Trong bối cảnh nhà nhà smartphone, người người smartphone thì để sản phẩm được khách hàng biết đến nhiều hơn, kênh phân phối rộng rãi hơn, không ít cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ- thậm chí siêu nhỏ- đã chủ động thực hiện chiến dịch marketing online
Doanh nghiệp, cơ sở nhỏ được hỗ trợ, chia sẻ, tiếp nhận thông tin từ những buổi tọa đàm, hội thảo về marketing online. |
Trong bối cảnh nhà nhà smartphone, người người smartphone thì để sản phẩm được khách hàng biết đến nhiều hơn, kênh phân phối rộng rãi hơn, không ít cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ- thậm chí siêu nhỏ- đã chủ động thực hiện chiến dịch marketing online (tiếp thị, bán hàng qua mạng- PV).
Và trong bối cảnh, dịch COVID-19 ảnh hưởng như hiện nay thì đây được xem là kênh tiếp thị hiệu quả nhất. Tuy nhiên, không có nhiều doanh nghiệp thật sự đạt hiệu quả. Vì sao?
Online: Kênh tiếp thị bán hàng hiệu quả
Đối với một cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ thì mở rộng kênh phân phối, bán được sản phẩm là vô cùng quan trọng nếu muốn tồn tại và phát triển lâu dài.
Và để bán được sản phẩm, thì người tiêu dùng phải tiếp cận được sản phẩm thông qua các “điểm chạm”- nơi mà thông tin sản phẩm có thể xuất hiện trước mặt họ một cách trực tuyến (online) hoặc không trực tuyến (offline).
Từ đó, dựa trên sự tin cậy, sự rõ ràng, hấp dẫn của thông tin sản phẩm mà họ sẽ ra quyết mua hay không.
Để làm được điều đó, đòi hòi cơ sở, doanh nghiệp phải có chiến lược marketing cụ thể, rõ ràng, lâu dài. Trong đó, marketing online được biết đến là một hình thức tiếp thị một cách trực tuyến, đạt hiệu quả nếu biết cách khai thác trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp chủ động, nắm bắt theo xu thế, bên cạnh kênh bán hàng truyền thống còn thêm kênh bán hàng, tiếp thị qua online. Tuy nhiên, không ít cơ sở, doanh nghiệp vẫn chưa thật sự thành công.
Ông Trần Văn Lâm- Phó Giám đốc Công ty TNHH Đông Phát (xã Tân Bình- Bình Tân), bày tỏ: Dù đã tăng cường kênh bán hàng qua online nhưng hiệu quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Doanh nghiệp cũng còn vướng không ít khó khăn khi tiếp cận kênh online.
Thực tế cho thấy, marketing online không phải chỉ đơn thuần là việc đang ảnh sản phẩm kèm vài câu giới thiệu là có thể bán được hàng, là sản phẩm có thể lấy được lòng tin khách hàng.
Vậy, câu hỏi đặt ra là: Online marketing thật sự là gì? Tại sao doanh nghiệp cần phải làm? Làm như thế nào? Và làm thế nào để đạt hiệu quả?
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng- giảng viên bộ môn Kinh doanh thương mại (Trường ĐH Cửu Long), tất cả phương thức quảng cáo trên mạng Internet nhằm thúc đẩy xúc tiến việc bán hàng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh, dịch vụ của công ty đến với khách hàng có thể gọi là marketing online.
Theo đó, khách hàng có thể tương tác với quảng cáo như click chuột vào quảng cáo để trực tiếp mua hàng, lấy thông tin sản phẩm hoặc so sánh sản phẩm này với sản phẩm khác, các nhà cung cấp khác nhau. Đồng thời, còn giúp nhà cung cấp thống kê được khách hàng mục tiêu và tiềm năng, cắt giảm nhiều khoản chi phí.
Có thể định vị khách hàng ở đâu, họ tên, địa chỉ, điện thoại, email (trừ khi họ khai giả các thông tin trên các trang mạng nhưng các trang mạng hiện nay thường xác định các thông tin này chính xác mới cho đăng ký).
Nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã chú trọng phát triển kênh bán hàng online. |
Phải làm gì để đạt hiệu quả?
Trong khi kênh bán hàng truyền thống chủ yếu sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, mất một thời gian dài để khách hàng tiếp nhận thông tin và phản hồi, khó lưu trữ thông tin của khách hàng, không chọn được nhóm đối tượng cụ thể, tốn nhiều chi phí,… thì marketing online sử dụng Internet, các thiết bị số hóa mọi lúc mọi nơi.
Theo đó, marketing online sẽ phản ứng nhanh, cập nhật thông tin sau vài phút, khách hàng tiếp nhận thông tin và phản hồi ngay lập tức, có thể chọn được đối tượng cụ thể, tiếp cận trực tiếp khách hàng, lưu trữ thông tin khách hàng dễ dàng, nhanh chóng, lại có thể kiểm soát được chi phí quảng cáo.
Song, muốn tìm được khách hàng online là điều không hề dễ dàng. Điều quan trọng là phải xác định được khách hàng của marketing online- họ là ai?
Họ- đa số là những khách hàng trẻ tuổi, thích công nghệ nhiều hơn khách hàng truyền thống, họ thích truy cập Internet tại nhà, nơi làm việc, khi đi chơi, tại dịch vụ Internet công cộng và họ có trình độ, có thể sử dụng các công cụ Internet thành thạo và biết tiếng Anh.
“Phải nắm được quá trình lên mạng của khách hàng, các yếu tố ra quyết định mua hàng, thói quen duyệt website, độ kiên nhẫn của họ dựa trên sự chờ đợi tải hết trang website, tần suất vào 1 trang hay nhiều trang website, gửi phiếu thăm dò qua các công cụ google, email…
Từ đó doanh nghiệp thiết kế website hay đăng ký quảng cáo trực tuyến phù hợp”- bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng chia sẻ.
Song song đó, phải xây dựng hệ thống marketing online: chăm sóc khách hàng bằng tin nhắn, điện thoại, tặng quà, gửi mail tự động, nhớ những ngày lễ của khách hàng, tìm hiểu độ khó khăn của khách hàng về lĩnh vực họ tìm hiểu (thu nhập, sở thích, thói quen, tác động làm họ ngại chia sẻ, ngại mua hàng), hỏi nhu cầu khách hàng, giới thiệu website, sản phẩm của bên mình,…
Xu thế tất yếu, nếu không muốn bị tụt lùi
Theo nhiều doanh nghiệp, trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, môi trường kinh doanh đang cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nếu chỉ khăng khăng bán hàng theo phương pháp truyền thống mà bỏ qua “mảnh đất màu mỡ” là thị trường kinh doanh online, thì doanh nghiệp khó có thể tồn tại.
Thêm vào đó, xu hướng tiêu dùng của người dân hiện nay cũng đã thay đổi, việc mua hàng online đã trở thành nhu cầu tất yếu của nhiều người. Đây sẽ là cơ hội cho các hộ kinh doanh online, đồng thời cũng là thách thức lớn đối với các hộ kinh doanh truyền thống.
Không ít cơ sở, doanh nghiệp cho rằng: “Nếu không nắm bắt kịp công nghệ hiện đại và mở rộng bán hàng đa kênh trên Internet thì chắc chắn đây sẽ là dấu chấm hết trong kinh doanh trong tương lai gần bởi lợi thế về thương hiệu lâu đời, địa điểm thuận lợi, nhân viên cởi mở, nhiệt tình,… không còn là những yếu tố hoàn toàn có thể níu chân khách hàng nữa. Mà điều khách hàng cần hiện nay là sự nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm thời gian và tiền bạc”.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng, nếu không đổi mới và cập nhật công nghệ, cơ sở, doanh nghiệp sẽ tụt hậu và dần rơi vào quên lãng bởi những đối thủ kinh doanh online nhỏ lẻ. Do đó, doanh nghiệp cần gia nhập vào thị trường kinh doanh online ngay từ hôm nay nếu không muốn bị tụt lùi.
Hãy bắt đầu bằng việc bán hàng trên facebook, zalo, sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc tạo website của riêng mình bởi nếu chậm chân, doanh nghiệp sẽ khó trụ lâu dài trên thị trường.
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin