hệ thống chính trị, ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là ý thức của người dân để cùng cộng đồng gắn kết trách nhiệm, cùng định hướng tới tương lai để kịp thời thay đổi phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế”.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nói, để tiếp nối và phát huy thành quả của thế hệ trước trao truyền và góp sức đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, vấn đề ông quan tâm và sẽ tập trung chỉ đạo là: cơ cấu lại ngành công thương, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị.

Diện mạo nông thôn tỉnh Vĩnh Long đến nay đã có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư ngày càng hoàn thiện.
Diện mạo nông thôn tỉnh Vĩnh Long đến nay đã có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư ngày càng hoàn thiện.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cũng định hướng giai đoạn 2021- 2025 sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực trọng điểm: phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng và năng suất cao; phát triển du lịch sinh thái gắn du lịch văn hóa, tâm linh, làng nghề truyền thống và du lịch nghỉ dưỡng; nâng cấp, cải tạo hệ thống các tuyến đường quan trọng nội tỉnh và hệ thống giao thông đối ngoại nhằm tăng cường kết nối với các thành phố lớn; xây dựng TP Vĩnh Long trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh.

Bên cạnh, sẽ chỉ đạo tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh đáp ứng yêu cầu phát triển; phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân; phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, điều hành ở các cơ quan quản lý công và khu vực doanh nghiệp...

“Nhìn lại chặng đường 75 năm khai sinh đất nước đầy gian truân nhưng rạng rỡ tự hào, đây sẽ là hành trang quý báu để mỗi chúng ta tiếp tục vững bước, phát huy những thành quả đạt được. Mong muốn của tôi là đời sống vật chất và tinh thần của người dân tỉnh nhà ngày càng được nâng cao, Vĩnh Long ngày càng phát triển, góp phần cùng cả nước phát triển nhanh và bền vững”- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Phú Xuân (ấp Hòa Phong, xã Hòa Hiệp- Tam Bình)

Trước đây, nông dân mình nghèo lắm do phải trải qua chiến tranh. Những năm đầu sau giải phóng, giao thông rất khó khăn… Sau này, nhờ cải tạo ruộng đất, lúa mới trúng. Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường được đầu tư nâng cấp, xe 4 bánh tới tận nhà. Hồi xưa, hộ nào “bảnh lắm” mới có xe đạp, thì nay mỗi hộ có 3- 5 xe máy, có hộ còn sắm xe hơi. Giờ đây, nước máy, điện thắp sáng, Internet phủ sóng, giúp nông dân dễ dàng lên mạng nắm bắt khoa học- kỹ thuật, ở nông thôn không khác gì thành thị.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh