Thủ tướng: "Không tô hồng hay bôi đen số liệu thống kê"

08:08, 02/08/2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi chủ trì họp về đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2020, sáng 2/8.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi chủ trì họp về đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2020, sáng 2/8.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Các biện pháp kích cầu nội địa rất thành công

Thời gian qua Thủ tướng đã làm việc với nhiều vùng kinh tế, nhiều địa phương, tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo các giải pháp để địa phương thúc đẩy kinh tế xã hội, phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội. Trong đó, hầu hết các địa phương cho biết đều phấn đấu thu ngân sách và giải ngân hết vốn đầu tư công đạt kế hoạch từ đầu năm. Đây là điều rất có ý nghĩa khi lượng vốn đầu tư công năm nay rất lớn so với các năm trước. Đặc biệt một số địa phương cam kết không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế xã hội. 

Theo Thủ tướng, những yếu tố này cho thấy, cần có đánh giá tổng thể trên phạm vi cả nước để từ đó làm cơ sở điều hành các giải pháp kinh tế xã hội, quyết tâm không để đứt gãy nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19.  

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, việc tính toán số liệu thống kê hiện còn gặp một số khó khăn, nhất là trong việc chia sẻ thông tin đúng thời hạn của các bộ, ngành. Do đó, Tổng cục đề nghị các bộ, ngành, địa phương cung cấp số liệu kịp thời hơn.

Bên cạnh đó, các địa phương khi tính toán tốc độ tăng trưởng kinh tế thì cần thảo luận, làm việc với các bộ, ngành để đảm bảo phương pháp tính và số liệu chính xác hơn. Một số bộ, ngành tại cuộc họp thì đánh giá, tình hình kinh tế xã hội từ sau tháng 4 đã tốt lên, do dịch bệnh được kiểm soát. 

Sau khi các bộ, ngành phát biểu ý kiến, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, làn sóng Covid-19 đang trở lại phức tạp, nặng nề hơn với nước ta. Chúng ta đã bình tĩnh, quyết tâm chỉ đạo để tiếp tục thực hiện tốt hai mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để đứt gãy nền kinh tế, không để nền kinh tế tăng trưởng âm. Nhất là trong bối cảnh thế giới, nhiều đối tác lớn của nước ta tăng trưởng âm.

Mặc dù bối cảnh nhiều khó khăn như vậy, nhưng qua báo cáo của Tổng cục thống kê và các cơ quan chức năng, Thủ tướng đánh giá, kinh tế nước ta không tăng cao trong tháng 7, nhưng có tăng trưởng và khả quan so với cùng kỳ. Các biện pháp kích cầu nội địa thời gian qua rất thành công, giúp thị trường sôi động trở lại. Tuy vậy, do dịch bệnh nên các biện pháp có sự điều chỉnh, trước mắt là ngăn chặn dịch lây lan, không được để dịch bùng phát trên diện rộng. 

Trước bối cảnh đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đảm bảo đạt tốt nhất các chỉ tiêu kinh tế xã hội đề ra. Theo đó, cần tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, mang lại tác dụng cho tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất và giải quyết việc làm. Thực hiện tốt cả chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng nới lỏng có kiểm soát. Đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội, nhất là đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Song song với đó là đảm bảo giữ chỉ số giá tiêu dùng không quá 4%. Tiếp tục thực hiện các biện pháp an sinh xã hội, đảm bảo đời sống cho nhân dân.

Với các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì cần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường, cùng với đó là có biện pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí để xuất khẩu thuận lợi hơn. Bộ Công thương phải có biện pháp rõ ràng hơn về kích cầu tiêu dùng nội địa. 

Trong bối cảnh khó khăn trước mắt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn về kinh tế-xã hội, bảo vệ mọi thành phần kinh tế, nhất là hệ thống doanh nghiệp, chống đổ vỡ, chống thâu tóm, không để tình trạng thất nghiệp trên diện rộng. Chính vì vậy, các bộ chức năng đều phải có kịch bản tăng trưởng phù hợp, chuẩn bị phương án kinh tế thời gian tới.Phải phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ, ngành, trong đó có phối hợp về con số thống kê.

Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ ngành phải tính toán đầy đủ, chặt chẽ các yếu tố tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế để có con số thực của nền kinh tế được phản ánh, đặc biệt là con số sẽ công bố vào tháng 8, kết thúc quý 3 hàng năm. Những mục tiêu giải pháp sẽ được xem xét cụ thể thông qua một cuộc họp ước khi ngành thống kê công bố trước quốc dân đồng bào một cách công khai, minh bạch.  

Về số liệu xuất nhập khẩu, Thủ tướng nêu rõ, đây là kênh quan trọng trong “cỗ xe tam mã”, nhưng thực tế số liệu tổng hợp từ các cơ quan liên quan thường xuyên chậm, có những số liệu chênh lệch tới hàng tỉ USD, do nguyên nhân ước số liệu 10 đến 15 ngày cuối tháng không phản án sát thực tế. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Tổng cục Hải Quan và Tổng Cục thống kê, giữa Bộ Công thương và Bộ Tài chính chưa tốt.  

Về số liệu tiền tệ, tín dụng và ngân sách Nhà nước, Thủ tướng nêu thực tế hiện các số liệu này được ước tính từ ngày 15-20 hàng tháng. Khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu, thậm chí trong báo cáo của Chính phủ, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì các số liệu này cũng rất chậm. Do đó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đều phải báo cáo bổ sung, cập nhật vì số liệu chênh lệch khá lớn.  

Không tô hồng, không bôi đen

Thủ tướng nhấn mạnh, hơn ai hết, ngành thống kê, ngành kế hoạch đầu tư phải chủ động hơn về số liệu, có số liệu chính xác và kịp thời, vì số liệu này rất quan trọng, có ý nghĩa lớn trong điều hành kinh tế xã hội, ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng số liệu phát triển kinh tế xã hội trong các ngành, lĩnh vực, theo báo cáo của một số bộ, số liệu thống kê hàng tháng một số ngành, lĩnh vực chưa sát thực tiễn. Ví dụ lĩnh vực nông nghiệp, trong hạn mặn vừa qua, từ tháng 3 chúng ta đã chủ động chuyển gần 100 nghìn ha sang loại cây trồng khác thay vì cây lúa, nhưng số liệu 100 nghìn ha này có được tính vào sản phẩm nông nghiệp khác và GDP hay không, hay chỉ nhắm vào cây lúa và giảm sản lượng (do giảm diện tích). Cho nên phải phải phối hợp tốt hơn nữa giữa các ngành.

Thủ tướng yêu cầu phải cập nhật thường xuyên, chính xác, không tô hồng nhưng không được bôi đen, không bỏ sót và làm đúng quy định pháp luật. Trước khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu tư công bố thì Tổng cục Thống kê phải làm việc với các bộ, các cơ quan, rà soát kỹ từng số liệu, phương pháp thống kê, thời điểm cung cấp số liệu, trách nhiệm tổ chức cá nhân liên quan để thực hiện nghiêm túc, tròn trách nhiệm với đất nước.

Nhấn mạnh nhiệm vụ kinh tế xã hội năm nay rất lớn, Thủ tướng nhắc lại đã gửi công thư đến các bộ trưởng quan trọng ngày 17/7 vừa rồi, đồng thời yêu cầu các bộ trưởng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này, rà soát và cập nhật kịch bản tăng trưởng quý 3, cả năm nay và năm 2021. Theo đó cần có giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động vượt qua khó khăn./.

Theo Vũ Dũng/VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh