Chính sách thay đổi đã tạo động lực cho không chỉ những mẫu xe ô tô từng "dứt áo ra đi" quay lại lắp ráp trong nước mà còn có cả doanh nghiệp mới công bố sẽ đầu tư lắp xe ở Việt Nam để hưởng thuế nhập khẩu linh kiện ưu đãi 0% và chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Chính sách thay đổi đã tạo động lực cho không chỉ những mẫu xe ô tô từng “dứt áo ra đi” quay lại lắp ráp trong nước mà còn có cả doanh nghiệp mới công bố sẽ đầu tư lắp xe ở Việt Nam để hưởng thuế nhập khẩu linh kiện ưu đãi 0% và chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Dây chuyền lắp ráp xe Mazda của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải trong Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). Ảnh: TTXVN |
Trước đây, các mẫu xe như Toyota Fortuner và Honda CR-V đang sản xuất lắp ráp trong nước, nhưng từ khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam giảm còn 0% từ đầu năm 2018, nhiều liên loanh ô tô đã rất đã "nỗ lực" hoàn tất thủ tục để tận dụng việc miễn thuế nhập khẩu các mẫu xe từ nội khối về phân phối, thay cho lắp ráp trong nước.
Trong "nỗ lực" này và sau khoảng nửa năm, các liên doanh đã đáp ứng được nhiều điều kiện nhập khẩu khắt khe để đưa Honda CR-V, Toyota Fortuner và sau đó thêm nhiều mẫu xe khác lần lượt về Việt Nam phân phối. Tuy nhiên, việc phân phối sản phẩm nhập khẩu này nguồn cung không ổn định và luôn xảy ra tình trạng khan hàng, một số mẫu xe còn xuất hiện tình trạng nâng giá bán hoặc bán kèm các sản phẩm khác đối với những khách hàng muốn nhận được xe sớm.
Để đảm bảo nguồn cung và doanh số bán hàng, giữa năm 2019, Toyota Việt Nam được coi là doanh nghiệp tiên phong đưa mẫu Fortuner quay trở lại lắp ráp trong nước đối với các phiên bản bán chạy, đồng thời duy trì nhập khẩu các phiên bản còn lại và nhiều mẫu xe khác về phân phối.
Trong cùng xu hướng đó, thời gian gần đây một số liên doanh cũng đang dần "xoay trục" trở lại lắp ráp những mẫu xe chủ chốt của mình khi nhiều hiệp định thương mại được ký kết cùng với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước. Chính sách giảm lệ phí trước bạ này dù chỉ trong ngắn hạn nhưng đã tạo ra lợi thế và động lực khuyến khích liên doanh đưa nhiều mẫu xe quay trở lại “đánh thức” dây chuyền sản xuất của mình.
Sau Toyota Fortuner, Honda Việt Nam đã đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất nhà máy ở Vĩnh Phúc để lắp ráp mẫu xe bán chạy nhất của mình là CR-V. Ngày 20/7, Honda Việt Nam đã chính thức xuất xưởng CR-V 2020 thế hệ thứ 5 với 3 phiên bản có những nâng cấp đáng chú ý, chấm dứt sau khoảng 3 năm nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan về phân phối.
Ông Keisuke Tsuruzono, Tổng Giám đốc Honda Việt Nam (HVN) khẳng định: "Honda CR-V 2020 đi vào sản xuất không chỉ khẳng định nỗ lực của HVN trong việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước theo định hướng của Chính phủ mà còn là lời cam kết của HVN trong việc đầu tư toàn diện tại Việt Nam. Đặc biệt, với nhà máy được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại có công nghệ tiên tiến, quy trình sản xuất được quản lý và vận hành bởi đội ngũ kỹ sư Honda đào tạo tại nhà máy Honda tại Nhật Bản, cùng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Honda toàn cầu, chắc chắc CR-V mới sản xuất tại nhà máy Honda Việt Nam sẽ thỏa mãn khách hàng Việt Nam”.
Cũng trong ngày 20/7, Mitsubishi Việt Nam cũng ra mắt mẫu xe bán chạy nhất của mình là Xpander sản xuất lắp ráp tại nhà máy ở Bình Dương, sau gần 2 năm nhập khẩu từ Indonesia về phân phối. Đây cũng là mẫu xe liên tiếp dẫn đầu toàn thị trường ô tô Việt Nam trong phân khúc MPV hàng tháng vốn được Toyota Innova chiếm lĩnh thị trường.
Với việc lắp ráp phiên bản AT, Mitsubishi sẽ bán song song cùng phiên bản AT nhập khẩu với giá bằng nhau trong khi thiết kế và trang bị không có sự khác biệt. Nhờ đó, Mitsubishi Xpander lắp ráp trong nước sẽ có chi phí lăn bánh rẻ hơn từ 30 - 40 triệu đồng từ việc giảm 50% lệ phí trước bạ so với phiên bản nhập khẩu.
Mitsibishi Motors Việt Nam cho biết, việc đưa Xpander lắp ráp trong nước thể hiện đơn vị tiếp tục mở rộng sản xuất trong nước, đồng thời bổ sung thêm nguồn cung xe, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của khách hàng. Hơn nữa việc lắp ráp trong nước sẽ giúp khách hàng mua xe tiết kiệm được số tiền không nhỏ từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ vừa ban hành.
Trước đó, Ford Việt Nam cũng có kế hoạch lắp ráp mẫu Escape sau 5 năm vắng bóng thị trường, nhưng theo tiết lộ từ nhà sản xuất, do một phần tác động từ dịch COVID-19 và yếu tố quan trọng hơn là liên quan đến nguồn cung nên mẫu xe này không kịp ra mắt trong năm nay đúng “thời điểm vàng” ưu đãi trước bạ.
Đáng chú ý, ngoài các liên doanh ô tô góp mặt ở Việt Nam lâu năm, thương hiệu ô tô đến từ Anh quốc (MG Motor) sau khoảng 8 vắng bóng đã quay trở lại bằng việc ra mắt bộ đôi SUV MG HS và MG ZS tại Hà Nội.
Ông Teh Kim Hwa, Tổng Giám đốc TC Services Vietnam, nhà phân phối chính thức của MG tại Việt Nam (MG Việt Nam) chia sẻ, việc ra mắt 2 mẫu xe này sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho hành trình của thương hiệu MG tại Việt Nam, đồng thời là tiền đề vững chắc để sản phẩm của MG được chính thức ra mắt thị trường ô tô Việt trong thời gian tới.
Ông Teh Kim Hwa cho hay, trước mắt, 2 mẫu xe này sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc, đến tháng 11/2020 sẽ chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan để hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi nội khối còn 0%. Dự kiến từ năm 2021, một số mẫu xe của MG sẽ được lắp ráp, sản xuất tại nhà máy ở Đà Nẵng…
Theo MG Motor, không chỉ giảm phí trước bạ và thuế nhập khẩu linh kiện ô tô về 0% áp dụng cho sản phẩm trong nước chưa sản xuất được, Việt Nam còn được đánh giá là một trong những thị trường ô tô sôi động, nhiều tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á và liên tục ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng của nền công nghiệp ô tô trong những năm gần đây. Đặc biệt, năm 2020 được coi là năm “bản lề” để thị trường ô tô Việt Nam bước vào giai đoạn bùng nổ và đây cũng là lý do để MG Motor góp mặt tại Việt Nam.
Còn theo nhận định của giới chuyên môn, động thái các doanh nghiệp đưa một số mẫu xe quay trở lại lắp ráp hoặc đầu tư lắp ráp ở Việt Nam là chiến lược đón đầu những chính sách hỗ trợ của Chính phủ như giảm 50% phí trước bạ đến hết năm 2020. Chính sách này dù chỉ là trong ngắn hạn, nhưng đang trở thành nguồn động lực kích thích doanh nghiệp sản xuất lắp ráp, giúp xe lắp ráp trong nước tạo lợi thế cạnh tranh hơn với xe nhập khẩu; đồng thời kích sức mua bởi việc giảm 50% lệ phí trước bạ đã và đang giúp khách hàng có thể tiết kiệm được từ 15 triệu đến gần 300 triệu đồng.
Đặc biệt, một trong những điểm nhấn trong xu hướng chuyển dịch này là nội dung của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi… ban hành ngày 25/5/2020 và có hiệu lực từ 10/7/2020. Cụ thể, Nghị định quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.
Nghị định 57/2020/NĐ-CP sẽ là lợi thế lớn cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất lắp ráp và giảm chi phí, bởi để sản xuất một chiếc xe ô tô, đa phần các doanh nghiệp vẫn phụ thuộc đến khoảng 80% linh phụ kiện nhập khẩu, điều này khiến giá xe luôn cao hơn các nước trong khu vực; đồng thời tạo thêm việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Còn người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn về sản phẩm cũng như thương hiệu xe với xu hướng giá xe sẽ rẻ hơn, bên cạnh xu hướng giá xe đang giảm dần nhờ các chính sách mới và doanh nghiệp cạnh tranh nhau để giảm giá bán xe.
Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng nhận định, nhiều khả năng các hãng sẽ tập trung sản xuất lắp ráp những mẫu xe chủ lực, có doanh số bán tốt bởi để hưởng được mức thuế nhập khẩu linh kiện ô tô ưu đãi 0%, doanh nghiệp còn phải đáp ứng được các tiêu chí về sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu cho từng kỳ xét ưu đãi.
Theo Văn Xuyên (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin