Bộ Kế hoạch- Đầu tư (ĐT) vừa tổ chức hội thảo trực tuyến với các tỉnh- thành vùng ĐBSCL nhằm lấy ý kiến tham vấn cho Khung định hướng phát triển vùng này thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Kế hoạch- Đầu tư (ĐT) vừa tổ chức hội thảo trực tuyến với các tỉnh- thành vùng ĐBSCL nhằm lấy ý kiến tham vấn cho Khung định hướng phát triển vùng này thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Góp ý khung định hướng này, bên cạnh kiến nghị phát triển hài hòa giữa 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, Vĩnh Long cũng đề nghị bộ, ngành Trung ương cần thể chế tạo đột phá vùng này trong tương lai.
Thách thức là rất lớn
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch- ÐT Trần Quốc Phương cho biết, theo Nghị quyết 120/NQ-CP (năm 2017) của Chính phủ về “Phát triển bền vững vùng ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch- ÐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương có liên quan triển khai lập quy hoạch vùng ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giải quyết đồng bộ các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập.
Theo đó, việc lấy ý kiến các tỉnh- thành trong vùng là cơ sở hoàn thiện khung định hướng phát triển để báo cáo với Hội đồng Tư vấn quốc gia, tiến tới xây dựng Quy hoạch phát triển vùng ÐBSCL.
Đây cũng là căn cứ hết sức quan trọng để các địa phương trong vùng xây dựng quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.
“Chúng tôi rất mong muốn các địa phương đóng góp làm rõ thêm một số vấn đề trọng tâm thời gian tới như: trong phát triển kinh tế có nên đặt mục tiêu cho ĐBSCL bằng hoặc cao hơn vùng khác; hay nên coi ĐBSCL là vùng kinh tế độc lập hay một phần Nam Bộ; vấn đề giải quyết dôi dư lao động nông nghiệp, hạ tầng, môi trường… vùng này thời gian tới như thế nào?”- Thứ trưởng Trần Quốc Phương gợi ý một số nội dung cần thảo luận trong cuộc họp trực tuyến với 3 tỉnh- thành là Vĩnh Long, An Giang và TP Cần Thơ mới đây.
Đánh giá cho thấy, ĐBSCL là vùng đất tiềm năng khi chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước, trong đó tôm, cá tra và cá rô phi là sản phẩm nuôi trồng thủy sản chủ lực. Chỉ riêng ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trong vùng đã sử dụng hơn 2,8 triệu lao động, chiếm 10% lực lượng lao động cả nước…
Tuy nhiên, vùng này đang đối mặt với biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự kiến, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế và đời sống của người dân. Tình trạng ô nhiễm do các hóa chất nông nghiệp và các chất gây ô nhiễm khác ảnh hưởng đến nước mặt… Do đó, cần thiết phải có quy hoạch vùng tích hợp để giải quyết căn bản và toàn diện các thách thức hiện tại và định hướng phát triển cho tương lai.
Ưu tiên hạ tầng giao thông
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh, cho rằng khung định hướng phát triển thời gian tới cần quan tâm trong phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với đảm bảo thu nhập cho người dân, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; đồng thời cần quan tâm nguồn nước sạch cho ÐBSCL nhất là nước sạch cho khu vực nông thôn, xác định mục tiêu tăng thu nhập trung bình cho người dân trong vùng phải cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Về quy hoạch hạ tầng y tế, vừa chú trọng ĐT hạ tầng, đồng thời, xây dựng vệ tinh để người dân có điều kiện chăm sóc sức khỏe.
Các địa phương đều cho rằng, giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, nhưng hiện tại yếu kém cả đường bộ lẫn đường thủy và hàng không. Gần 20 triệu người dân, nhưng mới chỉ có hơn 40km đường cao tốc.
Giao thông đường thủy nhiều nhưng phát triển còn manh mún, không đồng bộ. Toàn vùng hiện có 4 cảng hàng không, trong đó có 2 cảng hàng không quốc tế là Cần Thơ và Phú Quốc đều chưa khai thác hết tiềm năng.
Hạ tầng giao thông đồng bộ rất cần thiết cho ĐBSCL. |
Ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long- cho rằng trong khung định hướng phát triển thì hạ tầng giao thông cần được ưu tiên phát triển trước, kế đến là hạ tầng thủy lợi.
“Hiện nay hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu và chưa đồng bộ. Cái đã có hiện tại cũng đang chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu, nhiều năm quá tải, không được chỉnh sửa. Như ngay QL1 thì mùa lũ ngập nước kéo dài ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa, sinh hoạt người dân.”- ông Lê Quang Trung đồng thời cũng lưu ý trong ĐT xây dựng hạ tầng thủy lợi, trước đây chủ yếu để phục vụ cho ngăn lũ; nhưng hiện nay vừa phải ngăn lũ, ngăn mặn lại vừa chống hạn. Do đó, cần có định hướng thủy lợi trong tương lai, công năng phù hợp cho từng loại cây- con.
Nêu quan điểm về việc ĐBSCL có nên chú trọng phát triển kinh tế hơn lĩnh vực khác, ông Lê Quang Trung cho rằng, cần phát triển hài hòa 3 yếu tố là kinh tế, xã hội và môi trường. Bởi đây là cơ sở quan trọng cho phát triển bền vững ĐBSCL. Và để làm được, ĐBSCL cần thể chế để tạo khâu đột phát triển, thu hút nguồn lực ĐT, nhất là ĐT phát triển nông nghiệp, nguồn nhân lực…
Trong định hướng tổ chức không gian vùng và xây dựng trung tâm đầu mối, ông còn đề nghị thêm tỉnh Vĩnh Long, bởi tiềm năng về diện tích và sản lượng về thủy sản, nông sản của tỉnh là rất lớn. Vĩnh Long giáp 7 tỉnh vùng ĐBSCL, nằm trên QL1 và tới đây cao tốc đi qua cũng là điều kiện rất tốt trong nuôi trồng cũng như vận chuyển hàng hóa.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đồng tình với các địa phương trong việc ưu tiên ĐT hạ tầng giao thông là vấn đề tối quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội vùng này. Thứ trưởng cũng mong muốn các địa phương tiếp tục nghiên cứu các nội dung để hoàn chỉnh Khung định hướng phát triển vùng ĐBSCL, phục vụ công tác lập quy hoạch vùng trong thời gian tới.
Dự thảo Khung định hướng phát triển vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra 3 trụ cột chính. Kinh tế với mục tiêu là “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên việc phát huy lợi thế so sánh của vùng”. Môi trường và tài nguyên thiên nhiên với mục tiêu “Ðề xuất sử dụng hợp lý tài nguyên đảm bảo phù hợp với đặc điểm của tài nguyên đất/nước”, phương châm “sống chung với nước ngọt, nước lợ và nước mặn”. Phát triển xã hội, mục tiêu là “Phát triển vùng và phân bổ nguồn lực theo hướng cân bằng hơn” thúc đẩy phát triển đô thị… |
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin