Tận dụng cơ hội từ "cao tốc" EVFTA

01:08, 13/08/2020

Tại hội nghị trực tuyến "Triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA" vào ngày 6/8/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh hiệp định như một tuyến "đường cao tốc" quy mô lớn, hiện đại, nối gần hơn giữa EU và Việt Nam.

 

Hiệp định EVFTA như một “tuyến đường cao tốc” quy mô lớn, hiện đại mà doanh nghiệp cần có “giấy thông hành”.
Hiệp định EVFTA như một “tuyến đường cao tốc” quy mô lớn, hiện đại mà doanh nghiệp cần có “giấy thông hành”.

Tại hội nghị trực tuyến “Triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA” vào ngày 6/8/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh hiệp định như một tuyến “đường cao tốc” quy mô lớn, hiện đại, nối gần hơn giữa EU và Việt Nam.

Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, kết nối Việt Nam với một không gian thị trường hơn 450 triệu dân và có tiềm năng hàng đầu thế giới.

Cần có “giấy thông hành”

Tại hội nghị, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã đề cập nhiều vấn đề, từ tác động trực tiếp đến tính hiệu quả của việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Châu Âu (EVFTA) cũng như tận dụng những cơ hội và lợi ích mà hiệp định này mang lại.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, muốn chuẩn bị tốt cho bữa tiệc hội nhập EVFTA hay CPTPP thì “chúng ta cần gia cố chiếc kiềng 3 chân trong bếp lửa của mình là thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực”.

Đây cũng chính là nền tảng của năng lực cạnh tranh, yếu tố cốt lõi để bảo đảm thành công trong hội nhập. Vì vậy, việc phát triển bền vững là giấy thông hành cho DN vào thị trường EU.

Thước đo của việc thực hiện EVFTA là số lượng các DN vừa và nhỏ 2 bên làm ăn, buôn bán được với nhau.

Tuyến cao tốc EVFTA mở ra giữa Việt Nam và EU không chỉ cho xe siêu trường, siêu trọng mà còn cho cả các xe tải nhỏ của các hộ kinh doanh, DN vừa và nhỏ- ông Vũ Tiến Lộc góp ý.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho biết, ngành dệt may Việt Nam đứng thứ ba thế giới với thị phần chiếm 6%, nhưng đối với thị trường Châu Âu, chỉ chiếm 2,2%. Do đó, EVFTA là cơ hội lớn để dệt may Việt Nam vươn lên, chiếm thị phần tương xứng.

Nghĩa là trong 5 năm tới, phải tăng thêm 10 tỷ USD, đạt kim ngạch xuất khẩu 15- 20 tỷ USD, chứ không chỉ 5,5 tỷ USD như hiện nay. Do đó, cần có chính sách thu hút FDI và cần có các khu công nghiệp được quy hoạch cho sản xuất nguyên liệu, công nghiệp phụ trợ cho dệt may.

Ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- cho biết: Năm 1999, khi Việt Nam vào danh sách được phép xuất khẩu vào EU thì mới có 19 DN với doanh số 129 triệu USD.

Đến nay, doanh số là 1,3 tỷ USD xuất khẩu thủy sản vào EU, tức là tăng lên 10 lần. “Chúng tôi mong rằng, nếu cách đây 20 năm, chúng ta chỉ xuất được 129 triệu USD và 20 năm qua, chúng ta tăng được 10 lần, thì hôm nay, đây là lần thứ 2 mở thêm xa lộ mới như thế này”- lãnh đạo VASEP cam kết sẽ tăng nhiều lần con số xuất khẩu dệt may hiện nay.

Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau

Ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ như một “tuyến đường cao tốc” quy mô lớn, hiện đại, nối gần hơn giữa EU và Việt Nam. Từ đây, người dân 2 bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các DN của 2 bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã có 13 FTA đang thực thi, trong đó có 2 hiệp định với nội dung rất mới, đó là CPTPP và EVFTA. Đây là những hiệp định thế hệ mới và mở ra nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam và các đối tác có liên quan.

Giao nhiệm vụ để thực thi kế hoạch EVFTA là quan trọng nhưng triển khai đi vào cuộc sống còn quan trọng hơn nhiều, Thủ tướng nêu rõ, chủ trương 1, biện pháp thực hiện phải 10, đặc biệt cần phải thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

Các bộ trưởng, chủ tịch UBND của 63 tỉnh- thành trong cả nước phải trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên triển khai thực thi EVFTA một cách hiệu quả, đồng thời cần tăng cường phối hợp, tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi” và phải đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất.

Các DN và đặc biệt là hiệp hội, chính là chủ thể góp phần quyết định tạo nên thành công của hội nhập, thực thi EVFTA.

“Các DN đều hiểu rõ “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, phải có sự hợp tác, học hỏi kinh nghiệm của nhau, phải liên kết chuỗi vì riêng rẽ từng DN khó có đủ sức mạnh cạnh tranh, không tận dụng được hiệu quả cơ hội mang lại từ EVFTA”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ và nhấn mạnh: “muốn đi xa thì hãy cùng nhau đi”.

UBND tỉnh vừa qua đã ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành nắm rõ và triển khai các nhiệm vụ cần thiết để thực hiện Hiệp định EVFTA có hiệu quả. Đưa ra lộ trình thực hiện giai đoạn 1 (năm 2020) và giai đoạn 2 (2021- 2025) với quy định các nội dung, nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời, giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: LÝ AN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh