EVFTA: Cơ hội thúc đẩy phục hồi xuất khẩu sản phẩm tôm, cá ngừ vào EU

05:09, 08/09/2020

Cùng với việc EU từng bước kiểm soát được dịch COVID-19, thì việc EVFTA có hiệu lực từ 1/8 cũng tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU, trong đó có thủy sản.

Cùng với việc EU từng bước kiểm soát được dịch COVID-19, thì việc EVFTA có hiệu lực từ 1/8 cũng tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU, trong đó có thủy sản.

Ngư dân phân loại cá ngừ đại dương khi tàu vừa cập cảng Hòn Rớ (thành phố Nha Trang, Khánh Hòa). (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Ngư dân phân loại cá ngừ đại dương khi tàu vừa cập cảng Hòn Rớ (thành phố Nha Trang, Khánh Hòa). (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong khi xuất khẩu thủy sản tháng Tám vẫn tiếp tục đà suy giảm do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì xuất khẩu tôm, cá ngừ vào EU đã có dấu hiệu phục hồi trở lại.

Từ tháng 3-6/2020 khi dịch COVID-19 lây lan mạnh ở EU nhiều quốc gia phải phong tỏa hoạt động thương mại và vận tải xuyên biên giới đã khiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU giảm liên tục.

Tuy nhiên, trong hai tháng Bảy và Tám, xuất khẩu tôm vào EU có dấu hiệu tăng nhẹ so với những tháng trước đó và so với cùng kỳ năm 2019.

Trong tháng Bảy xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 54,2 triệu USD, tăng 2% so với tháng 7/2019.

Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang EU trong tháng Tám ước tính tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Theo phân tích của VASEP, cùng với việc EU từng bước kiểm soát được dịch COVID-19 thì Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020 cũng tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU, trong đó có các mặt hàng thủy sản.

Cụ thể, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng tôm Việt Nam như tôm hùm xanh ướp đá, tôm sú HOSO, DP đông lạnh, tôm sắt PD tươi đông lạnh; tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông có mức thuế từ 12,5% đã được giảm về 0%. Đặc biệt, các loại tôm sú có mức thuế từ 20% cũng được xóa bỏ thuế ngay.

EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, hiện chiếm 13,3% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Sau 5 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng tôm khác đang có mức thuế 18-20% cũng được xóa bỏ thuế.

Trong khi các đối thủ cạnh tranh với tôm Việt Nam trên thị trường EU như Thái Lan không được hưởng thuế GSP, không có FTA nên có mức thuế cơ bản là 12%; Ấn Độ không có FTA nên chịu thuế GSP 4,2%; Indonesia chịu thuế GSP 4,2% và Ecuador vẫn chịu mức thuế cơ bản 12%.

Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà nhập khẩu của EU cũng có xu hướng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn.

Dịch COVID-19 đã có tác động nhiều tới xu hướng của các nhà nhập khẩu và thói quen tiêu thụ tôm của người dân EU.

Trong khi nhu cầu tiêu thụ tôm tại nhà hàng giảm mạnh thì nhu cầu tôm tại các hệ thống bán lẻ tăng do người dân mua về chế biến tại nhà.

Các mặt hàng chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình vẫn được ưa chuộng.

Nhận định về xu hướng thị trường tôm EU, từ nay đến cuối năm, các chuyên gia cho biết, các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại.

Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngành du lịch cũng đang bắt đầu khởi động tuy nhiên các nhà nhập khẩu tôm tại phân khúc này và các nhà cung cấp của họ vẫn phải chịu áp lực lâu dài do dịch bệnh chưa chắc chắn khi nào sẽ kết thúc.

Trong khi đó, doanh số bán lẻ hoặc online tiếp tục tăng và nhu cầu tiêu thụ tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ còn tốt hơn khi chuẩn bị tới các kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Với những tín hiệu lạc quan trong hai tháng vừa qua, VASEP dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19.

So với tôm, xuất khẩu cá ngừ có dấu hiệu phục hồi nhanh hơn. Nếu như tháng Sáu, xuất khẩu các ngừ Việt Nam sang EU vẫn giảm hơn 17% so với cùng kỳ thì sang tháng Bảy, xuất khẩu cá ngừ  đã  lội ngược dòng ngoạn mục với mức tăng 65% so với cùng kỳ.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, việc Hiệp định EVFTA đi vào thực thi sẽ tiếp tục là đòn bẩy cho xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vào EU.

Cụ thể, các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304) của Việt Nam nhập khẩu vào EU đã được xóa bỏ thuế quan.

Trong khi đó, theo phân bổ hạn ngạch, từ 1/8 -31/12/2020 gần 4.800 tấn các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam xuất khẩu vào EU cũng được miễn thuế. Điều này giúp cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam có sức hút hơn đối với thị trường EU.

Số liệu thống kê của cơ quan Hải quan cho thấy, Đức, Italy và Hà Lan là 3 thị trường nhập khẩu cá ngừ nhiều nhất của Việt Nam trong khối EU.

Riêng tháng Bảy, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang cả 3 thị trường này đều tăng trưởng ấn tượng ở mức ba con số lần lượt là 119%, 200% và 210%.

Đức đang là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong khối EU, chiếm tới 69% tổng nhập khẩu.

Dưới tác động của Hiệp định EVFTA, các lô hàng cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang Đức đang tăng mạnh trong tháng Bảy, tăng 300% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngược lại, Italy lại tăng nhập khẩu cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô của Việt Nam.

Tính riêng trong tháng Bảy, nhập khẩu nhóm sản phẩm này của Italy, chiếm tới 90% tổng nhập khẩu của EU từ Việt Nam, tăng gần 190% so với cùng kỳ.

Còn Hà Lan tăng nhập khẩu các sản phẩm thịt cá ngừ đông lạnh mã từ Việt Nam. Giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam sang Hà Lan tăng tới 659% so với cùng kỳ.

Với sự tăng trưởng vượt bậc tại các thị trường trong hai tháng gần đây, có thế thấy việc được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA đang tạo ra sức hút cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam tại thị trường EU.

Các chuyên gia khuyến nghị những năm gần đây người tiêu dùng EU ngày càng chủ động quan tâm đến sản phẩm bền vững. Khi dịch COVID-19 xảy ra, xu hướng này lại càng được thể hiện rõ nét.

Người dân EU ưu tiên sản phẩm được chứng nhận, đảm bảo không chỉ tính bền vững mà còn phải truy xuất được nguồn gốc, lành mạnh, được sản xuất an toàn và vệ sinh.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của Việt Nam là diện tích nuôi trồng tôm đạt chứng nhận của EU còn rất ít và hoạt động khai thác hải sản vẫn đang vướng cảnh báo thẻ vàng IUU.

Do đó, để tận dụng được các ưu đãi mà Hiệp định EVFTA mang lại, gia tăng thị phần hàng thủy hải sản Việt Nam tại EU, doanh nghiệp và Nhà nước cần có những biện pháp khuyến khích, ưu tiên đẩy mạnh diện tích nuôi tôm đạt tiêu chuẩn và nhanh chóng gỡ bỏ thẻ vàng IUU trong khai thác hải sản./.

Theo Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh